Hà Nội

Cách phân biệt thực phẩm chức năng thật, giả

27-04-2018 08:08 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Vấn nạn thuốc và thực phẩm chức năng (TPCN) giả không phải là vấn đề mới, nó đã tốn bao giấy mực của truyền thông.

Cùng với việc sính dùng TPCN của người dân và những món lợi kếch xù từ sản phẩm này, hàng loạt TPCN giả vẫn xuất hiện. Mới đây, dư luận không khỏi rúng động về vụ TPCN hỗ trợ trị ung thư giả làm bằng than tre. Đáng ngại hơn là khi sử dụng TPCN giả, người tiêu dùng sẽ gặp nhiều nguy hại sức khỏe.

Muôn mặt TPCN giả

Ở nước ta, vài năm gần đây, nhu cầu sử dụng TPCN của người dân rất lớn. Thị trường TPCN của nước ta hiện nay có hơn 20.000 sản phẩm, kể cả nhập khẩu, trong đó 60% là sản xuất trong nước. Thị trường TPCN có vô vàn mặt hàng, phục vụ nhu cầu cho mọi lứa tuổi. Từ vitamin đến các sản phẩm hỗ trợ trị bệnh xương khớp, đau dạ dày, gan mật, ung thư… Trong số các sản phẩm TPCN vi phạm có rất nhiều loại sản xuất trong nước. Vi phạm về chất lượng thường gặp là hàm lượng không đúng như công bố, không đạt về điều kiện độ ẩm, nhiễm vi sinh, nhất là các thực phẩm chức năng có nguồn gốc dược liệu, trong điều kiện khí hậu nóng ẩm như Việt Nam bảo quản không tốt rất dễ phát triển nấm mốc... Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều TPCN gắn mác ngoại nhưng thực chất là được sản xuất trong nước hoặc là hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng được “mông má”, “phù phép” thành hàng nhập khẩu “xịn”. Nhiều loại thực phẩm chức năng nổi tiếng, quen thuộc trên thị trường... được gắn mác, dán tem Mỹ, Đức, Anh… nhưng thực chất lại không phải vậy.

Bệnh ung thư vốn là căn bệnh hiểm nghèo, bởi thế, những phương thuốc hiện đại, đắt tiền thường được coi như những cơ hội cuối cùng của người bệnh. Đáng tiếc, vẫn có những gian thương lợi dụng tình trạng sức khỏe của người bệnh để kinh doanh TPCN hỗ trợ trị ung thư giả nhằm trục lợi bất chính. Vụ việc TPCN hỗ trợ trị ung thư từ than tre là một điển hình. Đây không phải là lần đầu tiên thuốc và TPCN trị ung thư bị làm giả. Trước đó, trung tuần tháng 10/2017, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng trăm vỏ hộp cùng các loại thuốc điều trị ung thư, TPCN hỗ trợ điều trị ung thư dán nhãn Vidatox - một thương hiệu nổi tiếng của Cuba, được chiết xuất từ nọc độc bọ cạp xanh, có tác dụng giảm đau, phục hồi sức khỏe cho các bệnh nhân ung thư, được rao bán rầm rộ trên mạng với giá từ 3 - 5 triệu đồng/hộp. Tuy nhiên, toàn bộ lô hàng này đều là hàng giả, kiểm nghiệm và xác định hoàn toàn không có thành phần điều trị ung thư như quảng cáo, thậm chí có cả thuốc vidatox 30CH - một loại thuốc chưa hề được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam.

So sánh TPCN Vidatox thật và giả.

So sánh TPCN Vidatox thật và giả.

Nguy hại do sử dụng TPCN giả

TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng cho các cơ quan trong cơ thể, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ gây bệnh. Tuy nhiên, nếu hiểu biết không đúng đắn thì việc sử dụng TPCN sẽ phản tác dụng và gây hại.

Khi dùng phải TPCN giả sẽ không thể phát huy tác dụng và khiến người bệnh mất đi cơ hội chữa bệnh. Sử dụng TPCN giả, người dùng sẽ bị tổn thương các chức năng về gan, thận, thần kinh. Đó còn chưa kể chất gây hại trong TPCN giả sau quá trình tích lũy lâu ngày sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, khiến các tế bào trong cơ thể bị biến đổi và làm suy giảm chức năng của nhiều cơ quan nội tạng. Nhẹ thì bị dị ứng, ngộ độc…, nặng hơn là ung thư và thậm chí tử vong.

Những hiểu biết không đúng đắn có thể khiến người dùng TPCN bỏ quên bữa ăn thông thường, lấy TPCN thay thế cho nguồn dinh dưỡng từ những thực phẩm tự nhiên. Nghĩa là dẫn từ chế độ ăn chưa hợp lý một cách vô tình đến chế độ ăn mất cân đối một cách chủ ý.

Sự nguy hại còn lớn hơn nếu người tiêu dùng lấy TPCN thay thế thuốc chữa bệnh. Sự ngộ nhận này có nguyên nhân từ những quảng cáo thổi phồng quá mức và những TPCN được sản xuất, đóng gói tương tự như các dược phẩm. Mặc dù Bộ Y tế đã cấm kê toa và cấm quảng cáo sử dụng TPCN thay thuốc điều trị nhưng việc loại trừ hết những sai sót này còn nhiều khó khăn.

Mặt khác, nếu hiểu TPCN là vô hại rồi dùng quá nhiều, dùng kéo dài liên tục nhiều tháng, nhiều năm thì ngoài việc tốn kém tiền bạc còn phải hứng chịu tác hại không nhỏ, làm rối loạn quá trình đồng hoá trao đổi chất trong cơ thể do liên tục phải tiếp nhận dư thừa nhiều loại chất bổ và chất dinh dưỡng. Năng lượng dư thừa được kết hợp với các chất dư thừa khác để dự trữ trong cơ thể làm mỡ máu tăng cao và mô mỡ dự trữ cũng phì đại, đường huyết tăng và các sản phẩm oxy hoá cũng tăng theo, gây tác hại đến nhiều cơ quan bộ phận, đẩy nhanh quá trình lão hoá của cơ thể. Do vậy, người dân không nên sử dụng TPCN một cách bừa bãi, thiếu khoa học và cùng lúc, chỉ nên sử dụng tối đa 3 loại TPCN.

Cách nhận biết TPCN giả

Trước tiên, cần quan sát bao bì sản phẩm. Trên sản phẩm bắt buộc phải có thông tin nhà sản xuất một cách cụ thể, sản phẩm được sản xuất ở số bao nhiêu, đường nào, quận nào… Đặc biệt, tránh mua những sản phẩm chỉ ghi mỗi nước sản xuất mà không ghi địa chỉ, ví dụ chỉ ghi là “Made in...” thì cần cân nhắc và tra cứu trước khi mua. Do đó, người tiêu dùng nên lựa chọn, sử dụng TPCN có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Hơn nữa, cần quan sát về màu sắc của sản phẩm. Sản phẩm làm nhái thường có màu sắc nhạt hơn, chất liệu cùng nhãn mác cũng không được đảm bảo, mỏng, rất dễ bong, chi tiết trên sản phẩm in không sắc nét do tiết kiệm chi phí, thậm chí có nhiều sản phẩm sai lỗi chính tả, ghi linh tinh về cách dùng, liều lượng.

Kiểm tra trên web nước ngoài: Các sản phẩm TPCN nhập ngoại chính hãng đều được đăng tải thông tin đầy đủ trên website, rất dễ để người tiêu dùng vào trang web tra cứu thông tin và quét mã vạch.


DS. VŨ VĂN THẮNG
Ý kiến của bạn