Vì sao vùng cổ gáy đau sau khi ngủ dậy?
Đau vùng cổ gáy sau khi ngủ dậy do nhiều nguyên nhân gây ra, dưới đây là các nguyên nhân thường gặp:
- Tư thế ngủ: Ngủ sai tư thế (nằm sấp, nằm nghiêng một bên cổ...) là một trong những nguyên nhân thường gặp. Tư thế ngủ khiến các mạch máu vùng cổ bị chèn ép, khiến quá trình cung cấp oxy cho tế bào cơ bị giảm, hình thành acid lactic giải phóng nhiều, gây mỏi cơ vùng cổ gáy.
- Sử dụng gối không phù hợp: Nếu sử dụng các loại gối kê quá cao, quá thấp hoặc không nằm gối sẽ làm cho cổ ngửa ra trước và ra sau quá nhiều, tạo sức căng lớn cho dây chằng cột sống cổ làm đau cổ gáy. Lý do là đầu và cổ của chúng ta dành nhiều giờ mỗi đêm trên gối, vì thế cần chọn đúng chiếc gối khi ngủ để cổ không bị đau.
- Thói quen sử dụng máy lạnh, quạt gió liên tục sẽ ảnh hưởng đến vùng cổ gáy.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng gây đau cổ gáy như:
Thoái hóa cột sống cổ: Bệnh lý thường gặp ở tuổi trung niên (trên 50 tuổi). Cột sống cổ có cấu tạo 7 đốt sống cổ từ C1 đến C7, nhưng các đốt sống C5, C6, C7 là những đốt sống dễ thoái hóa nhất. Thoái hóa gây nên tình trạng mòn xương, cứng khớp, có thể có gai xương trong hình ảnh X quang.
Thoát vị đĩa đệm: Thường khởi phát đột ngột, gây chèn ép dây thần kinh vùng cổ và gây đau dữ dội, có thể đau lan dọc vai đến cẳng tay, cơn đau tăng lên khi ho, hắt hơi...
Bị chấn thương: Một số chấn thương khi chơi thể thao thường không mang đến cơn đau ngay lập tức. Thay vào đó, bạn sẽ cảm nhận tình trạng mỏi cổ sau một vài ngày. Đặc biệt, các biểu hiện đau nhói thường xuất hiện vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy.
Đau xơ cơ: Bệnh đau xơ cơ là chứng rối loạn các khớp gây đau nhức cơ bắp, có thể gây đau và cứng khớp cổ khi ngủ dậy.
Các biện pháp khắc phục tại nhà cho chứng đau cổ gáy
Nếu thức dậy với một cơn đau cổ, một số biện pháp khắc phục có thể thử để giúp giảm bớt cơn đau. Có thể lựa chọn tự chăm sóc như:
- Chườm đá hoặc túi lạnh vào phần cổ bị đau trong 20 phút mỗi lần. Điều này có thể giúp giảm viêm ở cơ cổ.
- Nếu đã bị đau từ một ngày trở lên, hãy chườm nóng lên vùng đau trong 20 phút mỗi lần. Điều này có thể giúp làm dịu và thư giãn các cơ.
- Thử dùng thuốc giảm đau không kê đơn với sự tư vấn của dược sĩ.
- Thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng, như đi bộ hoặc yoga. Điều này có thể giúp cho máu lưu thông đến cổ của bạn. Đừng ngừng di chuyển hoàn toàn. Không cử động có thể khiến cơ bắp của bạn căng lên, tình trạng đau sẽ tồi tệ hơn.
Cách phòng ngừa chứng đau cổ gáy sau ngủ dậy
- Không nên nằm sấp, nghiêng một bên khi ngủ.
- Chọn gối đệm phù hợp: Không nên chọn loại quá dày hoặc quá mỏng, gối cao tầm 8 - 15cm, nên chọn gối mút, gối đệm phù hợp sẽ giúp cơ vùng cổ thư giãn và không bị ảnh hưởng khi thay đổi tư thế ngủ.
