Sự thay đổi thời tiết thất thường, đặc biệt là giai đoạn cuối thu, đầu đồng là điều kiện làm gia tăng các bệnh về tai mũi họng, trong đó phải kể đến bệnh viêm mũi, viêm xoang.
Viêm xoang là bệnh lý không quá nguy hiểm hay đe dọa đến tính mạng con người. Tuy nhiên, nếu căn bệnh này không được phát hiện và tiến hành điều trị kịp thời có thể có khả năng gây ra một số biến chứng nguy hiểm như: Viêm phế quản mãn tính, viêm họng mãn tính, viêm tai giữa, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, giãn phế nang, lao phổi hoặc cũng có thể bị viêm dây thần kinh thị giác và làm ảnh hưởng đến não.
Mặt khác, bệnh viêm xoang không thể chữa khỏi bằng một số phương pháp qua loa mà không tuân thủ các nguyên tắc điều trị của bác sĩ. Bệnh lý sẽ khó thuyên giảm nếu không được điều trị đúng phương pháp. Bên cạnh đó, viêm xoang là một trong số căn bệnh thuộc hệ hô hấp không thể điều trị dứt điểm. Bệnh có thể tái phát trở lại tại một thời điểm trong tương lai với những triệu chứng sổ mũi, hắt xì hơi liên tục. Vì vậy, người bệnh cần có những biện pháp phòng ngừa phù hợp, tránh để mắc hoặc sau một thời gian bệnh sẽ tự khỏi.
Bài viết có sử dụng lại một số thông tin tư vấn của PGS.TS Phạm Thị Bích Đào – Chuyên khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã đăng tải trước đó trên Báo Sức khỏe & Đời sống.
1. Nguyên nhân viêm xoang
Có rất nhiều nguyên nhân viêm xoang, trong đó chủ yếu là 5 yếu tố sau:
Thời tiết thất thường: Sẽ làm cho con người dễ mắc các chứng cảm lạnh, cảm cúm. Nếu không điều trị dứt điểm thì nguy cơ chuyển thành bệnh viêm xoang mũi là rất cao.
Môi trường ô nhiễm: Khiến vi khuẩn sinh sôi, theo đường thở xâm nhập vào mũi gây viêm mũi sau đó trở thành viêm xoang. Viêm xoang là bệnh phần lớn do khí hậu ngày càng ô nhiễm, nhất là ở các thành phố lớn – nơi tập trung nhiều nhà máy, lưu lượng xe có động cơ cao.
Cơ địa dị ứng: Các tác nhân gây dị ứng như mùi hóa chất, phấn hoa, … sẽ làm niêm mạc mũi phù nề, tăng tiết nhầy, gây bít tắc lỗ thông xoang, nhiễm trùng xoang.
Sức đề kháng suy giảm: Sự đề kháng của cơ thể kém, hệ miễn dịch suy giảm, suy yếu niêm mạc đường hô hấp, hệ thần kinh bị rối loạn không đủ sức chống lại vi khuẩn.
Khi bị viêm xoang thường kèm theo viêm một số bộ phận khác như: Viêm mũi sau nhiễm siêu vi (cúm, sởi…), bị bội nhiễm, viêm mũi dị ứng kéo dài hoặc do tình trạng vẹo vách ngăn. Một số trường hợp viêm xoang là hậu quả của sâu răng, nhiễm trùng răng hàm trên.
2. Biến chứng nguy hiểm từ viêm xoang
Biến chứng viêm xoang tới mắt
Viêm ổ mắt: Trên phần mặt của con người, ổ mắt được xác định là nơi gần với xoang, hai bộ phận này được ngăn cách bởi một lớp xương mỏng, khi không may bị viêm xoang thì bộ phận này cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Tình trạng viêm ổ mắt thường xuất hiện một cách đột ngột, có những triệu chứng như sổ mũi, ngạt mũi, nhức đầu, phần mi bị sưng và có cảm giác đau nhức mắt. Tuy nhiên, nếu có biện pháp điều trị kịp thời, những triệu chứng này sẽ nhanh chóng biến mất.
Áp xe mí mắt: Là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất. Người bệnh sẽ phải đối mặt với tình trạng đau, sưng và có cảm giác nóng đỏ.
Viêm tấy ổ mắt: Lúc này, sẽ xuất hiện mủ trong ổ mắt của người bệnh, gây ra cảm giác đau nhói, sưng phù và không thể chuyển động được. Tình trạng sưng viêm có thể lan lên cả vùng thái dương.
Viêm gây thần kinh của thị giác sau nhãn cầu: Nếu là viêm xoang cấp tính, sẽ có những vấn đề xấu xảy ra đối với thị lực của người bệnh nhưng sẽ nhanh chóng chấm dứt sau một vài tuần. Tuy nhiên, đối với trường hợp viêm xoang mạn tính người bệnh sẽ phải đối mặt với điều này khó khăn hơn. Khả năng nhìn mọi vật sẽ bị thu hẹp, khó phân biệt màu sắc, điều này sẽ gây ra những khó khăn trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày.
Bệnh viêm xoang được đánh giá là rất nguy hiểm vì nó ở vị trí gần với mắt và não bộ. Nếu không may gây nhiễm trùng xoang sẽ gây ảnh hưởng dọc theo đường mạch màu và hệ thần kinh. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao phải gánh chịu những biến chứng ở mắt do bệnh viêm xoang gây ra so với người trưởng thành.
