Cách phòng ngừa khô khớp xương

18-08-2014 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Khi cử động nghe tiếng kêu, đó là tiền căn của bệnh khô khớp. Khô khớp gặp chủ yếu ở người trưởng thành, trong đó đáng chú ý nhất là người cao tuổi (NCT).

Khi cử động nghe tiếng kêu, đó là tiền căn của bệnh khô khớp. Khô khớp gặp chủ yếu ở người trưởng thành, trong đó đáng chú ý nhất là người cao tuổi (NCT). Có thể phòng ngừa được chứng khô khớp nếu phát hiện sớm nguyên nhân và chữa trị kịp thời.

Vì sao NCT thường bị khô khớp?

Thông thường có 3 nguyên nhân chính gây chứng khô khớp, đó là tổn thương sụn khớp, tổn thương xương dưới sụn và giảm tiết dịch khớp. Tuổi càng cao thì sự lão hóa càng gia tăng, vì vậy, ở một số NCT có thể các sụn khớp bị bào mòn gây ra hiện tượng rách bao sụn và biến dạng tổ chức sụn (ở lứa tuổi thiếu niên có thể bị khô khớp do sự phát triển không đồng đều của các dây chằng, gân, cơ và xương trong thời kỳ khớp đang lớn). Trong quá trình phát triển của con người thì lớp sụn này luôn được đổi mới, nhưng theo năm tháng sự phục hồi dần dần sẽ suy giảm và bị phá hủy. Vì vậy, sụn khớp ngày càng mỏng đi, nứt nẻ để trơ lại lớp xương nằm bên dưới. Các xương khi không còn lớp sụn bảo vệ sẽ cọ xát vào nhau gây ra tiếng kêu lục cục. Bên cạnh đó, ngoài lớp sụn, để các vị trí khớp này hoạt động tốt, cần phải có một chất hoạt dịch (hay còn gọi là dịch nhầy, dịch khớp) có tác dụng bôi trơn các đầu khớp xương và sụn. Khi tuổi càng cao, lượng dịch nhầy tiết ra giữa các khớp càng giảm. Điều này khiến những khớp xương hoạt động không “trơn tru” và phát ra tiếng kêu. Bởi vì, sự lão hóa sẽ kéo theo hàng loạt sự thay đổi các yếu tố quan trọng có trong cơ thể như độ nhớt của khớp, sự đàn hồi của các dây chằng, sự khô của sụn khớp do sự lắng đọng của các tinh thể muối gây nên hiện tượng khô khớp. Bên cạnh hiện tượng dịch khớp bị hạn chế cả về số lượng và cả về chất lượng do lão hóa gây nên đóng góp vào sự làm khô khớp thì lão hóa hoặc do chấn thương, viêm khớp cũng làm gia tăng thoái hóa các khớp xương, trong đó bao hàm cả thoái hóa sụn khớp, đĩa đệm làm cho mặt khớp khô, thô ráp, không nhẵn nhụi, lồi lõm khi cử động xuất hiện tiếng kêu.

Tập luyện vừa sức, nhẹ nhàng giúp phòng ngừa khô khớp. Ảnh: TM

Phòng ngừa khô khớp bằng cách nào?

Đầu tiên phải phát hiện nguyên nhân bệnh gây chứng khô khớp. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có thể ổn định bệnh trong thời gian dài. Muốn vậy, khi thấy bất thường ở khớp cần đi khám bệnh ngay, tốt nhất là khám chuyên khoa khớp. Cần tuân thủ nghiêm ngặt theo đơn của bác sĩ khám bệnh, không nên tự mua thuốc để điều trị. Hiện nay xu hướng điều trị các bệnh thoái hóa khớp thường dùng các thuốc có tính chất tổng hợp, trong đó có giảm đau, chống viêm và phục hồi sụn khớp (collagen týp 2, glucosamin, chondroitin, axit hyaluronic, không steroid).

Người bệnh không nên lo lắng thái quá nhưng cũng không nên chủ quan để bệnh ngày càng nặng gây biến chứng. Hàng ngày nên tập luyện vận động đúng mức, phù hợp tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng nhằm mục đích hạn chế bệnh phát triển. Đi bộ, bơi lội mỗi ngày hoặc tập các bài tập thể thao nhẹ nhàng là những phương pháp kết hợp hiệu quả. Tránh các tư thế không tốt hay chạm mạnh đến các khớp trong sinh hoạt hàng ngày như ngồi gập gối thường xuyên, khiêng đồ nặng nhiều, nhất là khiêng, vác, bưng bê vật nặng sai tư thế. Trong sinh hoạt hàng ngày, cần tránh các tư thế ngồi xổm, hạn chế lên xuống cầu thang, tránh ngồi hàng giờ cong vẹo người khi làm việc, xem tivi. Không nên làm động tác bẻ các ngón tay kêu răng rắc vì sẽ làm chấn thương dây chằng hay mặt khớp. Nếu chỉ thấy xuất hiện tiếng lạo xạo đơn thuần, không có triệu chứng gì khác kèm theo thì không nên ngừng hoạt động, bởi khớp bất động kéo dài càng làm cho tình trạng thêm nặng hoặc cứng khớp.

Với NCT, để giảm thiểu khả năng bị chứng bệnh khô khớp, nên bắt đầu từ thói quen ăn uống hàng ngày. Sử dụng thực phẩm có lợi cho xương khớp như tôm, cua, sò, hàu, dầu cá, chất béo omega-3. Bổ sung thêm: vitamin D, B, K, folic acid trong các loại rau xanh, dùng thêm rong biển, vì rong biển có nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe NCT.

BS. Đặng Bùi Phương Linh

 


Ý kiến của bạn