Hà Nội

Cách phòng ngừa tai nạn ngày hè cho trẻ

28-06-2018 09:48 | Đời sống
google news

SKĐS - Hè đến là lúc các em học sinh được nghỉ ngơi, vui chơi tự do. Điều này ẩn chứa nhiều điều bất lợi có thể xảy đến với các em.

Hè đến là lúc các em học sinh được nghỉ ngơi, vui chơi tự do. Điều này ẩn chứa nhiều điều bất lợi có thể xảy đến với các em. Trong đó, một số tai nạn thương tích trẻ em trong mùa hè chúng ta cần quan tâm, đó là: đuối nước, tai nạn trong lúc chơi (té ngã), ong đốt, rắn cắn,...

Đuối nước

Khi có sự xâm nhập đột ngột và nhiều của nước hoặc chất dịch vào đường thở (mũi, mồm, khí phế quản, phổi) làm cho không khí có chứa ôxy không thể vào phổi được gọi là đuối nước. Hậu quả là não bị thiếu ôxy, nếu không được cấp cứu kịp thời nạn nhân sẽ bị chết hoặc để lại di chứng não nặng nề.

Cách sơ cứu đúng

Bước 1: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.

Bước 2: Đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.

Bước 3: Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không, bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.

Nếu lồng ngực không di động, tức là trẻ ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim trẻ còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không.

Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim trẻ đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo tỷ lệ 15/2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người, hoặc 30/2 nếu có 1 người. Sau đó vừa làm vừa đưa trẻ đi viện.

Nếu trẻ còn tự thở, cho trẻ nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn.

Cách phòng tránh: Đối với trẻ nhỏ phải có người trông trẻ: Luôn ở cạnh trẻ trong phạm vi 5m, đảm bảo bạn luôn nhìn thấy, nghe thấy trẻ. Bạn nên nói chuyện với trẻ trong lúc làm việc để trẻ thấy mình vẫn được quan tâm. Trong trường hợp có nhiều người trông trẻ và trẻ tham gia các hoạt động tập thể (như các bữa tiệc ở gần nơi có ao hồ, đi tắm biển tập thể...), cách tốt nhất là cử 1-2 người chuyên theo dõi trẻ và không làm việc gì có thể khiến họ phân tâm (có nhiều trường hợp nhà có giỗ hoặc liên hoan, không có ai để mắt đến trẻ và tai nạn đáng tiếc đã xảy ra). Tuyệt đối không để trẻ dưới 10 tuổi trông trẻ bé hơn.Cần dạy bơi cho trẻ để phòng đuối nước.

Cần dạy bơi cho trẻ để phòng đuối nước.

Té ngã

Té ngã và những chấn thương do ngã là những tai nạn rất thường gặp ở trẻ em, ở mọi lứa tuổi, mọi giới, mọi lúc và mọi nơi. Ngã để lại những hậu quả trước mắt và lâu dài, nhiều khi ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng cũng như tính mạng của trẻ.

Kỹ năng xử trí sơ cứu: Khi thấy trẻ bị ngã, phụ huynh cần xem mức độ chấn thương của trẻ để có cách xử lý tốt nhất. Cách xử lý ban đầu là lấy chiếc khăn nhúng nước lạnh vắt ráo nước hoặc bọc nước đá rồi đắp lên trên vết bầm, chỗ chấn thương. Nếu trẻ đau nhiều hoặc đau khi cử động, tay chân bị bầm tím, thì cần lưu ý có thể trẻ bị bong gân hay gãy xương. Nếu trẻ than đau nhiều ở vùng bị chấn thương khi ấn tay vào vết thương, vết thương bị sưng và sau đó bầm tím, cử động khó khăn vùng bị chấn thương, hoặc chân hay tay trẻ có thể bị cong một cách kỳ lạ thì nên đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra và xử trí kịp thời.

Cách phòng tránh: Giáo dục con trẻ tránh các trò chơi nguy hiểm: nhảy từ trên cao, đuổi nhau chơi đùa ở những chỗ nguy hiểm, các trò như nhảy ngựa... Không khuyến khích trẻ leo trèo ở những nơi không an toàn như cây, cột điện, mái nhà... Không để đồ dùng, đồ vật của trẻ ở những nơi quá cao trẻ không với tới được. Đảm bảo những nơi sinh hoạt của trẻ (đặc biệt cầu thang...) phải có đủ ánh sáng. Vào phòng tắm đi dép để tránh bị trơn trượt. Không đi chân ướt vào sàn nhà. Chặt bỏ các cành cây khô, rào quanh cây nếu có thể.

