Hà Nội

Cách phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa

13-12-2016 15:18 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Ung thư đường tiêu hóa đứng thứ 3 trong các loại ung thư gây tử vong trên thế giới. Tuy nhiên do tâm lý sợ phát hiện ra bệnh nên người bệnh thường không đi khám sớm, chỉ đến khi thấy đau không chịu nổi, khó chịu, chán ăn, đi ngoài ra máu, sút cân… mới đến viện thì đã muộn.

Ung thư đường tiêu hóa đứng thứ 3 trong các loại ung thư gây tử vong trên thế giới. Nó thuộc loại ung thư nguy hiểm bởi bệnh thường khởi phát với các triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với những bệnh thông thường khiến đa số người bệnh chủ quan, đến khi phát hiện ung thư đã ở giai đoạn muộn.

Các loại bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến nhất là dạ dày, đại tràng, trực tràng, thực quản và hậu môn.

Đa phần trường hợp ung thư dạng này phát triển từ polyp u tuyến. Bởi vậy, việc phát hiện sớm, cắt bỏ polyp u tuyến có nguy cơ ác tính giúp làm giảm tỉ lệ ung thư.

Việc dự phòng để phát hiện sớm các bệnh ung thư đường tiêu hóa ở những người có nguy cơ là rất quan trọng vì nếu phát hiện bệnh càng sớm, cơ hội chữa khỏi bệnh càng cao. Tuy nhiên do tâm lý sợ phát hiện ra bệnh nên người bệnh thường không đi khám sớm, chỉ đến khi thấy đau không chịu nổi, khó chịu, chán ăn, đi ngoài ra máu, sút cân… mới đến viện thì đã muộn.

Ung thư đường tiêu hóa phổ biến nhất là dạ dày, đại tràng, trực tràng, thực quản và hậu môn.

Cách phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa

Có thể phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa bằng cách khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt ở nhóm đối tượng có nguy cơ cao hoặc là có các triệu chứng đường tiêu hóa.

Người trên 40 tuổi gầy sút hoặc có hội chứng dạ dày cần được soi dạ dày kiểm tra. Người ngoài 40 tuổi nên làm xét nghiệm máu trong phân, nội soi đại trực tràng 3-5 năm/lần.

Người có tiền sử gia đình có đa polyp đại trực tràng, thường xuyên có cơn đau âm ỉ vùng thượng vị, có tiền sử viêm loét dạ dày, đi đại tiện ra máu... thì cần thăm khám (gồm soi đại trực tràng, dạ dày) thường xuyên hơn để phát hiện bệnh sớm.

Ung thư dạ dày và ung thư tá tràng (Hình minh họa)

Phòng bệnh

Hạn chế dùng các thực phẩm có chứa aflatoxin, nitrosamine (trong thực phẩm ướp muối, lên men, hun khói), nấm mốc và các chất độc hại khác. Tuyệt đối không cố gắng sử dụng các thực phẩm nghi ngờ đã hư hỏng hoặc đã bảo quản quá lâu ngày.

Nên dùng rau quả, thực phẩm có nhiều chất xơ, selen, vitamin A, C có khả năng phòng chống ung thư tiêu hóa: trà xanh, súp lơ xanh, ngũ cốc, các loại rau xanh, cà tím...

Cẩn trọng khi dùng các sản phẩm nhựa để đựng, che phủ thức ăn, đặc biệt là dùng sản phẩm nhựa để hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng.

Nên thận trọng với tất cả các cơn đau về tiêu hóa. Không tự ý dùng thuốc cho tiêu hóa, không kéo dài quá trình bệnh lý tiêu hóa mà không biết rõ ràng nguyên nhân.

Khám sức khỏe tổng quát thường xuyên để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý về tiêu hóa, phát hiện sớm ung thư.

Hạn chế tối đa thuốc lá và rượu.


Ngọc Minh
Ý kiến của bạn