Hà Nội

Cách phòng ngừa các bệnh dị ứng khi trời nóng nực

30-05-2023 10:16 | Y học 360
google news

SKĐS - Thời tiết nóng bức, mưa nắng thất thường, cùng với nồng độ các dị nguyên trong không khí như phấn hoa, bụi bẩn, nấm mốc… là điều kiện thuận lợi cho các bệnh dị ứng phát triển và gia tăng nhanh.

Mọi người, nhất là những người có cơ địa dị ứng cần phải có kiến thức phòng ngừa và chủ động tự phòng ngừa cho mình.

Các bệnh lý dị ứng mà chúng ta vẫn quen thuộc như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, mày đay, sốc phản vệ, chàm… Các dị nguyên có thể xâm nhập cơ thể bằng nhiều đường khác nhau như đường thở, ăn uống, qua da, niêm mạc… Mỗi người có thể bị mẫn cảm với một hoặc nhiều loại dị nguyên.

Thời tiêt nóng bức, mưa nắng thất thường, cùng với nồng độ các dị nguyên trong không khí như phấn hoa, bụi bẩn, nấm mốc. Ảnh minh họa

Thời tiết nóng bức, mưa nắng thất thường, nồng độ các dị nguyên trong không khí như phấn hoa, bụi bẩn, nấm mốc... là điều kiện thuận lợi phát triển các bệnh dị ứng. Ảnh minh họa

Biểu hiện và mức độ của các triệu chứng dị ứng ở mỗi cá thể tùy thuộc vào mức độ mẫn cảm của cơ thể, loại bệnh dị ứng mà cá thể đó mắc cũng như số lượng và cách tiếp xúc của dị nguyên gây bệnh.

Các tác nhân gây dị ứng và những bệnh dị ứng hay gặp

Tác nhân

  • Phấn hoa gây ra các chứng dị ứng theo mùa, nó dễ dàng bay vào mắt, mũi, phổi và bám vào da. Các dấu hiệu của bệnh là sổ mũi, sung huyết mũi, hắt hơi, ngứa rát họng, chảy nước mắt và mắt sưng đỏ. Bệnh nhân bị nổi mẩn ngứa, mề đay, mắt ngứa, đỏ, tụt huyết áp do mao mạch bị giãn nở, khó thở do khí phế quản bị co thắt, kích thích cơ trơn đường tiêu hóa gây co thắt, nôn mửa. Trường hợp dị ứng nặng có thể dẫn đến tử vong.
  • Bụi và mốc là nguyên nhân gây các vấn đề về ho dị ứng, ngứa, viêm mũi dị ứng. Sự xâm nhập của các bụi bẩn trong không khí như bụi công nghiệp do các nhà máy sản xuất, bụi phấn viết bảng, bụi phấn hoa bay vào nhà, khói thuốc lá...
  • Thức ăn: dị ứng thức ăn có thể diễn tiến từ các thể nhẹ như: chỉ nổi mề đay đến nặng hơn: các tình trạng viêm phế quản dạng hen, bên cạnh đó tình trạng co thắt phế quản và phù thanh môn gây khó thở cũng có thể xảy ra. Một số trường hợp bệnh nhân có thể sốc phản vệ và đưa đến tử vong nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.

Các bệnh dị ứng thường gặp

  • Mề đay: thời tiết nóng lạnh thất thường cũng là nguyên nhân gây ra chứng bệnh này.
  • Mẩn, mụn ngoài da.
  • Viêm mũi dị ứng.
  • Viêm kết mạc dị ứng: Chảy nước mắt, cảm giác nóng, triệu chứng xuất hiện ngay khi tiếp xúc và giảm khi cách ly nguồn gây dị ứng. Cần chú ý vệ sinh giường đệm, tránh tiếp xúc với phấn hoa, và giữ nơi sinh hoạt thoáng khí.
Phòng ngừa dị ứng là rất quan trọng. Ảnh minh họa

Phòng ngừa dị ứng là rất quan trọng. Ảnh minh họa

Các biện pháp phòng ngừa bệnh dị ứng

Phòng ngừa dị ứng là rất quan trọng, bởi vì nếu xảy ra dị ứng nặng như sốc phản vệ thì việc điều trị sẽ rất khó khăn, tốn kém… có thể để lại hậu quả lâu dài. Các biện pháp dự phòng gồm:

  • Cần có hiểu biết về tác nhân gây dị ứng và biểu hiện của dị ứng.
  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.
  • Khi phản ứng dị ứng xảy ra nhanh và có chiều hướng nặng lên, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
  • Vệ sinh nhà cửa phòng ngủ sạch sẽ.
  • Những người dễ bị dị ứng với bụi phấn hoa nên gội đầu thường xuyên để làm sạch phấn hoa bám trên tóc hoặc rơi trên gối, áo quần, đồng thời hạn chế đến các vườn hoa là nơi dễ phát tán nhiều bụi phấn, bào tử.
  • Cần tránh sử dụng các thức ăn hoặc thuốc đã từng gây dị ứng...
  • Tăng cường bổ sung các nguồn protein như trứng gà, tôm, các loại cá, thịt bò…, các vitamin và khoáng chất từ rau quả trong bữa ăn hằng ngày sẽ giúp tăng sức đề kháng, phòng dị ứng.
  • Rèn luyện thể dục thể thao đúng, đủ và phù hợp với tuổi tác, sức khỏe.

Xem thêm video được quan tâm

Những lưu ý cho người viêm da cơ địa khi trời nắng nóng | SKĐS


Bs. Vũ Mai An
Ý kiến của bạn