Với trẻ lớn, bố mẹ cần: Không để cho trẻ nhỏ dưới 10 tuổi trông trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Cần có người giám sát và trông trẻ. Trao đổi với trẻ về nguy cơ ngã và các cách phòng tránh trên, đặc biệt các trẻ lớn phải trông trẻ nhỏ hơn. Trẻ không được leo trèo cột điện, mái nhà, trèo cây hái quả, bắt chim, không chạy thả diều trên sân thượng, gần ao, hồ, sông, ngòi hay lòng đường.

Tai nạn cắt, đâm (vật sắc nhọn)

Tai nạn gây ra bởi các vật sắc nhọn là một loại hình thương tích rất thường gặp ở trẻ em, xảy ra với mọi lứa tuổi, mọi nơi, mọi lúc. Thương tích do vật sắc nhọn có thể gây ra nhiều hậu quả với các mức độ khác nhau, từ nhẹ (xây xát ngoài da, phần mềm...) đến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng (nhiễm trùng, hoại tử chi...), thậm chí rất nặng gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Khi trẻ bị vật sắc nhọn đâm trúng thì đầu tiên người nhà cần bình tĩnh, không làm bé sợ thêm. Trước tiên cần rút các vật sắc nhọn ra khỏi vết thương của bé, rửa vết thương dưới vòi nước chảy nhẹ để đẩy máu và các chất bẩn ra ngoài.

Tiếp theo, rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng, rồi sát khuẩn vết thương bằng cồn hoặc các chất sát khuẩn có chứa iốt (povidin, betadine), băng vết thương với gạc sạch. Sau đó, người nhà nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ khám và xem có cần tiêm phòng uốn ván hay không, có cần khâu hay không, có cần sử dụng thuốc kháng sinh hay không.

Cách sơ cứu vết thương đang chảy máu: Vết thương gây đứt tay chân, rách da... không cần rửa vết thương vội mà phải cố gắng cầm máu cho vết thương bằng cách nâng cao vùng bị thương lên; dùng một khăn sạch (hoặc dùng tay nếu không có khăn) ấn chặt tay vào vết thương. Giữ chặt cho đến khi máu ngừng chảy. Nếu sau khi ấn chặt vào vết thương mà vẫn không cầm được máu và người bị nạn đang mất nhiều máu, tiếp tục làm như sau: Cứ ấn chặt vào vết thương; giữ cho phần bị thương cao lên, càng cao càng tốt; buộc ga-rô càng gần chỗ vết thương càng tốt. Xiết chặt vừa đủ để làm cho cầm máu lại. Để ga-rô, ta dùng một cái khăn gấp lại hoặc một dải băng vải rộng, tuyệt đối không được dùng dây thừng mảnh, dây đàn hoặc dây thép. Đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.

Cần chú ý, chỉ buộc ga-rô ở chân hoặc tay nếu chảy máu nhiều và sau khi ấn chặt trực tiếp vào vết thương mà máu vẫn không thể cầm lại được. Cứ nửa giờ lại nới lỏng dây ga-rô để xem có cần tiếp tục buộc ga-rô nữa hay không và cũng để cho máu lưu thông nuôi dưỡng phần tay hoặc chân bị tổn thương. Nếu buộc dây ga-rô quá lâu, có thể làm tổn thương nặng tới mức phải cắt bỏ tay hoặc chân bị thương đó.

Cách phòng tránh: Chỉ dẫn cho trẻ thấy được sự nguy hiểm (đau, chảy máu, cụt tay...) khi sử dụng hay chơi đùa bên cạnh các đồ vật sắc nhọn. Dạy trẻ tránh các trò chơi nguy hiểm (trèo cây, đấu kiếm...). Dạy trẻ không bắt chước người lớn làm công việc nguy cơ: gọt hoa quả, thái thịt, khâu vá... mà không có sự giám sát của người lớn.


BS. Nguyễn Văn Phước
Ý kiến của bạn