Biến chứng viêm xoang gây ra cho vùng não
Nhiễm trùng não: Người bệnh sẽ phải đối mặt với những triệu chứng như co giật, tổn thương vùng não hoặc thậm chí là tử vong nếu tình trạng nhiễm trùng não lan ra các mô.
Viêm màng não: Đây là nguyên nhân do sự xâm nhập của vi khuẩn có hại gây ra, áp xe não gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng như đột quỵ, tổn thương vĩnh viễn hoặc thậm chí là tử vong.
Biến chứng viêm xoang ở tai
Viêm tai giữa: Khoang mũi là một bộ phận được lưu thông với tai vì thế cho nên khi bị viêm mũi, dịch mủ có khả năng sẽ lan đến vùng tai của người bệnh, gây tổn thương. Tình trạng viêm tai giữa là biến chứng đặc trưng do bệnh viêm xoang gây ra đối với bộ phận tai. Nếu người bệnh không chủ động tìm đến bác sĩ để có phương pháp điều trị đúng cách, kịp thời có thể gây điếc vì dịch mủ gây ra những áp lực làm thủng màng nhĩ.
Trẻ em là đối tượng có nguy cơ này bởi ống vòi tai còn ngắn, nằm ngang nên dịch mủ sẽ dễ tràn vào hơn.
Biến chứng viêm xoang ở mạch máu
Viêm tắc mạch máu ở xương trán, xương sọ: Có thể sẽ tiếp tục lây lan sang những vùng xung quanh như xương đỉnh, thái dương. Lúc này, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức, có thể sưng vùng xương trán, hình thành nên áp xe ở mũi.
Viêm tắc tĩnh mạch hang: Tình trạng này có thể sẽ xảy ra khá đột ngột, người bệnh cần có những sự chuẩn bị. với những triệu chứng như đau đầu, cơ thể nóng lạnh thất thường. Nhãn cầu lồi có thẻ sẽ không có khả năng chuyển động linh hoạt, tầm nhìn bị thu hẹp.
3. Những biện pháp phòng ngừa bệnh viêm xoang
Người lớn
Chú ý đến việc phòng tránh nhiễm trùng đường hô hấp trên: Hạn chế tiếp xúc với người bị cảm lạnh, rửa tay đúng cách trước mỗi bữa ăn, giữ ấm cơ thể.
Nên đeo khẩu trang trước khi ra đường và làm công việc gặp nhiều bụi bặm.
Tránh xa môi trường khói thuốc và không khí ô nhiễm giúp hạn chế nguy cơ gây kích ứng, viêm phổi và đường hô hấp.
Chú ý đến các yếu tố gây dị ứng đường hô hấp như lông chó mèo, phấn hoa, nước hoa…
Sử dụng máy tạo độ ẩm, thêm độ ẩm vào không khí sẽ giúp ngăn ngừa viêm xoang. Lưu ý, vệ sinh thường xuyên máy để duy trì tình trạng máy luôn sạch và không có nấm mốc sinh sôi.
Bà bầu
Hạn chế đến những khu vực nhiều khói bụi, khói thuốc…
Hạn chế tiếp xúc với những người đang mắc bệnh cảm lạnh.
Dọn dẹp khu vực sinh hoạt của gia đình thật sạch sẽ, hút bụi định kỳ.
Tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách ăn đầy đủ chất sinh dưỡng, trái cây tươi, rau củ, sữa chua…
Bổ sung kẽm để bảo vệ hệ miễn dịch khỏe mạnh và giảm mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng. Bạn có thể ưu tiên những thực phẩm chứa kẽm, chẳng hạn như bánh mì nguyên cám, đậu lăng, đậu xanh, trứng, hạt điều, khoai tây nướng, cá và thịt.
Tập thể dục đều đặn…
Trẻ em
Vệ sinh mũi cho trẻ đúng cách, đúng liều lượng bằng dung dịch nước muối (dạng xịt hoặc nhỏ).
Sử dụng máy tạo độ ẩm nếu không khí trong phòng quá khô.
Tránh tối đa việc trẻ hít phải khói thuốc hay các tác nhân gây dị ứng cho trẻ.
Hạn chế cho trẻ đi bơi/ lặn quá lâu ở các hồ bơi chứa clo để không gây kích ứng mũi và xoang của trẻ.
Hướng dẫn trẻ đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách bằng xà phòng và nước.
Tuân thủ việc tiêm chủng cho trẻ đúng lịch, đặc biệt là tiêm vaccine ngừa cúm và các bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, viêm phế cầu…).
Không để trẻ tiếp xúc gần với người bị cảm lạnh hoặc người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Khi trẻ bị nghẹt mũi, sổ mũi kéo dài, cần đưa trẻ đi khám và điều trị đúng cách tại các chuyên khoa tai – mũi – họng.
Tập cho bé thói quen rửa tay sạch sẽ trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi từ ngoài vào nhà, sau khi tiếp xúc với người ốm, hạn chế chạm tay lên mặt đặc biệt là mắt – mũi – miệng.
Vệ sinh nhà cửa và các đồ dùng sinh hoạt sạch sẽ, tạo độ ẩm không khí. Nên khử khuẩn định kỳ những đồ vật bé thường sử dụng hàng ngày như khăn mặt, cốc đánh răng, bát đũa, đồ chơi, đồ dùng học tập…