Cách phát hiện sớm và dự phòng giãn tĩnh mạch thực quản nguy hiểm ở bệnh nhân xơ gan

05-06-2022 07:03 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Giãn tĩnh mạch thực quản là khi các tĩnh mạch ở khu vực thực quản bị giãn ra và có thể nứt vỡ gây xuất huyết tiêu hoá. Tình trạng này thường gặp ở các bệnh nhân xơ gan, bệnh gan mạn tính, ung thư gan.

Giãn tính mạch thực quản là một trong những biến chứng nặng hay gặp và gây tử vong cao, nhất là vỡ giãn tĩnh mạch thực quản dạ dày do hậu quả của tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Để giảm tỷ lệ tử vong trên bệnh nhân xơ gan, việc hiểu biết để dự phòng xuất huyết do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản có vai trò rất quan trọng. Bài viết sau đây giúp độc giả hiểu hơn về vấn đề này.

1.Tổng quan về giãn tĩnh mạch thực quản

Giãn tĩnh mạch thực quản là tình trạng giãn các tĩnh mạch trong hệ thống cấp máu và xung quanh thực quản. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng trên là tăng huyết áp tĩnh mạch cửa.

Các tĩnh mạch thực quản nhỏ và có thành mỏng không thể chứa một lượng lớn máu. Do đó, sự ứ trệ lưu chuyển máu có thể khiến các tĩnh mạch bị giãn và gây vỡ. Vỡ tĩnh mạch thực quản có thể nguy hiểm và thậm chí gây tử vong. Vì vậy, bất cứ ai nghi ngờ rằng bị giãn tĩnh mạch thực quản gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.

2.Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thực quản

Xơ gan là nguyên nhân phổ biến nhất gây giãn tĩnh mạch thực quản. Trong số những người bị xơ gan, 30% bị giãn tĩnh mạch có sự ứ trệ lưu thông máu về gan. Trong năm đầu tiên sau khi chẩn đoán, 5% giãn tĩnh mạch nhỏ và 15% giãn tĩnh mạch lớn chảy máu.

Tăng huyết áp tĩnh mạch cửa là một biến chứng của xơ gan xảy ra khi mô sẹo ngăn chặn dòng chảy của máu xung quanh gan. Tình trạng này dẫn đến huyết áp cao trong tĩnh mạch cửa vốn xem như là đường ống có nhiệm vụ mang máu từ các cơ quan khác đến gan.

Nếu lưu lượng máu quanh gan bị hạn chế, cơ thể sẽ tăng cường máu qua các tĩnh mạch trong dạ dày hoặc thực quản. Một khi lưu lượng máu chảy qua chúng tăng lên quá mức có thể gây ra tình trạng giãn tĩnh mạch.

Theo một nghiên cứu, chảy máu từ giãn tĩnh mạch thực quản chiếm 5-11% của tất cả các trường hợp chảy máu đường tiêu hóa trên (UGIB). Ở các nước phương Tây, xơ gan do rượu và virus là nguyên nhân hàng đầu của bệnh tăng áp lực tĩnh mạch cửa và giãn tĩnh mạch thực quản. Có khoảng 30% bệnh nhân bị xơ gan còn bù và 60-70% bệnh nhân bị xơ gan mất bù có giãn tĩnh mạch dạ dày-thực quản tại thời điểm này.

Giãn tĩnh mạch thực quản và xơ gan rất nguy hiểm làm thế nào để phát hiện sớm và dự phòng? - Ảnh 1.

Xơ gan là nguyên nhân phổ biến nhất gây giãn tĩnh mạch thực quản.


Giãn tĩnh mạch thực quản tiến triển trong khoảng 8% bệnh nhân bị bệnh gan mạn tính mỗi năm trong hai năm đầu tiên và 30% bệnh nhân vào năm thứ sáu. Nguy cơ chảy máu giãn tĩnh mạch thực quản trong năm đầu tiên sau khi xác định là 30%.

