Hà Nội

Cách phát hiện sớm trẻ bị ngộ độc chì

21-02-2024 11:30 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Triệu chứng nhiễm độc chì ở trẻ nhiều lúc khó phát hiện ra, nhất là trong trường hợp lượng chì nhiễm dưới mức nguy hiểm, nhưng nó lại gây bệnh mạn tính cho trẻ.

Cảnh giác với ngộ độc chì do dùng thuốc camCảnh giác với ngộ độc chì do dùng thuốc cam

SKĐS - Theo y học cổ truyền, trị liệu bệnh cam là lấy thanh nhiệt tiêu tích, khu trùng trừ cam làm chủ, sau khi bệnh nguyên đã được thanh trừ thì nhất thiết phải điều lý tỳ vị.

Các bác sĩ Khoa Cấp cứu - Chống độc, BV Nhi Trung ương cho biết, mới đây bé gái T.M. (9 tuổi, ở Hà Tĩnh) được chuyển đến viện trong tình trạng lơ mơ, co giật nhiều và kéo dài, giảm tri giác. Tại đây bệnh nhi được chẩn đoán bị ngộ độc chì nặng và có tổn thương não.

Gia đình của bé T.M. cho biết bé có tiền sử động kinh, thời gian gần đây gia đình thấy bé bị co giật nhiều nên đã mua thuốc cam không rõ nguồn gốc về cho bé uống.

Trẻ ngộ độc chì do đâu?

Khác với người lớn, ngộ độc chì ở trẻ em chủ yếu là do dùng thuốc có chì hoặc tiếp xúc với đồ vật có hàm lượng chì cao. Trẻ bị ngộ độc chì có thể do tiếp xúc với chì qua nhiều nguồn khác nhau, thường là do uống, bôi thuốc cam, thuốc tưa lưỡi có chì được lưu hành bất hợp pháp hoặc tiếp xúc với các đồ chơi được sơn bằng loại sơn có chứa chì.

Ngộ độc chì cấp thường do hấp thu chì qua đường tiêu hóa, ở nước ta rất hay gặp do uống các thuốc Nam, đặc biệt là các loại thuốc tễ, thuốc tán không rõ nguồn gốc trong thành phần có chứa hồng đơn, mẫu đơn, chu sa, thần sa... không được bào chế khử độc an toàn (trong thành phần các vị thuốc này có các kim loại nặng hàm lượng cao như: Chì, thủy ngân, asen...).

Ngộ độc chì mạn chủ yếu do tiếp xúc với các yếu tố môi trường (không khí, nước, thực phẩm) và nghề nghiệp. Cần nhấn mạnh các nghề có nguy cơ cao bị nhiễm độc chì mạn tính như: Nấu chì, sản xuất acqui chì, ngành in, ngành sản xuất nhựa, kinh doanh xăng dầu, hàn chì, đốt rác thải rắn, sản xuất thủy tinh, sản xuất sơn...

Cách phát hiện sớm trẻ bị ngộ độc chì- Ảnh 2.

Trẻ bị ngộ độc chì có thể do tiếp xúc với chì qua nhiều nguồn khác nhau, thường là do uống, bôi thuốc cam...

Biểu hiện ngộ độc chì ở trẻ

Triệu chứng nhiễm độc chì ở trẻ nhiều lúc khó phát hiện ra, nhất là trong trường hợp lượng chì nhiễm dưới mức nguy hiểm, nhưng nó lại gây bệnh mạn tính cho trẻ. Trong trường hợp này trẻ sẽ có biểu hiện thần kinh mệt mỏi, suy nhược, tính tình trở nên dễ cáu gắt, nhức nhối khắp mình.

Những trẻ nhiễm độc chì đều bị bệnh thiếu máu. Mặt khác, chì ảnh hưởng lên bộ máy tiêu hóa, nên trẻ sẽ ăn uống giảm sút, hay chán ăn, buồn nôn, đau bụng, có những lúc đau dữ dội, sắc mặt tái xám. Nếu bị nhiễm độc chất chì nhiều sẽ dễ dẫn đến suy gan và thận.

Nhiễm độc chì là một loại bệnh môi trường, khó phát hiện, nhưng thường gặp nhất là ở lứa tuổi thiếu niên nhi đồng. Các bậc phụ huynh cần phải lưu ý, vì trong đô thị thường có nhiều chất thải, khói bụi, đất cát... và nhất là đồ chơi của trẻ.

Ngộ độc chì ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể, tùy theo mức độ. Nếu biểu hiện rõ thì về thần kinh có thể mệt mỏi, đau đầu, yếu cơ, liệt, trẻ em có chậm phát triển trí tuệ, dễ cáu gắt, quấy khóc, nặng hơn thì lơ mơ, hôn mê, co giật.

Đáng lo ngại nhất là chì làm ảnh hưởng xấu tới trí tuệ trẻ em, nồng độ chì trong máu càng tăng thì chỉ số IQ của trẻ càng giảm. Ở mức độ nặng hơn thì có thể bị liệt cơ, mềm nhũn chân tay, thiếu máu, co giật và hôn mê.

Ngộ độc chì có thể chữa được, nhưng kết quả chữa phụ thuộc vào mức độ ngộ độc, thời gian ngộ độc được phát hiện. Ngộ độc càng nhẹ, phát hiện sớm và điều trị giải độc càng sớm, càng tích cực thì bệnh nhân hồi phục tốt. Nếu phát hiện muộn, bệnh nặng, đặc biệt nhiễm độc chì ở trẻ nhỏ khi đã có các biểu hiện thần kinh, trí tuệ giảm thì hồi phục sẽ kém hơn.

Cách phát hiện sớm trẻ bị ngộ độc chì- Ảnh 3.

Để phòng chống ngộ độc chì, các bậc cha mẹ không nên cho con uống thuốc không rõ nguồn gốc. Ảnh minh hoạ.

Lời khuyên thầy thuốc

Để phòng chống ngộ độc chì, khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên cho con uống thuốc không rõ nguồn gốc từ các thầy lang. Nếu muốn thì nên tìm đến các hiệu thuốc có đăng ký rõ ràng hoặc sử dụng những bài thuốc được cấp phép.

Đặc biệt, gia đình không nên tự ý mua và sử dụng các loại thuốc cam không có nguồn gốc để cho trẻ uống, bôi. Gia đình cũng cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ như: Rửa tay, cắt móng tay, không để trẻ đưa tay và mọi vật lên miệng. Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế để trẻ nhỏ tiếp xúc với đồ chơi không rõ nguồn gốc, vì điều này có thể sẽ khiến trẻ bị nhiễm kim loại nặng và chì.

Không nên sử dụng các vật dụng liên quan đến chì như ắc quy chì thải loại, sơn có chì, đồ chơi có chứa chì. Khi chọn sơn nhà, người tiêu dùng cần tìm hiểu mua những loại sơn không chứa chì.

Bên cạnh đó, các hoạt động liên quan đến chì cần phải được thực hiện ở khu công nghiệp riêng biệt. Nếu cha mẹ làm việc trong môi trường có chì, trước khi tiếp xúc với trẻ phải tắm, gội, thay quần áo sạch để tránh lây nhiễm chì cho trẻ.

BS Nguyễn Văn Dũng
Ý kiến của bạn