Mai Thanh Hường (Hà Nội)
Loãng xương là bệnh lý mạn tính, biểu hiện bởi tình trạng xương bị xốp và giảm mật độ xương, khiến xương mỏng, giòn, dễ tổn thương, lún xẹp và gãy dù chỉ chịu tác động nhẹ. Nguyên nhân gây loãng xương chủ yếu là do các tế bào sinh xương bị lão hóa do tuổi già, sự hấp thu canxi ở ruột bị suy giảm do mắc các bệnh mạn tính đường tiêu hóa và do sự suy giảm hormone sinh dục nữ và nam,... Loãng xương là bệnh khó điều trị, để lại hậu quả xấu như gãy xương, lún xương, vẹo cột sống,... làm giảm khả năng vận động và ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Gãy xương do loãng xương rất khó hồi phục, không chỉ gây đau đớn cho bệnh nhân mà còn có nguy cơ tàn phế suốt đời, dẫn tới tử vong sớm. Do vậy nên thực hiện phương pháp dự phòng loãng xương càng sớm càng tốt, từ chế độ dinh dưỡng, tập luyện, cân bằng nội tiết và kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Cần duy trì một chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết để giữ xương khớp luôn chắc khỏe, dẻo dai. Việc này sẽ làm tăng cường quá trình tạo xương. Các dưỡng chất thiết yếu cho sức khỏe của xương gồm: canxi, vitamin D, MK7, kẽm, magie, silic, mangan, DHA, đồng,... Nếu thực phẩm không cung cấp đủ và cân đối các thành phần dưỡng chất này, có thể dùng thêm viên uống bổ sung để xương luôn được chăm sóc tốt nhất. Cần duy trì chế độ luyện tập thể dục thể thao đều đặn (30 phút mỗi ngày, tối thiểu 3 lần/tuần), tránh thói quen xấu làm giảm hấp thu canxi và tăng hủy xương như dùng rượu bia, hút thuốc lá, ăn kiêng quá mức hoặc lười vận động,... Những phụ nữ trên 40 tuổi cần bổ sung canxi hằng ngày kết hợp với bổ sung nội tiết tố nữ estrogen bị suy giảm do tiền mãn kinh và mãn kinh. Cần sớm phát hiện và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ gây mất xương, loãng xương qua việc kiểm tra sức khỏe định kỳ.