1. Nguyên nhân gây bệnh viêm lợi và hệ lụy
Nguyên nhân thường gặp nhất của viêm lợi là vệ sinh răng miệng kém dẫn tới các mảng bám hình thành. Việc chải răng không đúng cũng có thể dẫn đến các mảng bám lâu ngày sẽ tích tụ thành cao răng, kích thích lợi, một phần của mảng bám xung quanh các cơ sở của răng.
Theo thời gian, lợi sẽ bị viêm nhiễm dẫn đến tổn thương. Như vậy, có thể nói viêm lợi rất phổ biến trong cộng đồng và bất kì ai cũng có thể gặp.
Tuy nhiên, theo ghi nhận người dễ mắc viêm lợi là người có thói quen bảo vệ sức khỏe răng miệng kém; Người hút thuốc lá, bia rượu, người lớn tuổi... cũng sẽ dễ mắc bệnh viêm lợi hơn.
Ở bệnh nhân mắc các bệnh như: tiểu đường, HIV, nhiễm virus hoặc nấm hay phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh có sự thay đổi nội tiết tố… cũng dễ mắc viêm lợi.
Trên thực tế, viêm lợi là tình trạng răng bị viêm nhẹ, khi tiến triển nặng do không được chăm sóc đúng cách sẽ được gọi là viêm nha chu.
Viêm lợi cùng với bệnh nha chu là hai bệnh viêm chính ảnh hưởng đến nha chu (các mô nâng đỡ và bao quanh răng). Bệnh nha chu có liên quan đến các biến chứng toàn thân, chẳng hạn như bệnh tim, tiểu đường, đột quỵ, bệnh hô hấp, loãng xương và sinh non.
Vì vậy, khi mắc bệnh viêm lợi sẽ dẫn đến các hệ lụy răng miệng, thậm chí các răng có thể bị lung lay, bị rụng hoặc có thể phải nhổ bỏ. Điều này không chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ của bản thân và cũng ảnh hưởng mà còn có nhiều hệ lụy đến sức khỏe.
2. Các giai đoạn viêm lợi
- Giai đoạn đầu của viêm lợi
Giai đoạn viêm lợi nhẹ chưa ảnh hưởng đến chân răng và các tổ chức quanh răng. Lúc này, viêm lợi không gây đau đớn cho người bệnh. Thông thường ở giai đoạn này lợi có biểu hiện sưng đỏ, phồng lên và điều quan trọng dễ bị chảy máu lợi mỗi khi chải răng, xỉa răng.
Nếu được chăm sóc đúng, điều trị thì tình trạng viêm lợi sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, nếu không được điều trị viêm lợi sẽ tiến triển sang giai đoạn nặng hơn, hoặc sẽ đỡ rồi nhanh tái phát.
- Giai đoạn viêm lợi nặng, tiến triển
Nghĩa là ở giai đoạn viêm lợi tiến triển chăm sóc răng miệng không đúng cách dẫn đến hở lợi tạo thành những lỗ hổng quanh răng. Những khoảng trống giữa răng và lợi sẽ tích tụ các mảnh vụn của thức ăn và gây nên tình trạng nhiễm khuẩn.
Khi đó lợi sẽ bị sưng viêm đỏ và chảy máu có thể gây áp xe và sẽ khiến sưng má, miệng bị hôi. Nếu không được điều trị lợi sẽ bị tụt xuống và gây nên tình trạng chân răng lộ, khi những lỗ hỏng này càng sâu thì bệnh sẽ trầm trọng hơn. Khi đó, lợi và xương hàm sẽ bị phá hủy nặng, răng không còn chỗ bám sẽ trở nên lỏng lẻo và bị rụng.
3. Cần làm gì để phòng viêm lợi?
Để phòng ngừa bệnh viêm lợi cần tuân thủ vệ sinh răng miệng đúng cách, cụ thể.
- Cần chải răng thường xuyên sau bữa ăn và sử dụng nước muối loãng súc miệng giúp sát khuẩn hàng ngày vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ.
- Nên làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa hoặc thiết bị vệ sinh răng miệng chuyên dùng… ít nhất một lần mỗi ngày, không nên dùng tăm xỉa nhất là tăm to hơn kẽ răng khiến cho dễ gây tổn thương lợi.
- Không hút thuốc lá và hạn chế rượu bia và khám nha khoa định kỳ 6 tháng một lần.
- Ngoài ra còn cần có một chế độ sinh hoạt khỏe mạnh, dinh dưỡng đầy đủ đặc biệt là rau xanh và vitamin, trái cây.
- Uống đủ nước, tránh khô miệng, nếu khô miệng có thể ăn kẹo cao su không đường để tác động tuyến nước bọt.
- Tránh ăn quá nhiều đồ ngọt và không nên sử dụng các chất kích thích… để có một hàm răng khỏe mạnh.
Mời độc giả xem thêm video:
Có Hay Không Nguy Cơ Mắc Viêm Đường Tiết Niệu Khi Trời Nồm Ẩm Như Nhiều Người Lo Ngại | SKĐS