Sốt xuất huyết hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Do đó, các bậc cha mẹ cần đưa nhận biết và đưa trẻ bị sốt xuất huyết tới các cơ sở y tế để khám, chẩn đoán bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Các dấu hiệu và triệu chứng của sốt xuất huyết có thể bị nhầm lẫn với sốt rét, thương hàn, phát ban… Vì thế, nếu nghi ngờ bị bệnh nhưng không biết sốt xuất huyết là gì, dấu hiệu ra sao, tốt nhất người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín thăm khám, làm xét nghiệm để được chẩn đoán đúng bệnh và có hướng điều trị đúng.
1. Nhận biết sốt xuất huyết ở trẻ em
Bệnh nhi thường khởi phát bệnh với sốt cao đột ngột, trước đó trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, thời gian sốt từ 2 - 7 ngày, kèm theo biểu hiện: Đỏ phừng mặt, da xung huyết, đau nhức cơ, đau khớp, đau đầu. Trong 1 số trường hợp kèm đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Ở trẻ nhũ nhi có thế kèm triệu chứng ho, sổ mũi hoặc tiêu chảy.
Vào thời điểm này, những triệu chứng bệnh thường không đặc hiệu, không thể phân biệt với các loại virus khác. Tuy nhiên, có những đặc điểm khi theo dõi thì có thể phân biệt với các bệnh sốt khác.
2. Phân biệt sốt rét và sốt xuất huyết
Dù ban đầu, những triệu chứng của sốt rét và sốt xuất huyết đều là là sốt cao, rét run nhưng chúng vẫn có sự khác nhau:
- Thời gian ủ bệnh, thời gian xuất hiện triệu chứng của sốt rét và sốt xuất huyết là khác nhau:
- Với bệnh sốt xuất huyết: Các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện sau khoảng 4 - 5 ngày kể từ khi bị muỗi đốt. Từ lúc phát hiện bệnh với những cơn sốt đầu tiên, khoảng 7 - 10 ngày sau các triệu chứng sẽ giảm dần.
- Với bệnh sốt rét: Khác với sốt xuất huyết, những triệu chứng của sốt rét sẽ xuất hiện sau 10 - 15 ngày kể từ khi bị muỗi đốt.
- Đặc điểm phân biệt tiếp là sốt và dấu hiệu xuất huyết dưới da:
- Đối với sốt xuất huyết: Khởi phát của sốt xuất huyết là những cơn sốt đột ngột kéo dài suốt 3 - 4 ngày, người bệnh có thể sốt từ 39 đến hơn 40 độ C. Cùng với đó là cơn đau đầu và đau nhức xương kéo dài. Sau đó có thể xuất hiện các nốt xuất huyết dưới da.
- Khác với sốt xuất huyết, người bị sốt rét sẽ có thời gian sốt ngắn hơn, nhưng nhiều triệu chứng hơn như đau xương khớp, đổ mồ hôi, thiếu máu, nôn… Sau đó sốt rét sẽ trở lại với những cơn sốt điển hình lần lượt qua 3 giai đoạn: Giai đoạn rét run, giai đoạn sốt nóng, giai đoạn vã mồ hôi.
Thông thường những cơn sốt sẽ xuất hiện từng đợt kéo dài 6 - 10 tiếng. Những cơn rét run thì từ 15 phút tới 1 tiếng (giai đoạn cường giao cảm). Khi nhiệt độ tăng đến 39 - 40 độ C thì cơn rét khoảng 30 phút đến vài giờ đồng hồ rồi giảm dần, cơ thể vã mồ hôi. Ngoài ra, còn có thể vàng da nhẹ.
3. Phân biệt sốt xuất huyết và sốt virus
Sốt xuất huyết hay sốt virus đều là những vấn đề sức khỏe phát sinh do virus xâm nhập vào cơ thể, triệu chứng thường thấy nhất là sốt cao đột ngột và các triệu chứng khác tương tự nhau, nên các triệu chứng bệnh rất dễ bị nhầm lẫn. Việc phân biệt sốt virus và sốt xuất huyết là quan trọng để tránh biến chứng cũng như việc chăm sóc được đúng cách.
