Mỹ phẩm "mác chính hãng" giá chỉ bằng 1 nửa hàng thật
Trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ nhiều lô hàng mỹ phẩm giả với số lượng lớn; hàng chục nghìn sản phẩm mỹ phẩm giả bị thu giữ trên sàn TMĐT. Các vụ việc này được cơ quan chức năng công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, qua đó đưa ra cảnh báo, khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng khi mua mỹ phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội.
Có thể dễ dàng tìm thấy nhiều tài khoản cá nhân bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trên TikTok Shop và Facebook. Giá các sản phẩm này rẻ chỉ bằng một nửa so với hàng chính hãng, lại được quảng cáo là "hàng mới 100%", "dùng là đẹp da ngay".

Liên tục phát hiện các vụ mỹ phẩm giả thời gian gần đây.
Theo ông Trần Hữu Linh, Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công thương, hóa, mỹ phẩm là những mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm nhiều, nhất là đối với chị em phụ nữ. Đáng chú ý, đây là những mặt hàng có nguy cơ bị làm giả rất nhiều tại thị trường Việt Nam. Vài năm trở lại đây, nhất là từ khi thương mại điện tử phát triển, mạng xã hội trở thành kênh bán hàng online phổ biến, thì việc quảng cáo, bán những mặt hàng này rất sôi động.
Theo ông Trần Hữu Linh, hàng hóa vi phạm ngày càng được làm giả một cách rất tinh vi, khó phát hiện. Các sản phẩm vi phạm, giả trông không khác gì hàng thật. Do vậy, để tránh mua, sử dụng những sản phẩm vi phạm, người tiêu dùng nên đến các địa chỉ, cửa hàng uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt, phải thận trọng khi chọn mua hàng hóa qua các sàn, kênh thương mại điện tử.
Hiện nay, các đối tượng kinh doanh hàng vi phạm thường dùng hình ảnh của những người nổi tiếng để quảng cáo, giới thiệu qua các sàn thương mại điện tử hay các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok... từ đó, lấy lòng tin của người tiêu dùng để bán sản phẩm. Đối với các sản phẩm là thuốc, nên mua tại các cửa hàng, cửa hiệu đã được Bộ Y tế cấp phép, tránh mua trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội… Mỹ phẩm giả hiện nay được làm nhái rất tinh vi nên không chú ý kỹ bạn có thể sẽ mua nhầm hàng kém chất lượng.
Theo PGS.TS Phạm Văn Nho, nguyên giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, hầu hết các loại mỹ phẩm đều chứa một số loại hóa chất, dù với hàm lượng nhỏ cũng có thể gây hại cho những người bị dị ứng với chất đó. Ngoài ra, một sản phẩm mỹ phẩm có thể an toàn với người này nhưng chưa chắc an toàn với người khác. Thậm chí, một người dùng cùng một loại mỹ phẩm ở những thời điểm khác nhau vẫn có thể bị dị ứng, phản ứng, nổi mụn hay bỏng da do sức khỏe của cơ thể thay đổi, sức khỏe của làn da cũng thay đổi nên gây ra những phản ứng với các chất tiếp xúc tại từng thời điểm khác nhau.
Theo chuyên gia, ngay cả những người có cơ địa khỏe mạnh, khi tiếp xúc liên tục với những loại hóa chất lạ trong mỹ phẩm kém chất lượng đều bị tổn thương và mắc bệnh về da. Ngoài ra, những loại mỹ phẩm làm giả nhãn mác, thương hiệu được quảng cáo có tác dụng mạnh, hiệu quả cao thì đều có nồng độ hóa chất lớn, thậm chí có cả chì, thủy ngân... nên nguy cơ gây nhiễm độc, phá hủy da, làm khô da, sạm da đối với người sử dụng rất cao. Khi da bị những tổn thương do hóa chất gây ra thì việc điều trị sẽ kéo dài và rất khó khăn.
Một số cách phân biệt hoá, mỹ phẩm thật giả
Chuyên gia Cục Quản lý thị trường chỉ cách nhận biết mỹ phẩm thật và giả qua nhiều dấu hiệu như quan sát bên ngoài bao bì sản phẩm. Đối với các sản phẩm dầu gội thật thì các thông số về chất liệu bao bì, thành phần,... đều được in ấn rõ ràng trên bao bì, không nhòe và không có dấu hiệu bong tróc. Còn đối với hàng già thì tên thương hiệu, logo thì không rõ nét thường được in dưới dạng kiểu chữ khác hoặc thay đổi một số chữ trong thương hiệu.
Đặc biệt, nếu các nhãn hàng áp dụng cách in nổi, in bóng ở logo, tên hãng,... thì hàng giả hầu như không thể "bắt chước" giống như thế. Đây được xem là yếu tố quan trọng giúp bạn phân biệt được dầu gội thật giả nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Nếu nhìn thấy các vết xước trên bao bì, màu sắc cũ kỹ, nhòe màu, không thấy rõ ngày sản xuất, hạn dùng, thành phần, cách dùng,... thì rất có thể sản phẩm bạn đang cầm là một sản phẩm giả kém chất lượng.
Phân biệt qua tem chống giả là cách dễ dàng áp dụng nhất. Đây là tem mà bất cứ nhãn hàng nào cũng có và được dán trên phần nắp hoặc thân chai. Bạn cần kiểm tra để đảm bảo tem chống giả còn nguyên vẹn, không được bong tróc và có dấu hiệu dán chồng lên. Đặc biệt hiện nay công nghệ làm tem chống giả ngày càng tinh vi, bạn cần phải xem xét cẩn thận.
Ngoài ra, tem chống giả ngày nay thường được thiết kế dưới dạng QR code để người tiêu dùng có thể quét và tự kiểm tra trên điện thoại di động. Bạn có thể dùng điện thoại quét mã này để kiểm tra khi mua sản phẩm.
Phân biệt bằng Check mã vạch được áp dụng với các sản phẩm phổ biến hiện nay. Mã vạch là dãy số giúp bạn có thể phân biệt được đâu là hàng thật, đâu hàng giả và xuất xứ của sản phẩm. Bạn có thể dễ dàng tải những phần mềm hỗ trợ check mã vạch sản phẩm trên kho ứng dụng của điện thoại. Trên mỗi sản phẩm đều có dãy số mã vạch riêng, nếu sản phẩm nào không có thì bạn nên cân nhắc lại trước khi mua, vì nó rất dễ là hàng nhái.
Các chuyên gia cho rằng, các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội cũng phải có trách nhiệm kiểm duyệt sản phẩm trước khi duyệt đăng và xác minh danh tính khi cấp tài khoản cho người bán hàng. Bên cạnh đó, cũng cần truyền thông đến người dân cách nhận biết mỹ phẩm an toàn, cũng như cung cấp kênh phản ánh, khiếu nại thuận tiện.
"Không thể để nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội trở thành nơi tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái", Luật sư Bùi Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TVL thuộc Đoàn luật sư TP. HCM nêu ý kiến.