Ngoài ra, nguyên nhân hiếm gặp của giãn tĩnh mạch thực quản có thể bao gồm hội chứng Budd-Chiari và bệnh sán máng. Hội chứng Budd-Chiari khiến các tĩnh mạch trong gan bị tắc nghẽn một phần. Sán máng có thể xâm nhập vào các mạch máu khiến các tĩnh mạch bị giãn.

 3. Yếu tố gây xuất huyết do giãn tĩnh mạch thực quản

Xuất huyết do giãn tĩnh mạch thực quản gồm các yếu tố tăng áp tĩnh mạch cửa hay gọi là tăng áp cửa là tình trạng bệnh lý làm gia tăng áp lực trong hệ thống tĩnh mạch dẫn máu từ các tạng đến gan. Tuy nhiên, tăng áp cửa không đơn thuần là sự gia tăng áp lực trong hệ thống tĩnh mạch mà là sự gia tăng độ chênh áp lực giữa dòng chảy vào của tĩnh mạch cửa và dòng chảy ra của tĩnh mạch gan.

Nguyên nhân chính gây nên tình trạng tăng áp cửa là xơ gan - giai đoạn cuối ở bất kỳ bệnh lý gan mạn nào.

Bệnh nhân xơ gan biểu hiện trên lâm sàng hai hội chứng chính gồm: Hội chứng suy chức năng gan và Hội chứng tăng áp cửa.

Nguyên nhân đầu tiên gây tăng áp cửa là sự gia tăng đề kháng với dòng chảy mạch máu do sự biến đổi cấu trúc nhu mô gan do sự tạo mô xơ và hình thành các nốt gan tân tạo qua quá trình viêm. Ngoài ra, những phát hiện gần đây cho thấy tình trạng tăng áp cửa còn nặng nề hơn do có sự co mạch của hệ thống mạch máu trong gan do có sự suy giảm sản xuất NO (Nitric Oxide) tại chỗ cùng với sự tăng sản xuất NO (Nitric Oxide) ở mạch máu tạng và ngoại biên gây giãn mạch làm tăng dòng chảy và tăng thể tích tuần hoàn.

Sự hình thành các vòng tuần hoàn bàng hệ với mục đích làm giảm áp lực cửa nhưng vẫn không thành công do hai nguyên nhân:

- Có sự gia tăng dòng chảy qua tĩnh mạch cửa do giãn mạch máu tạng đồng thời với sự hình thành tuần hoàn bàng hệ.

- Sự đề kháng của các vòng tuần hoàn bàng hệ ở bệnh nhân xơ gan lớn hơn sự đề kháng của các mạch máu trong gan ở người bình thường. Do đó sự gia tăng áp lực cửa ở bệnh nhân xơ gan là hậu quả của hai hiện tượng chính: gia tăng đề kháng với dòng chảy qua hệ thống cửa (bên trong gan và tuần hoàn bàng hệ) và sự gia tăng dòng chảy trong hệ thống cửa.

Khi xuất huyết do vỡ các búi giãn tĩnh mạch thực quản dẫn đến mất máu , shock mất máu và có thể tử vong bệnh nhân chỉ có cơ may sống sót nếu được tiến hành cấp cứu tích cực kịp thời. Dù vậy, tỉ lệ tử vong vẫn rất cao.

4. Dấu hiệu nhận biết giãn tĩnh mạch thực quản

Giãn tĩnh mạch thực quản thường không gây ra dấu hiệu và triệu chứng, trừ khi bị chảy máu. Các dấu hiệu và triệu chứng của chảy máu thực quản là nôn ra máu (ít hoặc ồ ạt) hoặc đi ngoài phân đen. Những biểu hiện này xuất hiện khi tĩnh mạch đã bị giãn ở mức cực đại, gây thủng hoặc vỡ tĩnh mạch làm chảy máu.

