Dịch bệnh từ động vật lây sang người hết sức nguy hiểm, đòi hỏi chúng ta cần phải có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Từ đầu thế kỷ 21 tới nay, khoảng 70% các đại dịch nguy hiểm là do từ động vật lây sang người. Bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang người đã khiến 2,4 tỷ người mắc bệnh và 2,2 triệu người tử vong. Trong 2 năm vừa qua (2013-2014), thế giới đã ghi nhận những dịch bệnh nghiêm trọng lây từ động vật H5N1, H7N9, Ebola, và dịch hạch. Những căn bệnh lây lan từ động vật sang người như Ebola và cúm gia cầm có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhanh chóng và sâu rộng đến sức khoẻ con người, sinh kế, an ninh lương thực và phát triển kinh tế. Ổ dịch H7N9 ở tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Trung Quốc gần biên giới với Việt Nam nên nguy cơ đối với Việt Nam cũng rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm H7N9 nào. Xử lý ổ dịch H5N1 trên gia cầm cũng là một thành tựu của ngành y tế Việt Nam.
Theo các chuyên gia cao cấp về thú y và y tế, qua các vụ dịch , để phòng ngừa hữu hiệu các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người có thể triển khai sâu rộng các biện pháp trong nhân dân như sau:
Dịch H5N6: còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Tổ chức Nông lương quốc tế (FAO) đang hỗ trợ giám sát cúm gia cầm tại chợ, giám sát các lò giết mổ. Tổ chức Thú y Thế giới đang giám sát chim hoang dã. Chủng vi-rút phân lập gửi Phòng Thí nghiệm quốc tế để giải trình gen.
H7N9: Trong số mẫu Việt Nam đã lấy phân ra làm 4 đợt trên 155 .000 con giam cầm, chưa phát hiện virút H7N9 tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng chỉ thị các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát cúm gia cầm lây sang người. Đối với người dân, nếu gia cầm ở trong vùng có nguy cơ bị cúm, cần tiến hành tiêm phòng cho đàn gia cầm. Khi phát hiện gia cầm nhiễm bệnh, cần báo ngay với cơ quan thú y để có biện pháp xử lý.
Bệnh xoắn khuẩn trên lợn: tiêm phòng vắc xin, kiểm tra kháng thể huyết thanh, xây dựng cơ sở sạcch bệnh.
Bệnh dại: Số người chết vì bệnh dại năm 2014 đã giảm đi rất nhiều so với năm trước. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 10 triệu con chó. Trong đó nhiều con nuôi thả rông ở khu vực nông thôn, miền núi nên rất khó khăn trong phòng chống dịch, tiêm phòng. Bệnh dại không xuất hiện ở thành phố mà chỉ ở vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa. Vì vậy cần tuyên truyền cho bà con hiểu rõ và ngành thú y cần có các đợt tiêm phòng sâu rộng tới các vùng nông thôn và miền núi.
Tiêm phòng dại cho chó là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh dại lây lan cho cộng đồng
Bệnh nhiệt thán: Gần đây xuất hiện ổ dịch ở Mèo Vạc, Hà Giang, do người dân giết gia súc bị bệnh và chia cho bà con trong bản ăn. Do tập quán ăn thịt gia súc chết, bệnh ở người vùng cao khiến họ có thể mắc bệnh lây từ gia súc. Vì vậy cần tuyên truyền để bà con hiểu rõ và không ăn thịt gia súc chết, bệnh.
Bệnh liên cầu lợn: giám sát lâm sàng, không ăn lợn bệnh, tiết canh, sau khi giết mổ phải rửa tay bằng nước sạch là các biện pháp phòng bệnh mà các chuyên gia y tế khuyến cáo tới người dân.
Không ăn tiết canh, rửa tay sau khi giết mổ gia súc để phòng bệnh liên cầu lợn.
Bệnh tai xanh ở lợn cũng có phần làm gia tăng liên cầu lợn. Vì vậy, khi lợn bị bệnh tai xanh, không được ăn, mà cần có biện pháp phòng ngừa và báo ngay với cơ sở thú y.
Bệnh viêm não virút: Tuy số ca mắc không nhiều nhưng lại gây tử vong và biến chứng nặng. Bệnh truyền từ các động vật như chim, ngựa,.. qua muỗi đốt sang người. Để phòng bệnh, cần diệt muỗi và tiêm phòng viêm não cho trẻ em.
