Cách phòng ngừa cục máu đông

SKĐS - Cục máu đông hay huyết khối có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng một số trường hợp có nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn, có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng, gây biến chứng đau tim, đột quỵ…

1. Cục máu đông có phòng ngừa được không?

Cục máu đông có thể ngăn ngừa và điều trị được bằng cách phát hiện sớm. Một phần của việc ngăn ngừa cục máu đông là phải biết các dấu hiệu của chúng. Các triệu chứng phổ biến nhất sẽ xảy ra ở vùng cơ thể bị ảnh hưởng bao gồm:

  • Sưng (toàn bộ vùng hoặc tĩnh mạch cụ thể)
  • Đau
  • Nhạy cảm
  • Nóng hoặc ấm ở vùng đó
  • Da đỏ hoặc đổi màu…

Không phải lúc nào cũng dễ nhận biết rằng ai đó bị cục máu đông. Ví dụ, với những người bị cục máu đông tĩnh mạch sâu (huyết khối tĩnh mạch sâu), không có triệu chứng nào có thể phát hiện được. Đây là lý do tại sao việc ngăn ngừa cục máu đông không chỉ đơn thuần là theo dõi các dấu hiệu mà cần có những cách chủ động để giảm nguy cơ, ngay cả khi bạn không có triệu chứng.

Cách phòng ngừa cục máu đông- Ảnh 1.

Cục máu đông có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

2. Một số cách phòng ngừa cục máu đông

2.1 Đối với người sau phẫu thuật: Đối với những người nằm viện sau phẫu thuật, nên di (đi lại) chuyển trở lại càng sớm càng tốt. Những người có nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn vì bất kỳ lý do gì hoặc đối với những người bị huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), nên đi vớ nén có hiệu quả trong việc giúp ngăn ngừa cục máu đông ở chân, cũng như thực hiện các bài tập và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

2.2 Đối với người nằm lâu: Nhiều trường hợp có thể phải nằm trong thời gian dài, bao gồm cả khi đang hồi phục trong bệnh viện hoặc ở nhà sau khi bị bệnh, chấn thương hoặc phẫu thuật. Nếu bạn phải nằm nghỉ trên giường do tình trạng bệnh lý (bao gồm cả khi mang thai) hoặc mắc một căn bệnh mạn tính có triệu chứng là mệt mỏi cực độ, có nhiều cách để phòng ngừa cục máu đông.

Các bài tập có thể thực hiện khi nằm bao gồm:

- Cử động chân: Nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng về phía trước, uốn cong bàn chân để cử động các ngón chân; thực hiện động tác này 10 lần với cả hai chân hoặc từng chân một, năm lần mỗi ngày.

- Nâng chân: Nâng thẳng chân hoặc nằm ngửa (một chân duỗi thẳng và chân còn lại cong), kéo ngón chân về phía cơ thể, giữ thẳng đầu gối và từ từ nhấc chân lên khỏi giường cho đến khi gần song song với đùi còn lại. Thực hiện động tác này tối đa 10 lần, hai lần một ngày.

- Ngồi hoặc nằm ngửa, hai tay để thoải mái và siết chặt cơ mông, sau đó thả lỏng và lặp lại tối đa 10 lần trong ít nhất năm lần mỗi ngày.

- Uống thuốc làm loãng máu trước, trong và sau phẫu thuật

Khuyến nghị chung cho những người muốn ngăn ngừa cục máu đông khi ngồi hoặc ít vận động trong thời gian dài (ví dụ: khi đi du lịch hơn bốn giờ) bao gồm:

  • Đứng dậy và đi lại sau mỗi một đến hai giờ
  • Tập thể dục cho chân
  • Tránh mặc quần áo bó (tốt nhất là mặc quần áo rộng rãi)…

2.3 Cách ngăn ngừa cục máu đông do thuốc: Một số loại thuốc, bao gồm thuốc tránh thai (thuốc viên, vòng tránh thai hoặc miếng dán) làm tăng estrogen hoặc có hormone progesterone (drospirenone), cũng có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Các loại thuốc khác có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông bao gồm:

  • Tamoxifen, thuốc chẹn estrogen dùng trong điều trị ung thư
  • Erythropoietin (EPT) để sản xuất hồng cầu
  • Hóa trị liệu điều trị ung thư
  • Những người dùng thuốc tránh thai nội tiết tố và có thêm các yếu tố nguy cơ hình thành cục máu đông có nguy cơ cao hơn.

