Cộng thêm yếu tố thời tiết thay đổi thất thường càng làm “anh” thêm mệt mỏi. Các bác sĩ khuyên rằng, để những ngày Tết không mất vui, tránh cho “anh ruột” bị “tai nạn ăn uống” thì cần cho “anh” được thoải mái bằng cách tăng cường thêm cho “anh” rau xanh và nước uống.
Những rối loạn tiêu hóa thường gặp
Trướng bụng đầy hơi: có lẽ đây là rối loạn thường gặp nhất của các bệnh lý đường tiêu hóa trong dịp Tết. Đó là biểu hiện no hơi, nặng bụng, khó chịu do có sự tích khí trong đường tiêu hóa, do tiêu hóa không tốt, thức ăn ứ đọng ở dạ dày. Nguyên nhân chủ yếu là do trong mấy ngày Tết ăn uống thất thường, ăn quá nhiều các chất đạm, lạm dụng rượu, cà phê, thuốc lá, gia vị gây kích thích. Xử trí bằng cách dùng gừng giã nhỏ lấy nước hòa với nước ấm rồi uống hoặc chườm ấm vùng bụng. Nếu không đỡ thì có thể dùng các thuốc trị khó tiêu đầy bụng như thuốc chống đầy hơi, thuốc giảm tiết dịch vị dạ dày, thuốc điều hòa sự co bóp dạ dày - ruột hoặc sử dụng các loại men tiêu hóa. Liều lượng và cách uống có thể hỏi dược sĩ, nhân viên bán thuốc tại các nhà thuốc để được hướng dẫn, nhưng cũng chỉ nên dùng trong thời gian 3 - 5 ngày. Nếu các biểu hiện không đỡ cần đi khám bác sĩ vì có thể có nguyên nhân khác gây trướng bụng đầy hơi.
Để đảm bảo sức khoẻ trong dịp Tết, nên ăn đầy đủ lượng rau xanh, hoa quả tươi và thực phẩm dạng hạt...
Tiêu chảy, nôn ói do ngộ độc thức ăn:
Nguyên nhân có thể là dùng thức ăn kém vệ sinh hoặc ôi thiu, nhưng cũng có thể do dị ứng thức ăn hoặc ăn cùng lúc những món kỵ nhau. Biểu hiện thường là nôn ói và đi tiêu chảy, đôi khi có sốt. Tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà triệu chứng nôn ói nổi bật hơn hay tiêu chảy nhiều hơn. Cần bổ sung oresol để bù lại lượng nước và muối đã mất. Tuy không điều trị được nguyên nhân nhưng đây là biện pháp căn bản để chống mất nước và điện giải từ đó tránh được các rối loạn do mất nước và điện giải gây ra. Thường dùng là oresol (1 gói chứa 20gam glucose khan; 3,5 gam natriclorit; 2,9 gam natricitrat và 1,5 gam kaliclorit) 1 gói pha trong 1 lít nước sôi để nguội, uống liên tục trong ngày, tùy theo mức độ mất nước có thể sử dụng 2 - 3 gói trong ngày. Có thể thay thế oresol bằng viên hydrit, mỗi lần uống 1 viên pha vào 200ml nước. Cần chú ý pha thuốc đúng tỷ lệ, nếu quá loãng sẽ không cung cấp đủ lượng chất điện giải cần thiết, nếu quá đặc sẽ dẫn đến tình trạng quá tải các chất điện giải. Ngoài ra có thể dùng một số thuốc có tác dụng hấp thụ, thuốc làm chậm nhu động ruột hoặc các chất kháng tiết ở ruột non. Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc cầm tiêu chảy khi có ý kiến của bác sĩ.
Các bệnh về gan: Điển hình nhất là gan nhiễm mỡ (do uống nhiều bia rượu, ăn vặt nhiều). Không nên uống hơn 2 cốc rượu nhỏ một ngày. Rượu có thể gây tổn thương gan dù uống ít nếu dùng chung với thuốc có chứa acetaminophen (panadol, decolgen, eferalgan, alaxan...). Bất cứ người nào uống rượu nhiều, ngay cả uống chỉ vài ngày cũng sẽ dễ phát triển thành gan nhiễm mỡ, tế bào gan sưng lên chứa mỡ và nước. Gan nhiễm mỡ do rượu có thể hồi phục được sau khi ngừng uống rượu.
Viêm dạ dày cấp: Viêm dạ dày cấp được hiểu là phản ứng viêm chỉ hạn chế ở niêm mạc, có đặc tính khởi phát và diễn biến nhanh chóng do tác dụng của các tác nhân độc hại hoặc nhiễm khuẩn ở niêm mạc dạ dày. Thông thường trong ngày Tết nguyên nhân chủ yếu là do uống nhiều rượu và sử dụng các chất kích thích như cà phê, ớt... Biểu hiện chủ yếu là đau bụng cồn cào nóng rát vùng thượng vị, kèm theo ợ hơi, ợ chua, có thể có cảm giác buồn nôn hoặc nôn; trường hợp nặng có thể có biểu hiện xuất huyết tiêu hóa là nôn ra máu và đại tiện phân đen. Chẩn đoán dựa vào hình ảnh trên nội soi, có thể xung huyết toàn bộ hoặc một phần niêm mạc dạ dày. Nên gặp bác sĩ để có được phác đồ điều trị hợp lý.
Táo bón: Ngày Tết, mọi người có xu hướng ăn nhiều bánh kẹo, đồ ngọt, các loại thức ăn chế biến nhiều từ thịt. Do đó, sẽ dễ mắc chứng táo bón. Xử trí bằng ăn nhiều hoa quả, trái cây và uống nhiều nước. Chỉ sử dụng thuốc nhuận tràng khi các biện pháp trên không có hiệu quả, trước khi sử dụng cần tham khảo ý kiến của nhân viên y tế.
Để đảm bảo sức khỏe trong dịp tết nên đảm bảo đầy đủ lượng rau xanh, hoa quả tươi và thực phẩm dạng hạt trong khẩu phần ăn; đặc biệt nên bổ sung và khẩu phần ăn một số thực phẩm có tác dụng chống đầy hơi như tỏi, nấm hương, mộc nhĩ…
Uống nhiều nước, hạn chế tối đa việc sử dụng rượu và đồ uống có cồn; có thể sử dụng các loại trà thảo dược như trà hoa cúc, trà kim ngân, hồng trà, trà nhài, trà ô long; hạn chế tối đa sử dụng đồ ngọt như bánh, kẹo, mứt… Nghỉ ngơi hợp lý: Nên đi ngủ đúng giờ, đủ giấc. Giấc ngủ sẽ giúp bạn phục hồi sức lực nhanh chóng để chuẩn bị cho các hoạt động ngày hôm sau.