Để phân biệt sốt virus và sốt xuất huyết ở giai đoạn sớm phải dựa vào xét nghiệm cận lâm sàng: test Dengue (+), công thức máu.
Còn ở giai đoạn toàn phát thì sốt xuất huyết bắt đầu xuất hiện xuất huyết dưới nhiều hình thức, còn sốt virus không có triệu chứng xuất huyết. Cách phân biệt giữa phát ban trong sốt virus và xuất huyết dưới da trong sốt xuất huyết là nếu phát ban khi ta căng da nốt phát ban sẽ biến mất, còn nếu là nốt xuất huyết sẽ không mất.
Bệnh sốt xuất huyết và sốt virus có biểu hiện ở giai đoạn đầu khá giống nhau, tuy nhiên vẫn có thể phân biệt được bằng các xét nghiệm cận lâm sàng. Việc phân biệt giữa sốt xuất huyết và sốt virus là cần thiết để định hướng và theo dõi kịp thời các biến chứng của sốt xuất huyết gây ra.
4. Phân biệt sốt xuất huyết với sốt thông thường khác
Bệnh sốt xuất huyết thường sẽ diễn biến 2 - 3 ngày đầu người bệnh sẽ sốt cao liên tục, khó hạ sốt, đau đầu, đau mỏi người... Lúc này triệu chứng sốt xuất huyết Dengue giống như các sốt do virus khác và chỉ phân biệt được bằng xét nghiệm.
Ngoài ra, mức độ sốt cao hay thấp tùy thuộc vào phản ứng của cơ thể mạnh hay yếu, nhiệt độ vượt quá 37.5 độ C là bị sốt, do đó một số bệnh nhân sốt xuất huyết có thể chỉ sốt nhẹ nên không để ý. Từ cuối ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 người bệnh bắt đầu lui sốt nhưng có thể xuất hiện nổi mẩn đỏ xuất huyết ở các mức độ khác nhau.
Đối với các bệnh gây sốt thông thường khác, người bệnh cũng có thể sốt cao nhưng là sốt từng cơn, kèm các triệu chứng viêm ở đường hô hấp trên như: Ho, chảy nước mũi, đau họng, đau nhức toàn thân, có thể có hoặc không có phát ban...
Nếu có xuất hiện các nốt nổi mẩn đỏ sẽ biến mất nhanh sau khi thực hiện căng da. Còn sốt xuất huyết ban đỏ vẫn còn hoặc biến mất rất chậm.
Tóm lại: Sốt xuất huyết là bệnh xảy ra quanh năm, có khả năng lây lan mạnh vào tiết trời giao mùa, mùa mưa, có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đáng chú ý đó là sốt xuất huyết khi mới khởi phát có biểu hiện tương đối giống các bệnh sốt virus khác, nên nhiều phụ huynh dễ nhầm, chủ quan không đưa trẻ đến khám bệnh, tự điều trị tại nhà không đúng phác đồ có thể khiến bệnh diễn biến nặng lên. Điều này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Cách tốt nhất để phân biệt các loại sốt là đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu. Kết quả xét nghiệm công thức máu trong bệnh sốt xuất huyết Dengue sẽ thấy bạch cầu và tiểu cầu giảm, xét nghiệm kháng nguyên test Dengue (+) dương tính.
Điều đáng lưu ý nhất là với sốt phát ban hoặc sốt do virus thông thường, khi lui sốt nghĩa là bệnh đã khỏi dần. Tuy nhiên, với sốt xuất huyết Dengue thì khi lui sốt là bắt đầu bước vào giai đoạn biến chứng nguy hiểm, cần phải đến cơ sở y tế để khám, xét nghiệm theo dõi hàng ngày để phát hiện sớm những biến chứng và xử trí kịp thời. Chính vì vậy, khi thấy trẻ sốt hãy đưa đến bệnh viện thăm khám không nên tự ý mua thuốc điều trị khiến bệnh của trẻ ngày càng nghiêm trọng.
Mời độc giả xem thêm video:
Mối nguy hại khi trẻ em xem tivi quá nhiều và cách khắc phục