Cách phòng tránh 4 bệnh rất hay gặp phải trong mùa đông xuân

25-01-2020 15:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Phụ trách Quản lý, Điều hành Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời tiết mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường, vì vậy làm tăng nguy cơ gây bệnh ở người, lây lan trong cộng đồng và bùng phát bệnh truyền nhiễm.

Trong đó, đáng chú ý là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như bệnh sởi, các bệnh cúm, tiêu chảy, liên cầu lợn...

Do đó, để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh. Cụ thể:

Bệnh cúm mùa

Để chủ động phòng chống bệnh cúm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.

Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.

Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.

Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.

Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Chú thích ảnh

 

Bệnh sởi

Các khuyến cáo của Bộ Y tế đối với người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp như: Đưa trẻ em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến Trạm Y tế xã, phường, thị trấn để tiêm vắc xin phòng sởi.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Bệnh tiêu chảy

Để chủ động phòng bệnh tiêu chảy cấp, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã.

Sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

Mỗi gia đình nên có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; không đổ phân, rác thải xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng.

Khi có dấu hiệu bị tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Bệnh liên cầu lợn

Để chủ động phòng chống bệnh liên cầu lợn, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.

Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng vừa có công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân năm 2019 - 2020.
Chú trọng triển khai công tác phòng chống dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao trong những năm qua. Tăng cường các biện pháp để phòng các bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam như MERS-CoV, cúm A(H7N9), A(H5N6).
- Đẩy mạnh các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết, tiếp tục triển khai chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn, đặc biệt tại các công trường xây dựng, nhà trọ. Giám sát chặt chẽ, xử lý ổ dịch kịp thời ổ dịch, cấp cứu điều trị người mắc bệnh theo đúng các Hướng dẫn giám sát, phòng chống và Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Khẩn trương triển khai công tác tiêm chủng, rà soát đối tượng tiêm chủng, bên cạnh việc tiêm chủng thường xuyên cần tổ chức ngay các chiến dịch tiêm phòng sởi, rubella, ho gà cho các đối tượng chưa tiêm hoặc hoãn tiêm, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường.
- Giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; tập trung triển khai công tác tiêm chủng; tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong ở người do dịch bệnh; kịp thời đề xuất với UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, phù hợp với diễn biến dịch tễ của từng bệnh dịch tại địa phương. Tổ chức các đoàn kiểm tra thường xuyên giám sát đánh giá, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn.
- Vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học; chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, thường xuyên làm vệ sinh môi trường tại trường học; phối hợp quản lý tốt sức khỏe học sinh, cán bộ, giáo viên, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thông báo ngay cho cơ quan y tế để được khám, điều trị kịp thời, kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học.
- Phòng chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật, xử lý triệt để ổ dịch, thông báo kịp thời cho ngành y tế để phối hợp các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây từ động vật, thực phẩm sang người.
- Đẩy mạnh truyền thông về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh để cho người dân hiểu và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch; hướng dẫn người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện ăn chín, uống chín; thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.
- Kiểm tra, ngăn chặn triệt để gia cầm, sản phẩm gia cầm bị bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Đảm bảo nhu cầu đáp ứng phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư, hóa chất, cơ số thuốc, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Phạm Hiệp
Ý kiến của bạn