Trong sự phát triển của trẻ, ngôn ngữ được hình thành trên cơ sở các nhân tố di truyền bên trong như phức hợp các phản xạ có điều kiện do tác động của các yếu tố từ môi trường bên ngoài, trước hết là các kích thích vào trung tâm nghe. Sự phát triển của ngôn ngữ phụ thuộc chặt chẽ với sự hoàn chỉnh của hoạt động thần kinh. Cơ sở để ngôn ngữ phát triển là không bị hư hỏng các điều kiện sinh lý của sự phát sinh ra các phản xạ phức tạp: đó là sự nghe - đường vào chính của ngôn ngữ, hệ thống thần kinh trung ương và các trung tâm vận động, cảm thụ của ngôn ngữ được hình thành trong quá trình phát triển của vỏ não, cuối cùng là bộ máy phát âm, cơ quan thực hiện ngôn ngữ.
Cấy ghép ốc tai.
Nếu bất kỳ nhân tố nào tham gia vào quá trình hình thành ngôn ngữ bị tổn thương đều gây ra các rối loạn về phát triển ngôn ngữ của trẻ.
Nếu trẻ phát triển ngôn ngữ bình thường, trẻ tự phát âm được một vài từ khi 12-15 tháng và đến 2 tuổi đã nói được một số câu ngắn, giản đơn như “con đói rồi”, “bố đã về”, “anh chơi với em nhé!”... Nếu đến 2 tuổi mà ngôn ngữ không phát triển một cách tự phát thì phải đưa trẻ đi khám chuyên khoa để phát hiện và có hướng khắc phục cho trẻ sớm.
Chậm ngôn ngữ giản đơn: Là những trẻ ngoài 2 tuổi mà vẫn chưa nói được, khi khám không phát hiện được bất cứ nguyên nhân tổn thương của các cơ quan phát âm cũng như về tinh thần. Trẻ hiểu ngôn ngữ nhiều hơn nói được ngôn ngữ. Những trẻ này nếu được can thiệp tập nói sớm của các chuyên gia huấn luyện giọng thì đa số sẽ đuổi kịp như các bạn cùng lứa tuổi khác.
Không nói được do không nghe được
Việc không nghe được kìm hãm nghiêm trọng sự phát triển ngôn ngữ nói và hiểu của trẻ. Nếu điếc hoàn toàn trẻ sẽ không bắt chước được ngôn ngữ của những người xung quanh nên bị câm. Những trẻ này không tự nói được mà phải được dạy nói thông qua thị giác và xúc giác hoặc được cấy một bộ phận nghe nhận ở tai trong gọi là “điện cực ốc tai”. Một số trẻ chỉ nghễnh ngãng có thể vẫn học được ngôn ngữ bằng con đường nghe nhưng phát âm không hoàn thiện.
Không nói được do mất nhận thức về âm thanh
Bệnh này gây ra do tổn thương trung tâm nghe ở não làm cho trẻ mất khả năng phân biệt ý nghĩa của các âm thanh nghe được.
Với những trẻ này phải rất kiên trì dạy trẻ ý nghĩa của từng âm thanh nghe được một cách có hệ thống, tuy nhiên kết quả không cao.
Không nói được do thiểu năng về tinh thần, không nói được do hỏng các vùng ngôn ngữ ở vỏ não…
Tuỳ theo mức độ trì độn về tinh thần mà ngôn ngữ trẻ phát triển khác nhau.
Không nói được do dị tật ở bộ máy phát âm
Như xẻ hàm ếch, lưỡi dầy...thường chỉ gây ra không hoặc khó phát âm một số phụ âm nhất định mà không ảnh hưởng tới phát triển ngôn ngữ.
Không nói được do thiếu chăm sóc về ngôn ngữ
Phát sinh trong hoàn cảnh không được chăm sóc về ngôn ngữ trong giai đoạn ngôn ngữ đang hình thành: bố mẹ dị tật về ngôn ngữ, thay đổi môi trường ngôn ngữ khác hay phải học đồng thời hai ngôn ngữ.
Ngoài ra không nói được do thể lực quá yếu.
Do đẻ ra ít cân vì thiếu tháng hoặc suy dinh dưỡng nặng do các bệnh đường tiêu hoá.
Trường hợp này điều trị ngôn ngữ cần phối hợp với các chuyên gia dinh dưỡng.