Cách phòng ngừa nổ khí gas trong gia đình

16-08-2023 09:48 | Xã hội

SKĐS - Một sai lầm phổ biến ở các gia đình là do diện tích nhà phố nhỏ hẹp nên hầu hết đều đặt bình gas ở góc bếp kín khí. Khi rò rỉ, gas dễ làm cho nạn nhân ngạt thở trước khi tử vong vì cháy.

Hà Nội: Thăm hỏi các nạn nhân trong vụ nổ khí gas ở Yên PhụHà Nội: Thăm hỏi các nạn nhân trong vụ nổ khí gas ở Yên Phụ

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình trao các phần quà của quận, Ủy ban Nhân dân phường tới các nạn nhân đang được điều trị, chăm sóc, với tổng số tiền 34 triệu đồng.

Nguyên nhân gây nổ khí gas trong gia đình

Liên quan đến vụ nổ trên đường Yên Phụ vào sáng 15/8, đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an quận Ba Đình cho biết nhiều khả năng nguyên nhân do nổ khí gas trong môi trường kín, khi nhân viên của đơn vị cung cấp gas sửa chữa, thay bình. Vụ nổ xảy ra, nhiều đồ vật bị sức ép đã văng xa ra phía ngoài của ngôi nhà. Bước đầu xác định tại hiện trường có 4 người bị thương, trong đó 1 người là nhân viên của quán ăn đang thay gas, 1 người giao hàng và 2 người khác.

TS Đoàn Hoàng Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ nổ khí gas trong gia đình. Đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm do cháy nổ gas trong gia đình bởi sức công phá của bình gas là rất lớn. 

Cách phòng ngừa nổ khí gas trong gia đình - Ảnh 2.

Hiện trường vụ nổ khí gas ở Yên Phụ hôm 15/8.

Các vụ nổ khí gas tại gia đình thường xảy ra khi dây dẫn nối bình gas với bếp được xem là nguyên nhân dễ gây ra cháy nổ gas nhất. Làm từ chất liệu cao su, dây dẫn có thể bị rò rỉ sau một thời gian sử dụng lâu, hoặc do bị gập xoắn, dầu mỡ rơi bắn vào, chuột cắn...  Gioăng van không kín, van hỏng, lỏng; Không khóa gas sau khi đun nấu hoặc khóa sai quy trình. 

Theo chuyên gia, việc nổ gas do bình hiếm xảy ra, trừ trường hợp bình gas bị sang chiết trái phép, không đảm bảo chất lượng, bình đã quá hạn sử dụng nhưng không được thu hồi về nhà sản xuất mà vẫn quay vòng. Nổ gas do bếp cũng ít xảy ra, nhưng việc đun nấu bằng các bếp đã cũ, hoen rỉ, bếp để bẩn, mâm chia lửa sai khớp... cũng dễ dẫn đến rò rỉ gas, gây nguy hiểm. 

Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải cho biết, khi khí gas bị rò rỉ, khu vực để bình gas chật chội, không lối thoát nên tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ rất cao. Khí gas rò rỉ, ngưng tụ trong một thể tích, không gian nhất định. Dưới tác động của ma sát mạnh làm phát ra tia lửa hoặc khi người dân vô tình bật công tắc điện sẽ dễ dàng trở thành tác nhân gây cháy nổ với sức công phá lớn. Rõ ràng, chỉ cần một sơ ý nhỏ, nhưng có thể dẫn đến những hậu quả rất nặng nề nếu người dân thiếu cẩn trọng trong quá trình sử dụng khí gas.

Cháy nổ liên quan đến khí gas thường để lại những hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản nhưng không phải không có cách phòng, tránh. Mỗi bình gas, khi được sử dụng đúng quy trình đảm bảo an toàn thì nó chỉ đơn thuần là nhiên liệu, chất đốt "thân thiện" trong sinh hoạt. Ngược lại, khi người sử dụng cẩu thả và thiếu hiểu biết thì mỗi bình gas sẽ đều trở thành những "quả bom" có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

Theo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ, bình gas không thể phát nổ trừ khi có khí gas rò rỉ và tác động của tia lửa. Khi đó thực chất thứ bị nổ chính là khí gas bên trong chứ không phải bình gas. Với các trường hợp nổ khí gas gây sập đổ công trình là do sự ngưng tụ khí gas trong không gian kín nhất định và khi có tác động từ tia lửa do các nguồn lửa hoặc tia lửa điện rất nhỏ phát ra khi bật công tắc cũng khiến khí gas phát nổ, tạo sức công phá lớn.

