Liệt mặt là một căn bệnh về thần kinh ngoại biên thường gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, không lây truyền từ người này sang người khác. Theo ước tính, cứ khoảng 100.000 người thì có 20 – 25 trường hợp bị mắc bệnh liệt mặt trên thế giới. Trong đó, phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc cao hơn, với tỷ lệ 43 trường hợp/100.000 người.
Các nguyên nhân gây liệt mặt gồm:
- Liệt mặt ngoại biên - liệt mặt do lạnh
Theo Viện Quốc gia về Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ, lạnh là nguyên nhân phổ biến nhất gây liệt mặt. Mỗi năm, có khoảng 40.000 người Mỹ bị liệt mặt đột ngột do bệnh liệt liệt mặt do lạnh. Người ta cũng chưa tìm hiểu được tại sao lại bị liệt mặt do lạnh, nhiều bác sĩ cho rằng có thể liên quan đến tình trạng nhiễm virus ở dây thần kinh mặt. Hầu hết những người bị liệt mặt do lạnh đều hồi phục hoàn toàn trong khoảng 1 tuần đến 6 tháng.
Các biểu hiện liệt mặt do lạnh là tình trạng liệt mặt một bên (hiếm khi bị cả hai bên mặt) gồm: Mất cảm giác da bên liệt, giảm tiết nước mắt, miệng bị kéo lệch về bên lành, giảm vị giác, nói lắp, chảy nước dãi, đau trong hoặc sau tai, đau nhói bên tai bị liệt mặt khi có âm thanh to, khó ăn uống...
- Viêm tai giữa gây liệt mặt
Nếu viêm tai giữa không được điều trị hoặc điều trị muộn cũng có thể gây liệt mặt. Bệnh nhân có biểu hiện viêm tai giữa cấp hoặc viêm tai giữa mạn tính nguy hiểm có thể xuất hiện liệt mặt ngoại biên - với viêm tai giữa mạn tính thì biểu hiện liệt mặt ngoại biên là một trong những dấu hiệu cảnh báo loại viêm tai nguy hiểm, cần có sự can thiệp của thầy thuốc chuyên khoa.
- Đột quỵ - liệt mặt trung ương
Một nguyên nhân nghiêm trọng hơn gây ra liệt mặt là đột quỵ. Liệt mặt xảy ra trong một cơn đột quỵ khi các dây thần kinh điều khiển các cơ ở mặt bị tổn thương tại não. Tùy thuộc vào loại đột quỵ, tổn thương các tế bào thần kinh là do thiếu ô xy hoặc phù nề chèn ép lên các tế bào do chảy máu não. Các tế bào não có thể bị chết trong vòng vài phút.
Liệt mặt do đột quỵ cảm nhận như liệt mặt do lạnh, kèm theo các biểu hiện như: Thay đổi mức độ nhận thức, tinh thần căng thẳng, chóng mặt, mất đồng bộ các động tác, co giật, thị lực thay đổi hoặc bị liệt hoàn toàn hoặc không hoàn toàn các bộ phận của cơ thể như tay chân…
Nếu đột quỵ gây tổn thương ở vùng dây thần kinh mặt trung ương thì vẫn mở được mắt và vùng mặt trên vẫn vận động bình thường, biểu hiện liệt ½ dưới mặt.
Vì đôi khi khó phân biệt giữa đột quỵ và các nguyên nhân khác gây ra liệt mặt, nên nhanh chóng đưa người thân đến bác sĩ nếu nhận thấy bị liệt mặt.
Có nhiều nguyên nhân khác cũng có thể gây liệt mặt, trong đó thường gặp là do chấn thương mặt, chấn thương xương thái dương đoạn có dây thần kinh mặt.
- Hội chứng Ramsay - Hunt, do một loại virus ảnh hưởng đến dây thần kinh mặt, với những biểu hiện như: Đau tai, cổ bên liệt mặt, ù tai, sức nghe giảm cùng bên, chóng mặt, rối loạn giọng…
- Các khối u vùng sọ não gây tổn thương thần kinh VII.
- Các bệnh tự miễn dịch như bệnh đa xơ cứng, ảnh hưởng đến não và tủy sống, và hội chứng Guillain-Barré, ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
- Việc sinh nở có thể gây liệt mặt tạm thời ở một số trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, 90% trẻ sơ sinh bị loại thương tích này sẽ hồi phục hoàn toàn mà không cần điều trị.
- Một số hội chứng bẩm sinh gây liệt mặt, chẳng hạn như hội chứng Mobius và hội chứng Melkersson -Rosenthal.
Tóm lại: Liệt mặt có thể xảy ra đột ngột hoặc từ từ trong khoảng thời gian hàng tháng (trường hợp có khối u). Tùy thuộc vào nguyên nhân, tình trạng tê liệt có thể kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn hoặc kéo dài vĩnh viễn. Liệt mặt có thể là do những nguyên nhân trung ương (vùng não) hoặc ngoại biên (dây thần kinh khi thoát ra ngoài sự kiểm soát của não).
Vì vậy, khi có biểu hiện liệt mặt như: Có cảm giác tê bì vùng mặt (thường một bên) kèm theo khó nhai. Khi uống nước, nước sẽ tự động chảy ra ngoài phía miệng bên mặt liệt. Khi soi gương sẽ thấy mặt của bản thân mình mất cân đối… cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được điều trị theo mách bảo, điều trị tại nhà tránh nguy hại đến tính mạng.