Đối với những trường hợp này bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp tránh thai khác nhau để ngăn ngừa cục máu đông hoặc giảm nguy cơ bao gồm:

  • Thuốc tránh thai chỉ chứa progestin
  • Vòng tránh thai tử cung (IUD) có chứa progestin
  • Các phương pháp tránh thai cơ học, chẳng hạn như bao cao su hoặc màng ngăn.

2.4 Các cách khác để ngăn ngừa cục máu đông

Một số cách khác để ngăn ngừa cục máu đông bao gồm thay đổi lối sống để giảm mọi yếu tố nguy cơ và duy trì sức khỏe. Theo Hướng dẫn về cách ngăn ngừa và điều trị cục máu đông của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ cần:

  • Tránh lối sống ít vận động và tăng dần hoạt động thể chất nếu cần
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Thực hiện theo khuyến nghị của bác sĩ chăm sóc sức khỏe dựa trên các yếu tố nguy cơ cục máu đông của từng cá nhân
  • Dùng thuốc theo chỉ định
  • Không hút thuốc (hoặc nếu bạn hút thuốc hãy bỏ thuốc)
  • Giảm lượng natri nạp vào cơ thể…
Cách phòng ngừa cục máu đông- Ảnh 2.

Tránh lối sống ít vận động và tăng dần hoạt động thể chất để ngăn ngừa cục máu đông

2.5 Ngăn chặn cục máu đông khi triệu chứng khởi phát: Mặc dù cục máu đông rất nghiêm trọng và có thể dẫn đến tàn tật hoặc thậm chí tử vong, nhưng có một số cách ngăn chặn cục máu đông khi triệu chứng khởi phát bao gồm:

- Dùng thuốc chống đông máu hoặc thuốc làm loãng máu: Để giảm đông máu có thể dùng thuốc không kê đơn như aspirin hoặc thuốc theo toa...

- Thuốc chống tiểu cầu: Giảm tiểu cầu trong máu dính (hình thành cục máu đông). Thuốc có tác dụng phá cục máu đông hoặc thuốc tiêu sợi huyết để làm tan cục máu đông

- Một số người có thể cần phẫu thuật để lấy cục máu đông, bao gồm những người không thể dùng thuốc điều trị cục máu đông và những người bị DVT. Phẫu thuật có thể bao gồm loại bỏ cục máu đông hoặc sử dụng bộ lọc tĩnh mạch chủ dưới (IVC), đây là phương pháp cấy ghép hệ thống bắt hoặc bẫy cục máu đông để ngăn chúng di chuyển đến phổi.

3. Khi nào cần tìm kiếm sự chăm sóc khẩn cấp

Nếu bạn thấy các dấu hiệu của cục máu đông, hãy đi khám để được tư vấn các biện pháp phòng ngừa và điều trị thích hợp. Cần đi cấp cứu ngay khi gặp bất kỳ dấu hiệu nghiêm trọng nào sau đây:

  • Nhịp tim không đều hoặc nhanh hơn bình thường
  • Khó thở (không rõ nguyên nhân)
  • Đau ngực hoặc đau khi hít thở sâu
  • Cảm thấy ngất xỉu hoặc chóng mặt (huyết áp rất thấp)
  • Ho ra máu…

Mời bạn xem thêm video:

7 lý do gây chóng mặt ít ai ngờ tới | SKĐS

Minh Phong
Theo VWH
Ý kiến của bạn