Cách sử dụng gas an toàn

Theo chuyên gia, một sai lầm phổ biến nhất đối với các gia đình ở thành phố đó là do diện tích nhà phố nhỏ hẹp nên hầu hết đều đặt bình gas ở góc bếp kín khí. Tuy nhiên việc đặt bình gas như thế này khá nguy hiểm bởi hầu hết những tai nạn nguy hiểm đều xảy ra khi dùng bếp gas, bình gas trong phòng kín. Nếu gas trong bình bị rò rỉ, hơi gas sẽ lan truyền, đẩy oxy ra ngoài hết, dễ gây ngạt. Hơn nữa trường hợp xảy ra hỏa hoạn, khí CO2 sinh ra trong phòng kín dễ làm cho nạn nhân ngạt thở trước khi chết vì cháy. 

Để phòng cháy nổ, người dân lưu ý kệ để bếp gas tuyệt đối không được làm hay trang trí bằng các chất liệu dễ cháy vì lửa từ bếp gas trong quá trình đun nấu rất dễ tiếp xúc với các chất liệu này và gây cháy nổ, gây nguy hiểm nếu bạn không kịp thời dập tắt lửa. Bếp gas nên đặt cách trần nhà từ 1 – 1.5 m, cách tường, đồ dùng khác khoảng 15 cm, cách các thiết bị điện tử ít nhất 1.5 m và không nên đặt các vật dụng dễ cháy xung quanh bếp.

Để tránh nguy cơ rò rỉ khí gas, bạn cần định kỳ kiểm tra dây dẫn gas, tránh để dây quá gần bếp nấu hay các thiết bị tỏa nhiệt, không để dây bị xoắn, gập. Đồng thời, người dùng nên mua dây dẫn gas chính hãng để đảm bảo an toàn cho gia đình mình.

TS Nguyễn Văn Khải khuyên, để an toàn khi sử dụng bình gas tại nhà, người dân không nên dùng bếp quá cũ, có các vết gỉ sét và phải sửa chữa, thay thế ngay khi hư hỏng. Đặc biệt chú ý sử dụng bình gas mini mới phải còn tem, niêm phong có xuất xứ rõ ràng. Không dùng bình sang chiết lại, bình cũ đã gỉ sét, bị biến dạng vì lớp vỏ mỏng sẽ dễ hình thành vết nứt nhỏ làm thoát khí gas gây cháy, nổ.

Hiện nay, trên thị trường có các thiết bị cảm biến báo động rò rỉ khí gas hoặc bóng chữa cháy, các gia đình có thể tự lắp đặt tại khu vực bếp, gần bình gas. Khi xảy ra sự cố rò rỉ khí gas, thiết bị cảm biến sẽ báo động để cảnh báo người trong nhà. Bóng chữa cháy có thể tự động xử lý bước đầu đám cháy do khí gas vừa thoát ra. Tuy nhiên, khi sự cố cháy vừa được phát hiện và dập tắt, vẫn cần phải có người khóa van, đưa bình gas ra ngoài, đến khu vực thoáng đãng, an toàn.

Hiện trường vụ nổ khí gas tại đường Yên Phụ: Kính vỡ tan, bắn xa trăm métHiện trường vụ nổ khí gas tại đường Yên Phụ: Kính vỡ tan, bắn xa trăm mét

SKĐS - Sáng nay, tại số nhà 42 đường Yên Phụ (Hà Nội) xảy ra vụ nổ khí gas lớn khiến nhiều người bị thương, kính bắn xa cả trăm mét. Phóng viên SK&ĐS đã có mặt tại hiện trường.


Tô Hội
Ý kiến của bạn