Cách phát hiện sớm tăng động giảm chú ý ở trẻ

23-10-2019 17:27 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Theo thống kê, mỗi ngày Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 10 - 14 cháu tới khám chứng tăng động, giảm chú ý (TĐGCY).

Tỷ lệ trẻ tới thăm khám, điều trị ngày càng tăng. Điều đáng nói là hiện có nhiều quan niệm sai lầm về rối loạn này, trong đó có việc nhầm tưởng TĐGCY với chứng tự kỷ.

TĐGCY là một trong những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em, biểu hiện bằng những hành vi hiếu động quá mức và giảm khả năng tập trung. Nếu trẻ không được điều trị tốt thì việc hình thành tính cách, hành vi, tâm lý trong tương lai cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu.

Những biểu hiện ở trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý

Tăng hoạt động: Trẻ có các biểu hiện hay bồn chồn, luôn cử động chân tay, ngồi không yên. Thường xuyên chạy nhảy, leo trèo hoặc rời bỏ chỗ ngồi ở nơi cần ngồi yên. Trả lời bột phát khi chưa nghe hết câu hỏi. Khó khăn khi phải chờ đợi hoặc phải xếp hàng chờ theo thứ tự.

Giảm chú ý: Trẻ dễ mất tập trung do tác động bên ngoài. Không cẩn thận, không chú ý tỉ mỉ, hay gây sai sót. Ít tuân theo sự hướng dẫn, hay làm mất đồ dùng, đồ chơi. Thường hay bỏ dở việc này để làm sang việc khác. Trẻ không duy trì chú ý được lâu so với trẻ bình thường cùng tuổi.

Nếu các biểu hiện kéo dài trên 6 tháng và xuất hiện trước 7 tuổi, cản trở học tập, sinh hoạt, công việc và quan hệ của trẻ ở gia đình, trường học, trẻ có thể bị rối loạn tăng hoạt động giảm chú ý.

Một điều đáng lưu ý, tình trạng trẻ bị rối loạn TĐGCY mà bố mẹ lại nhầm tưởng con hiếu động là thường xuyên xảy ra. Bởi cùng một biểu hiện nhưng về bản chất hai hiện tượng này lại hoàn toàn khác nhau. Trẻ hiếu động chứng tỏ khỏe mạnh về thể chất và phát triển các kỹ năng vận động tốt. Trẻ tăng động thì chỉ hành động theo ý thích cá nhân, không quan tâm đến môi trường xung quanh, tiếp thu lệch lạc và có hiện tượng khó diễn đạt về ngôn ngữ. Nếu các phụ huynh không thực sự chú ý quan tâm sát sao đến trẻ thì khó phát hiện là điều dễ hiểu.

Can thiệp tâm lý cho trẻ ở Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP. HCM.

Can thiệp tâm lý cho trẻ ở Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP. HCM.

Nguyên nhân do đâu?

Có nhiều nguyên nhân và cơ chế gây nên rối loạn TĐGCY ở trẻ, như: di truyền, biến đổi chất dẫn truyền thần kinh, thay đổi cấu trúc của não, yếu tố tổn thương não, thai sản, vai trò của môi trường sống, bệnh lý khi mang thai, tổn thương não khi sinh, bệnh lý sau sinh... Chẳng hạn, việc trẻ xem quá nhiều tivi, điện thoại cũng có thể là yếu tố làm tăng nặng triệu chứng tự kỷ hay rối loạn TĐGCY. So với trẻ bình thường, những trẻ này có nguy cơ cao mắc các rối loạn tâm thần khác, tăng nguy cơ sử dụng chất gây nghiện, hành vi phạm tội, bị tai nạn...

Trẻ bị rối loạn TĐGCY đối diện với nhiều vấn đề trong quá trình phát triển tâm sinh lý, học tập, giao tiếp, phát triển cảm xúc cũng như các kỹ năng xã hội. Nếu được can thiệp sớm, bệnh của trẻ sẽ có cơ hội cải thiện, có thể đi học, đi làm, sống độc lập và không trở thành gánh nặng cho xã hội.

Cần làm gì khi nghi ngờ trẻ bị tăng động giảm chú ý?

Khi nghi ngờ trẻ bị TĐGCY, nên cho trẻ đi khám bác sĩ tâm lý trẻ em để được đánh giá và tư vấn.

Trẻ có thể được làm các trắc nghiệm tâm lý về trí tuệ, cảm xúc, hành vi,... để xác định thêm. Những chuyên gia khác cùng giúp đỡ trẻ như hoạt động trị liệu, giáo dục đặc biệt. Vai trò của gia đình rất quan trọng trong việc tạo môi trường, giáo dục trẻ, tìm sự trợ giúp, chia sẻ.

Các phương pháp giúp đỡ trẻ một cách tốt nhất

Tăng tập trung chú ý bằng cách tạo môi trường yên tĩnh khi trẻ học tập. Tạo cho trẻ chú ý nghe nhìn khi bạn nói. Nói rõ ràng yêu cầu của bạn với trẻ. Bảo trẻ nhắc lại những gì mà bạn muốn. Tránh quá nhiều việc, nhiều thứ cùng lúc làm trẻ mất tập trung. Nên cho trẻ chơi trò chơi tĩnh, đòi hỏi phải tư duy.

Tạo điều kiện cho trẻ hoàn thành tốt công việc, học tập bằng cách lập thời gian biểu và nhắc nhở trẻ thực hiện. Cho trẻ tham gia thể dục, thể thao vừa sức. Tránh chơi game, không chơi trò chơi bạo lực. Không nên kéo dài quá lâu một công việc. Chấp nhận một số hạn chế của trẻ, tránh chế giễu trẻ. Luôn nhắc trẻ luật lệ, nội quy trước khi đến nơi công cộng. Thái độ luôn kiên trì, nhẹ nhàng nhưng dứt khoát. Phải liên hệ với giáo viên, nên cho trẻ ngồi ở bàn đầu để giáo viên giúp đỡ.

Cha mẹ khuyến khích trẻ tham gia các sinh hoạt nhóm, đoàn thể. Phát huy những khả năng của trẻ (thể thao, văn nghệ,...). Cần có sự kết hợp giữa trẻ - gia đình - giáo dục.

Liệu pháp hành vi bằng cách hướng dẫn, gợi ý trẻ nhận biết tình huống, sự kiện làm trẻ có vấn đề, từ đó tạo môi trường tốt. Giải thích cho trẻ hiểu những việc cần phải làm. Hướng dẫn, nhắc nhở và kiểm tra trẻ trong học tập, công việc. Thường xuyên khuyến khích hành vi tốt của trẻ bằng lời nhẹ nhàng và khen thưởng động viên kịp thời.

Khi trẻ mắc lỗi, cần kiên trì nhắc nhở, giải thích kiểm soát hành vi. Nếu không sửa lỗi có thể phạt bằng hình thức phù hợp như thời gian tách biệt, trả giá hành vi,... có giải thích lý do. Tránh đánh mắng trẻ.


ThS. Đào Thị Thủy
Ý kiến của bạn