- Không ngồi quá lâu một tư thế, nên vận động nhẹ thay đổi tư thế.
- Không để khí lạnh thổi trực tiếp vào vùng cổ gáy.
- Tăng cường tập thể dục, vận động cơ thể giúp tăng cường đàn hồi chịu lực của vùng cổ.
- Phát hiện kịp thời các bệnh lý để được tư vấn và điều trị kịp thời.
- Không nên sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử trong một thời gian dài. Nếu dùng cố gắng giữ điện thoại ngang tầm mắt thay vì cúi cổ về phía trước để nhìn vào điện thoại. Tránh để điện thoại ở giữa tai và vai khi nghe điện thoại.
Điều trị chứng đau cổ gáy như thế nào?
Ngoài việc khắc phục các nguyên nhân trên, điều trị đau cổ gáy sẽ làm giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh:
- Cho cổ nghỉ ngơi sau làm việc quá sức.
- Chườm ấm vùng cổ gáy.
- Đeo đai vai giúp giữ đúng tư thế vùng cột sống.
- Tập vật lý trị liệu và các bài tập hỗ trợ cơ vùng cổ, sử dụng các thiết bị máy điện xung, máy siêu âm... tác động sóng vật lý vào cơ vùng cổ giúp cơ thư giãn và giảm đau.
Dùng thuốc: Các loại thuốc kháng viêm, giảm đau, thuốc dãn cơ, thuốc hỗ trợ loãng xương lưu ý phải dùng theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Phối hợp điều trị dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, việc kết hợp với các biện pháp y học cổ truyền sẽ giúp đạt hiệu quả cao trong điều trị, một số phương pháp điều trị chứng đau cổ gáy mà y học cổ truyền đang sử dụng:
+Châm cứu: Sử dụng các hình thức châm cứu (điện châm, hào châm, cấy chỉ...) hoặc laser châm đối với những bệnh nhân sợ kim trên các huyệt ở vùng cổ gáy, vùng tai, các huyệt bổ - tả hợp lý, tùy thể bệnh giúp khí huyết lưu thông giúp giảm đau. Đặc biệt kết hợp dùng ngải cứu hoặc chiếu đèn hồng ngoại để làm thư giãn các cơ vùng cổ.
+Dưỡng sinh, xoa bóp: Sử dụng các thủ thuật xoa bóp như xoa, hợp, miết, phát, vờn… ở vùng cổ gáy, day ấn huyệt tại chỗ giúp khí huyết lưu thông, tăng tuần hoàn vùng cổ gáy giúp giảm bớt triệu chứng đau. Ngoài ra, còn có thể phối hợp với các bài tập dưỡng sinh làm mạnh cơ vùng cổ.
Khi đau cổ gáy sau ngủ dậy nhiều người cho rằng mình bị cảm gió, cảm mạo. Nhiều người thường xử lý bằng cách xoa bóp với các loại dầu nóng, thuốc rượu hoặc cạo gió vùng cổ và vai gáy. Tuy nhiên, những phương pháp này chỉ có tác dụng giảm đau nhất thời, có thể để lại biến chứng xuất huyết trong cơ bắp, gây nên hiện tượng tụ máu, cơn đau dễ quay trở lại với mức độ nặng hơn. Vì vậy, nếu tình trạng đau cổ gáy sau ngủ dậy hay xảy ra thường xuyên hoặc tình trạng đau không thuyên giảm, nhất là ở những người thuộc đối tượng lao động tay chân (thường xuyên khuân vác đồ nặng ở vùng vai, cổ), nhân viên văn phòng ngồi trước máy tính nhiều, người nghiện xem tivi hoặc dùng điện thoại di động… nên kiểm tra và khám sức khỏe cột sống định kỳ tại cơ sở y tế.
Mời độc giả xem thêm video:
Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-