Cách phân loại, thu gom và chuyển giao chất thải y tế đúng quy định

10-08-2024 09:30 | Xã hội

SKĐS - Sau khi đã phân loại, thu gom chất thải y tế thì cơ sở y tế có thể tiến hành xử lý. Trong trường hợp không tự xử lý được có thể chuyển giao lượng chất thải đó cho 1 đơn vị khác.

Những lưu ý khi lưu giữ và xử lý chất thải y tếNhững lưu ý khi lưu giữ và xử lý chất thải y tế

SKĐS - Xử lý chất thải y tế là một quá trình phức tạp và cần được thực hiện bài bản. Việc xử lý chất thải y tế hiệu quả và an toàn sẽ giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Theo Thông tư 20/2021/TT-BYT quy định, việc phân loại chất thải y tế phải được thực hiện ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh để quản lý. Từng loại chất thải y tế phải phân loại riêng vào trong bao bì, dụng cụ thiết bị lưu chứa chất thải theo quy định. Trường hợp các chất thải y tế nguy hại không có khả năng phản ứng, tương tác với nhau và áp dụng cùng một phương pháp xử lý có thể được phân loại chung vào cùng một bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa (trừ chất thải lây nhiễm sắc nhọn).

Trong trường hợp chất thải lây nhiễm để lẫn với chất thải khác thì hỗn hợp chất thải đó phải thu gom, lưu giữ và xử lý như chất thải lây nhiễm và tiếp tục thực hiện quản lý theo tính chất của chất thải sau xử lý.

Sau khi đã phân loại vào bao bì, dụng cụ thiết bị lưu trữ thì phải đặt chúng tại khoa, phòng, bộ phận: bố trí vị trí phù hợp, an toàn để đặt bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa để phân loại chất thải y tế. Tại những vị trí để chất thải y tế phải có hướng dẫn cách phân loại và thu gom chất thải.

Trong quá trình phân loại, cần xác định được đâu là chất thải lây nhiễm, chất thải nguy hại không lây nhiễm và chất thải rắn thông thường.

Cách phân loại, thu gom và chuyển giao chất thải y tế đúng quy định- Ảnh 2.

Ghép kín quy trình phân loại, thu gom, lưu giữ và chuyển giao chất thải y tế để việc xử lý đạt hiệu quả cao nhất.

Theo đó, chất thải lây nhiễm là vật sắc nhọn thì bỏ vào trong thùng hoặc hộp kháng thủng và có màu vàng (nếu là vật không sắc nhọn hoặc là loại chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao thì bỏ vào thùng có lót túi và có màu vàng. Nếu là chất thải giải phẫu thì phải bỏ vào trong 2 lần túi hoặc trong thùng có lót túi và có màu vàng. Riêng chất thải lây nhiễm dạng lỏng: chứa trong túi kín hoặc dụng cụ lưu chứa chất lỏng và có nắp đậy kín.

Đối với chất thải y tế nguy hại không lây nhiễm phải được phân loại theo mã chất thải để lưu giữ trong các bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa phù hợp. Được sử dụng chung bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa đối với các chất thải nguy hại có cùng tính chất, không có khả năng gây phản ứng, tương tác lẫn nhau và có khả năng xử lý bằng cùng một phương pháp.

Nếu là chất thải nguy hại không lây nhiễm dạng rắn thì có thể đựng trong túi hoặc thùng có lót túi và có màu đen. Còn nếu là chất thải dạng lỏng thì phải chứa trong dụng cụ lưu chứa chất lỏng có nắp đậy kín, có mã, tên loại chất thải lưu chứa.

Ngoài ra còn có chất thải y tế rắn thông thường và chất thải lỏng không nguy hại. Trong trường hợp chất thải rắn thông thường không sử dụng để tái chế thì đựng trong túi hoặc thùng hoặc thùng có lót túi và có màu xanh. Trường hợp là chất thải rắn thông thường sử dụng để tái chế thì đựng trong túi hoặc thùng hoặc thùng có lót túi và có màu trắng.

Cuối cùng là chất thải lỏng không nguy hại sẽ chứa trong dụng cụ đựng chất thải lỏng có nắp đậy kín, có tên loại chất thải lưu chứa.

Cách phân loại, thu gom và chuyển giao chất thải y tế đúng quy định- Ảnh 3.

Đối với chất thải nguy hại không lây nhiễm, chất thải rắn, chất thải lỏng và nước thải thì sẽ thu gom theo quy định, đảm bảo chất thải không bị rò rỉ, phát tán ra môi trường.

Sau khi đã được phân loại, các cơ sở y tế sẽ tiến hành thu gom chất thải y tế. Theo đó, đối với chất thải y tế lây nhiễm thì cơ sở y tế quy định luồng đi và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế. Chất thải lây nhiễm phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải tạm thời trong cơ sở y tế.

Trước khi thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín miệng, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín và dụng cụ thu gom chất thải phải bảo đảm kín, không rò rỉ dịch thải trong quá trình thu gom.

Đặc biệt lưu ý, chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải xử lý sơ bộ ở gần nơi phát sinh chất thải để loại bỏ mầm bệnh bằng thiết bị khử khuẩn. Đối với cơ sở y tế không có thiết bị khử khuẩn chất thải, trước khi thu gom túi đựng chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải buộc kín miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2, buộc kín miệng túi và bỏ vào thùng thu gom chất thải lây nhiễm, bên ngoài thùng có dán nhãn "Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao", được thu gom, lưu giữ riêng tại khu lưu giữ chất thải lây nhiễm để xử lý hoặc chuyển cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định.

Theo quy định tại Thông tư 20/2021/TT-BYT thì tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế tối thiểu một lần một ngày. Đối với các cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg trong một ngày, chất thải lây nhiễm được thu gom với tần suất tối thiểu một lần một ngày, chất thải lây nhiễm sắc nhọn được thu gom tối thiểu là một lần một tháng.

Trong trường hợp cơ sở y tế không tự xử lý chất thải y tế thì có thể chuyển giao chất thải nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt 1 số quy định.

Theo đó, chất thải y tế nguy hại phải được chuyển giao cho đơn vị có giấy phép phù hợp theo quy định của pháp luật, số lượng chất thải sau mỗi lần chuyển giao phải được ghi đầy đủ trong sổ giao nhận chất thải và sử dụng chứng từ chất thải nguy hại theo quy định. Đối với chất thải rắn thông thường được chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để vận chuyển, xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Yêu cầu đối với đơn vị nhận chuyển giao chất thải y tế phải thực hiện vận chuyển theo quy định, không làm thất thoát chất thải y tế ra bên ngoài. Chất thải y tế phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt; việc bàn giao chất thải y tế để xử lý theo mô hình cụm phải được ghi vào sổ giao nhận chất thải y tế nguy hại theo mẫu quy định.

Xem thêm video được quan tâm:

Xuất hiện 3 ổ dịch bệnh dại ở Sóc Sơn khiến 10 người bị phơi nhiễm.


Thành Long
Ý kiến của bạn
Tags: