Lỵ trực khuẩn là bệnh đường tiêu hóa do vi khuẩn Shigella gây ra. Bệnh đặc biệt hay bùng phát vào mùa hè nóng nực và dễ gây thành dịch khi thời tiết vào mùa mưa lũ. Thức ăn, nguồn nước, xử lý chất thải… không đảm bảo là nguyên nhân chính khiến bệnh dễ lây lan và bùng phát.
1. Bệnh lỵ trực khuẩn dễ gặp vào mùa nóng và sau mưa lũ
Lỵ trực khuẩn gây bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa cấp tính. Khi nhiễm, bệnh nhân bị tiêu chảy nhiều lần, phân có nhầy, máu dẫn đến cơ thể bị mất nước, muối, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong. Bệnh có thể lây thành dịch, nhất là ở môi trường thiếu vệ sinh sau mưa lũ.
Bệnh lỵ trực khuẩn lây trực tiếp từ người sang người qua đường tiêu hóa (phân - miệng). Người bệnh có thể thải vi khuẩn hàng ngày theo phân, ở những trường hợp nhẹ, tình trạng này có thể kéo dài hơn đến khoảng 6 tuần và là nguồn lây bệnh chính trong cộng đồng. Ngoài ra bệnh có thể bị lây gián tiếp là lây qua thức ăn, nước uống. Các loại côn trùng như ruồi, nhặng, gián, thạch sùng… làm lây bệnh từ bệnh phẩm sang thức ăn.
Ai cũng có thể lây bệnh, trong đó trẻ em và người cao tuổi dễ mắc bệnh lỵ nặng. Bệnh có thể gây những biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách.

Bệnh lỵ trực khuẩn thường gặp khi thời tiết nóng ẩm hoặc mưa lũ điều kiện vệ sinh kém.
2. Cách hiệu quả phòng ngừa lỵ trực khuẩn
Để chủ động phòng ngừa bệnh lỵ trực khuẩn, mọi người cần thực hiện các biện pháp sau:
• Rửa tay và rửa sạch mọi bát đĩa hoặc dụng cụ trước khi chuẩn bị, nấu, phục vụ hoặc ăn thức ăn. Giữ cho quầy bếp và các bề mặt chế biến thực phẩm sạch sẽ. Thường xuyên thay khăn lau bát đĩa và khăn bếp đã qua sử dụng bằng khăn sạch.
• Che phủ mọi vết loét hoặc vết cắt trên tay (nếu có) trước khi chế biến thức ăn. Sử dụng găng tay cao su hoặc che vết loét bằng băng sạch.
• Đảm bảo chỉ tiêu thụ các sản phẩm từ sữa, phô mai và nước trái cây đã được tiệt trùng.
• Rửa sạch rau và trái cây tươi trước khi ăn hoặc nấu.
• Rã đông thịt đông lạnh trong tủ lạnh hoặc lò vi sóng. Không để thịt ở nhiệt độ phòng.
• Nấu chín kỹ thực phẩm, đặc biệt là thịt, gia cầm và thức ăn thừa. Thịt lợn nên được hâm nóng lại đến nhiệt độ bên trong ít nhất là 71°C. Đối với gà và gà tây nguyên con, nhiệt độ khuyến nghị là 82°C đối với thịt đùi và 77°C đối với thịt ức.
• Để thịt sống, thịt gia cầm và hải sản tránh xa các loại thực phẩm khác.
• Làm lạnh bất kỳ thực phẩm nào không ăn ngay.
• Rửa tay sau khi đi vệ sinh hoặc chạm vào động vật.
• Nếu bạn chăm sóc trẻ nhỏ, hãy rửa tay thường xuyên và vứt bỏ tã cẩn thận để vi khuẩn không lây lan sang các bề mặt khác hoặc người khác.
• Khi bạn đi đến những nơi dễ bị ô nhiễm, hãy chỉ ăn thức ăn nóng, nấu chín mới. Chỉ uống nước đóng chai và nước đảm bảo vệ sinh. Tránh nước máy và nước đá không an toàn. Tốt nhất là đun sôi nước trước khi uống. Không ăn rau sống hoặc trái cây chưa gọt vỏ.

Đảm bảo thực hiện chế độ ăn uống hợp vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh.
3. Chăm sóc người bệnh đúng cách
Nếu bệnh nhân bị tiêu chảy nặng, cơ thể có thể mất quá nhiều chất lỏng và bị mất nước. Mất nước rất nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em và người lớn tuổi. Bệnh nhân cũng dễ bị mất các khoáng chất mà cơ thể cần để duy trì hoạt động bình thường. Nên sử dụng dung dịch bù nước đường uống như là một loại đồ uống thay thế chất lỏng và khoáng chất.
Người bệnh nên ăn thức ăn mềm, chế biến đơn giản. Ăn chậm và tránh những thực phẩm khó tiêu hoặc có thể gây kích ứng dạ dày, chẳng hạn như thực phẩm có acid (như cà chua hoặc cam), thức ăn cay hoặc béo, thịt và rau sống.
Nghỉ ngơi nhiều nhất có thể. Ngồi hoặc nằm xuống với đầu kê cao. Không nằm duỗi thẳng trong ít nhất 2 giờ sau khi ăn để giảm trào ngược...
Dùng thuốc theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, kể cả dung dịch oresol. Không được tự ý ngừng dùng thuốc kháng sinh quá sớm, tình trạng nhiễm trùng có thể tái phát.
Ðối với những người tiếp xúc với bệnh nhân cần được theo dõi 7 ngày. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh và lao động, sau khi tiếp xúc chăm sóc bệnh nhân. Cùng với đó là vệ sinh môi trường sống bằng cách tích cực diệt ruồi, nhặng. Không dùng phân tươi để bón ruộng. Quản lý và xử lý phân nước, rác hợp vệ sinh.
Xem thêm video:
Cảnh giác trước những yếu tố tiềm ẩn dẫn tới ngộ độc thực phẩm.