Viêm phổi là hiện tương nhiễm trùng cấp tính ở phổi, do nhiều nguyên nhân gây nên như vi khuẩn (phế cầu, liên cầu, tụ cầu, hemophilus influense, E.coli, trực khuẩn mủ xanh...) virut (cúm, thủy đậu, sởi, SARS), nấm, ký sinh trùng... Đây là bệnh rất phổ biến ở trẻ em dưới 5 tuổi nếu không được phát hiện, điều trị sớm, đúng cách trẻ rất dễ tử vong. Bệnh thường xuất hiện nhiều vào mùa đông xuân, khi thời tiết thay đổi, trời lạnh, độ ẩm cao.
Làm thế nào để phát hiện sớm viêm phổi ở trẻ?
Để phát hiện thở nhanh, phải đếm nhịp thở trẻ trong vòng một phút.
Cách đếm: Bà mẹ ngồi ôm trẻ vào lòng, giữ trẻ ở trạng thái yên tĩnh, không kích thích, không để quấy khóc. Vén áo trẻ lên cho phần bụng và phần ngực được phơi trần. Nhìn vào bụng hoặc ngực của trẻ để đếm.
Mỗi lần hít vào và thở ra một nhịp. Đếm tròn một phút. Tính thời gian dựa vào kim giây của đồng hồ. Để lấy số chính xác của số lần thở trong 1 phút có thể 2 người cùng phối hợp đếm nhịp thở: Một người đếm và một người theo dõi đồng hồ trong vòng 1 phút. Nếu nghi ngờ có thể đếm lại lần thứ 2.
Tròn một phút, dựa vào số nhịp thở và tuổi của trẻ để kết luận trẻ có thở nhanh hay không?
Trẻ dưới 2 tháng tuổi, nhịp thở 60 lần/phút là thở nhanh.
Trẻ từ 2 tháng tuổi đến 11 tháng tuổi, nhịp thở 50 lần/phút là thở nhanh.
Trẻ từ 12 tháng tuổi đến 60 tháng tuổi, nhịp thở 40 lần/phút là thở nhanh.
Nếu trẻ thở nhanh có nghĩa là trẻ đang bị viêm phổi.
Khi trẻ bị viêm phổi, người nhà không được tự điều trị mà phải đến khám tại cơ sở y tế. Thầy thuốc sẽ điều trị viêm phổi bằng thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh này phải sử dụng đúng loại, đúng liều lượng và đủ thời gian.
Ngoài ra những trường hợp ho, sổ mũi mà kèm theo những dấu hiệu sau đây phải ngay lập tức đưa trẻ đến vào bệnh viện:
- Co lõm ngực (phần giữa bụng và ngực lõm vào khi trẻ hít vào).
- Thở mệt, cánh mũi phập phồng, tím tái.
- Thở khò khè hay thở rít khi nằm yên.
- Không uống được, co giật hoặc li bì khó đánh thức.
Lưu ý: Mọi trường hợp viêm phổi ở trẻ dưới 2 tháng đều nặng và cần phải nhập viện.
Bác sĩ Thúy An