Chỉ có thể phát hiện giãn tĩnh mạch thực quản thông qua chụp thực quản (uống barite hoặc soi thực quản bằng ống soi mềm).

5. Làm gì khi bị giãn tĩnh mạch thực quản ?

Khi thấy trong người có những triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, đau ở vùng gan,… thì bệnh nhân cần đến bệnh viện hoặc các cơ sở chuyên gan khám ngay để biết rõ tình trạng sức khỏe của mình, từ đó có các biện pháp điều trị kịp thời.

Khi bệnh nhân nôn ra máu nghĩa là tĩnh mạch thực quản bị vỡ, phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện để làm các biện pháp cầm máu.

Nói chung mục tiêu chủ yếu trong điều trị giãn tĩnh mạch thực quản là để ngăn chặn chảy máu. Chảy máu thực quản là đã đe dọa tính mạng của người bệnh, vì thế biện pháp tốt nhất để tránh nguy cơ này là phải phòng bệnh.

6. Điều trị giãn tĩnh mạch thực quản

Tùy từng trường hợp cụ thể, mức độ giãn của các tĩnh mạch này là độ I, II, III hay IV và có kèm giãn tĩnh mạch ở dạ dày hay không các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị thích hợp. 

Điều trị dùng thuốc uống hay kết hợp với cột tĩnh mạch thực quản bị giãn qua thủ thuật nội soi thực quản - dạ dày. Lách to cường lách do xơ gan không điều trị bằng phẫu thuật cắt lách.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần điều trị dự phòng giãn tĩnh mạch thực quản nhằm mục đích ngăn ngừa xuất huyết, giảm tỷ lệ tử vong trong xuất huyết đầu tiên. Và các nhà chuyên môn đều thống nhất khuyến cáo tất cả các bệnh nhân xơ gan nên tầm soát giãn tĩnh mạch thực quản ngay khi chẩn đoán. Có thể dùng thuốc; thắt giãn tĩnh mạch thực quản qua nội soi bằng vòng cao su nhằm dự phòng xuất huyết ở bệnh nhân có giãn tĩnh mạch thực quản mức độ trung bình hoặc lớn; Chích xơ giãn tĩnh mạch thực quản…

Tóm lại: Xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản chiếm khoảng 70% xuất huyết tiêu hóa trên bệnh nhân xơ gan, tỷ lệ tái phát cao 80%/1 năm nếu không dự phòng. Ở các nước phát triển, phương tiện hồi sức tốt tử vong do xuất huyết vỡ giãn tĩnh mạch thực quản là 30-35%, khoảng 60-70% sống sót dễ bị tái phát.

Vì vậy, vấn đề điều trị dự phòng xuất huyết tiêu hoá do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản trên bệnh nhân xơ gan cần phải đặt ra để hạn chế biến chứng này.

Biến chứng này có thể phát hiện sớm và phòng ngừa hiệu quả bằng cách phát hiện sớm phải bằng nội soi thực quản. Tất cả bệnh nhân được chẩn đoán xơ gan cần được nội soi để tầm soát biến chứng này. Nếu bệnh nhân có giãn tĩnh mạch thực quản độ 1 nội soi 1 lần/năm, nếu nội soi không có giãn tĩnh mạch thực quản có chức năng gan ổn định nên nội soi 1 lần/ 2 năm.

Xơ gan bị chảy máu thực quản có nguy hiểm?Xơ gan bị chảy máu thực quản có nguy hiểm?

SKĐS - Người nhà tôi bị viêm gan B và được chẩn đoán xơ gan, mấy ngày gần đây có hiện tượng chảy máu thực quản.

Mời độc giả xem thêm video:

Bệnh nhân được ghép thận lại lần lần thứ 3 vẫn sống khỏe mạnh, tới nay đã được 8 năm


ThS. BS. Nguyễn Tuấn Anh
Ý kiến của bạn