Hà Nội

Cách phòng bệnh liên cầu lợn

11-07-2014 10:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo dõi trên đài, báo và truyền hình, tôi thấy nói bệnh liên cầu lợn có thể lây sang người rất nguy hiểm

Theo dõi trên đài, báo và truyền hình, tôi thấy nói bệnh liên cầu lợn có thể lây sang người rất nguy hiểm. Nhà tôi và nói chung nhiều gia đình quê tôi đều có nuôi lợn nên chúng tôi rất lo bị lây bệnh liên cầu lợn. Xin hỏi bác sĩ cách phòng chống bệnh này như thế nào?

Đỗ Văn Thực (Thanh Hóa)

Bệnh liên cầu lợn lây từ con này sang con khác qua đường hô hấp và tiêu hóa: con lợn mắc bệnh do hít phải vi khuẩn khi tiếp xúc với con lợn bị bệnh hoặc do lợn ăn phải thức ăn có mầm bệnh. Bệnh liên cầu lợn có thể lây truyền từ lợn bị bệnh sang người do: người tiếp xúc với lợn bị bệnh hoặc ăn phải thịt lợn nhiễm bệnh chưa nấu chín kỹ; liên cầu lợn xâm nhập vào người qua các vết thương trên da hoặc niêm mạc mũi, miệng. Cách nhận biết lợn bị bệnh: da đỏ, khi mổ lợn, nội tạng cũng rất đỏ.

Triệu chứng của người mắc liên cầu lợn là: sốt cao, đau nhức bắp thịt, đau họng, xuất huyết toàn thân, trụy mạch, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, suy nhiều phủ tạng, suy hô hấp...

Việc điều trị: phải dùng các biện pháp hồi sức tích cực, chi phí chữa bệnh rất cao, nếu phát hiện và điều trị sớm thì khả năng chữa khỏi bệnh cao hơn nhiều so với các trường hợp phát hiện và chữa bệnh muộn.

Cách phòng bệnh: phải dọn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cách ly lợn ốm để điều trị, lợn chết phải chôn chứ không tiếc rẻ mà làm thịt ăn; khi lợn bị bệnh, chuồng trại phải phun thuốc sát khuẩn, để trống chuồng 2 tuần mới nuôi lợn khác. Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, thịt xuất huyết hoặc phù nề vì đó chắc chắn là lợn bệnh. Không ăn tiết canh lợn và thịt lợn chưa nấu chín kỹ. Không để tay chân bị trầy xước tiếp xúc với thịt lợn hoặc các dụng cụ ở chuồng trại nuôi lợn...

BS. Nguyễn Minh Hạnh 


Ý kiến của bạn