Để phòng ngừa hiệu quả các bệnh lây truyền từ động vật sang người nêu trên, cần tuyên truyền, tiêm vắc xin trên vật nuôi để ngừa dịch bệnh. Các địa phương và cơ quan thú y cũng chủ động trong khâu con giống, khử trùng để phòng nguy cơ dịch bệnh một cách triệt để. Tổ chức chăn nuôi đạt an toàn, tiêm vắc xin định kỳ cơ sở giống. Cục Thú y phối hợp với FAO phòng chống dại, quản lý đàn chó, hướng tới tiêm vắc xin cho 70% đàn chó. Xây dựng 3 phòng xét nghiệm bệnh dại ở tp. HCM, Đà Nẵng, Hà Nội. Tiêm phòng cho động vật trong vùng dịch bệnh nhiệt thán. Khi phát hiện trâu bò bị bệnh nhiệt thán, không được mổ, không được ăn mà cần báo ngay với cơ quan thú y để giải quyết triệt để. Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và đại dịch cúm ở người sẽ họp thường xuyên, nâng cao năng lực phòng xét nghiệm, và sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế, Bộ NN&PT cùng các địa phương sẽ là biện pháp hữu hiệu trong thời gian tới. Ngoài ra, còn phải kể đến sự song hành của Tổ chức Nông lương quốc tế (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Thú y Thế giới để xóa bỏ dịch bệnh lây từ động vật sang người, hạn chế sự lây lan của chúng trên bản đồ thế giới.
Ngày 3/2, Hội nghị Một sức khoẻ Quốc gia lần thứ ba: Nguy cơ bệnh truyền nhiễm phát sinh trong mối tương tác con người – động vật – hệ sinh thái tại Việt Nam diễn ra tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đồng chủ trì phiên khai mạc. Hội nghị có sự tham gia của bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam; ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; các chuyên gia cao câp ngành thú y và y tế để cùng nêu bật các sáng kiến Một sức khoẻ, đánh giá tiến trình và thành tựu đạt được trong giai đoạn trước song song với những hạn chế và lĩnh vực cần cải thiện, khắc phục.
Những bệnh này xuất phát từ mối tương tác con người – động vật – hệ sinh thái và có khả năng gây hậu quả nặng nề và lan rộng đối với sức khỏe con người, sinh kế, sự phát triển kinh tế và nhiều vấn đề khác. Trong công tác ứng phó với nguy cơ dịch bệnh, Việt Nam đang dần chuyển dịch theo hướng áp dụng phương pháp tiếp cận Một sức khỏe, theo đó hướng tới việc tập hợp các tác nhân liên quan chính từ nhiều ngành và lĩnh vực nhằm xác định các nguy cơ tiềm tàng đối với sức khỏe cộng đồng liên quan đến bệnh truyền nhiễm, từ đó thực hiện các biện pháp phối hợp phòng ngừa và kiểm soát thống nhất.
Liên Hợp Quốc đã công nhận “Một sức khỏe là thành tựu mới nhất mà Việt Nam đã đạt được cho đến thời điểm này. Tuy nhiên LHQ cũng nhấn mạnh Việt Nam còn cả một chặng đường dài phía trước để trở thành nước dẫn đầu về “Một sức khoẻ” trong khu vực. Trước những hiểm hoạ từ các căn bệnh mới và mới nổi lên, LHQ kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa việc chăm sóc sức khỏe con người, động vật và hệ sinh thái theo khuôn khổ tiếp cận thống nhất “Một sức khoẻ”. Thông qua sáng kiến Một sức khoẻ, LHQ tại Việt Nam sẽ thúc đẩy các cơ chế điều phối quốc gia giữa các lĩnh vực sức khỏe con người và sức khỏe động vật. Thông qua đó góp phần tăng cường năng lực và kỹ năng cho Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế. Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), FAO và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang hỗ trợ các cuộc đối thoại chính sách, phối hợp nhiều bên liên quan và tham vấn giữa các đối tác trong nước và quốc tế. Những nỗ lực của LHQ đã và đang giúp Việt Nam nâng cao năng lực chuẩn bị và phản ứng tốt hơn đối với các bệnh truyền nhiễm từ động vật như cúm H5N1 và H7N9.
Bích Vân