Cách nhận biết viêm cơ tim và phương pháp điều trị

10-07-2022 15:10 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm cơ tim là bệnh lý phức tạp, có nhiều nguyên nhân và gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh có nguy cơ tử vong cao nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Do đó việc nhận biết dấu hiệu và nhập viện sớm là rất quan trọng trong việc giữ gìn tình mạng cho bệnh nhân.

1. Viêm cơ tim là gì?

Cơ tim là bộ phận quan trọng, có ý nghĩa sống còn của tim. Cơ tim rất đặc biệt, chức năng chính là tự co giãn không ngừng nghỉ để bơm máu đến các cơ quan khác trong cơ thể. Khi các cơ này bị viêm sưng, khả năng bơm máu của tim giảm, dẫn đến các các cơ quan quan trọng như thận, gan, não… bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Do đó viêm cơ tim là bệnh rất nguy hiểm. Khi các cơ ở tim bị viêm dẫn đến đau tim, đau thắt ngực, khó thở, loạn nhịp tim… Có thể gây ra cục máu đông dẫn đến tử vong…

Viêm cơ tim ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng người trẻ tuổi có những rủi ro cao, xảy ra nhiều gấp đôi ở nam giới so với nữ giới.

Viêm cơ tim có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là sau nhiễm virus, vi khuẩn, nấm. Bệnh thường kết hợp với phản ứng thái quá từ hệ miễn dịch gây ra viêm sưng...

2. Các nào nhận biết viêm cơ tim?

Viêm cơ tim có biểu hiện đa dạng nhưng có thể chia ra làm 3 nhóm:

- Không triệu chứng: Những biểu hiện ở nhóm này không rõ ràng, nên bệnh diễn biến âm thầm đến khi có triệu chứng rõ rệt thì đã ở giai đoạn muộn.

- Triệu chứng điển hình: Bệnh nhân có biểu hiện của cúm như sốt cao, đau nhức đầu, mỏi cơ, chảy nước mắt/mũi, tiêu chảy, đau tức ngực, đánh trống ngực.

- Triệu chứng nghiêm trọng: Sốc tim, mạch đập nhỏ, yếu, hạ huyết áp… Lúc này đáp ứng điều trị rất thấp và có nguy cơ tử vong cao.

Nếu gặp phải một số biểu hiện như đau ngực và khó thở, đặc biệt là trước đó có biểu hiện nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus, cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được khám, phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Hiểm họa từ viêm cơ tim, nguyên nhân và phương pháp điều trị - Ảnh 1.

Viêm cơ tim dẫn đến hoại tử cơ tim, nguy hiểm tính mạng bệnh nhân.

3. Điều trị viêm cơ tim như thế nào?

Điều trị viêm cơ tim bắt đầu bằng đưa bệnh nhân vào bệnh viện có chuyên khoa tim mạch ngay lập tức. Tại đây các bác sĩ sẽ dùng thuốc và các biện pháp ổn định các chỉ số của bệnh nhân, kiểm tra tim chặt chẽ để phòng biến chứng khác.

Tùy từng nguyên nhân và thể trạng người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra những phác đồ điều trị riêng biệt. Nhưng phương pháp điều trị viêm cơ tim phổ biến hiện nay vẫn là điều trị triệu chứng. Một số cách điều trị triệu chứng chủ yếu là tăng cường co bóp cơ tim, chống loạn nhịp tim và chống sốc…

Hiểm họa từ viêm cơ tim, nguyên nhân và phương pháp điều trị - Ảnh 3.

Viêm cơ tim là bệnh rất nguy hiểm, cần được đưa vào bệnh viện sớm để được điều trị.

Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân suy tim thuốc digoxin và thuốc lợi tiểu. Nếu có rối loạn chức năng tim, bác sĩ cho dùng thuốc hỗ trợ tăng co bóp trong giai đoạn cấp tính. Sau đó, sẽ được điều trị bằng thuốc ức chế men chuyển.

Đối với những trường hợp bệnh ở mức độ nặng, tim không đáp ứng với những liệu pháp thông thường, bác sĩ sẽ lựa chọn liệu pháp tuần hoàn ngoài cơ thể (hỗ trợ chức năng tim bằng thiết bị màng trao đổi oxy bên ngoài cơ thể - ECMO) hoặc phương pháp ghép tim cho những bệnh nhân chưa thể cải thiện chức năng tim.

Các thuốc như corticosteroid, là thuốc ứng chế hệ miễn dịch mạnh, thường để giảm yếu tố viêm sưng do hệ miễn dịch.

Các thuốc nhóm ức chế men chuyển ACEI, ức chế thụ thể angiotensin 2 ARB, hay thuốc chẹn beta sẽ được chỉ định tùy từng bệnh nhân. Thuốc lợi tiểu được chỉ định với trường hợp có sưng phù. Kháng sinh liều cao chỉ định trong trường hợp nghi ngờ vi khuẩn là tác nhân gây ra viêm cơ tim.

Thuốc kháng virus ít khi được dùng trong trường hợp viêm cơ tim nghi ngờ do virus gây ra. Do các thuốc kháng virus không chứng minh được hiệu quả điều trị, làm giảm tình trạng viêm cơ tim.

Trong trường hợp viêm cơ tim đến nỗi suy tim cấp không thể phục hồi thì ghép tim có thể là biện pháp cuối cùng.

4. Lưu ý khi điều trị viêm cơ tim

Bệnh nhân cần có chế độ nghỉ ngơi, vận động vừa phải không gắng sức trong suốt thời gian điều trị và cả sau điều trị. Các chế độ ăn uống và hoạt động thể lực cũng như làm việc nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Việc dùng thuốc điều trị triệu chứng, hỗ trợ tim, nâng cao thể trạng phải được tuân thủ theo phác đồ điều trị. Không được tự ý giảm liều hay ngừng thuốc, kể cả sau khi được ra viện và cảm thấy tình trạng sức khỏe ổn định.

Viêm cơ tim có thể tái phát, do đó cần đi khám đúng hẹn để bác sĩ can thiệp kịp thời nếu bệnh tái phát hoặc diễn biến xấu hơn.

- Viêm cơ tim là bệnh nguy hiểm, có thể xảy ra với các triệu chứng tương tự như nhồi máu cơ tim.

- Chữa trị viêm cơ tim gồm chữa trị hỗ trợ và thuốc ức chế hệ miễn dịch.

- Bệnh nhân cần được chữa trị viêm cơ tim sớm vì có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không chữa trị.

- Bệnh nhân sau khi điều trị viêm cơ tim có thể tái phát (khoảng 10-15%), do đó cần theo dõi thường xuyên tại nhà về tinh trạng sức khỏe và tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.

- Hiện nay, chưa có phương pháp phòng ngừa đặc hiệu cho viêm cơ tim, nhưng thực hiện vệ sinh tốt, tránh nguy cơ nhiễm trùng cơ tim và hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Tiêm vaccine phòng một số bệnh có nguy cơ gây viêm cơ tim như rubella và cúm.

Mời độc giả xem thêm video:

Cháy nắng: Cách nào làm dịu làn da?

PGS.TS.BS Wynn Tran
Ý kiến của bạn