Hà Nội

Cách nhận biết và xử lý tinh hoàn ẩn ở trẻ em

24-03-2023 14:14 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Ẩn tinh hoàn (Cryptorchidism) là tình trạng tinh hoàn không xuống bìu mà nằm ở trên vùng bẹn hoặc trong ổ bụng, là bất thường bẩm sinh phổ biến ở trẻ trai.

Cách nhận biết và xử lý tình trạng tinh hoàn ẩn ở trẻ em - Ảnh 1.

Khi còn là bào thai nằm trong tử cung của người mẹ, hai tinh hoàn lúc này sẽ nằm trong bụng


Thế nào là tinh hoàn ẩn?

Thông thường, khi bé trai còn là bào thai nằm trong tử cung của người mẹ, hai tinh hoàn lúc này sẽ nằm trong bụng. Đến khi gần đủ tháng, hai tinh hoàn di chuyển xuống dần về phía bìu trong mỗi ống riêng biệt nối liền với phần bụng. Ngay sau khi sinh ra, đa số các trường hợp cả hai tinh hoàn đã xuống đến và ở trong bìu. Tuy nhiên, ở một số trẻ nam, tinh hoàn chưa xuống được tới phần bìu.

Về thuật ngữ cần phân biệt tinh hoàn ẩn (Cryptorchidism) và tinh hoàn lạc chỗ (Ectopic testis). Cả hai trạng thái đều không sờ thấy tinh hoàn trong bìu (vị trí bình thường), nhưng tinh hoàn ẩn là tinh hoàn ở vị trí mà thông thường nó sẽ đi xuống dưới bìu. Trường hợp này có thể phát hiện được tinh hoàn trong ổ bụng, ống bẹn, gốc bìu. Trường hợp tinh hoàn lạc chỗ thì không những không nằm trong bìu, mà cũng không ở các vị trí mà tinh hoàn trong quá trình phát triển bào thai cũng như những tháng đầu sau sinh sẽ đi xuống như trên mu, hạ vị, cơ đùi, trước bìu, sau bìu tầng sinh môn, thậm chí nằm ngay dưới da của dương vật.

Thông thường chỉ có một bên tinh hoàn bị ảnh hưởng, tuy nhiên có khoảng 10% trường hợp trẻ bị cả hai tinh hoàn đều bị ảnh hưởng.

Các thể loại tinh hoàn ẩn

Tinh hoàn ẩn được chia hai thể loại chính

- Ẩn tinh hoàn sờ thấy: tinh hoàn nằm nông ngay lỗ ống ngoài, gốc bìu nên khi khám trẻ sẽ sờ được tinh hoàn.

- Ẩn tinh hoàn không sờ thấy: tinh hoàn nằm trong sâu ở ống bẹn (lỗ bẹn sâu) hay trong ổ bụng.

Nguy cơ do tinh hoàn ẩn

Nguy cơ vô sinh:

Tinh hoàn ẩn thường phát triển kém, kích thước nhỏ hơn so với bình thường và sản xuất ra số lượng tinh trùng ít hơn hoặc tinh trùng kém chất lượng do nhiệt độ trong bụng cao hơn nhiệt độ trong bìu vì đa phần tinh trùng sẽ không sống được ở mức nhiệt độ cao trong bụng.

Nguy cơ ung thư:

Ung thư tinh hoàn là dạng ung thư khối đặc phổ biến nhất ở nam giới từ 15 đến 35 tuổi. Nguy cơ ung thư hoá khi trưởng thành ở những bệnh nhân ẩn tinh hoàn tăng từ 2,5 đến 20 lần so với người có tinh hoàn ở vị trí bình thường. Nguy cơ này phụ thuộc vào vị trí tinh hoàn (tinh hoàn nằm càng cao thì nguy cơ ung thư hóa càng cao ví dụ tinh hoàn nằm trong ổ bụng) và tuổi bệnh nhân.

Nguy cơ xoắn tinh hoàn:

Biến chứng này tăng khoảng 10 lần so với xoắn tinh hoàn ở vị trí bình thường do tinh hoàn không được cố định ở bìu. Biến chứng của xoắn là hoại tử tinh hoàn nhiều khi phải cắt bỏ, hoặc teo tinh hoàn do thiếu nuôi dưỡng làm mất chức năng và lâu dần dẫn đến mất khả năng sản xuất tinh trùng.

Nguy cơ chấn thương:

Nếu tinh hoàn nằm ở bẹn, có thể sẽ bị tổn thương bởi những va chạm vào vùng xương mu.

Nguy cơ thoát vị bẹn:

Khi tinh hoàn nằm ở bẹn có thế thể tạo ra khe hở giữa bụng và ống bẹn. Khe hở này càng lớn càng có nguy cơ tạng trong bụng chui vào gây thoát vị.

Cách nhận biết và xử lý tình trạng tinh hoàn ẩn ở trẻ em - Ảnh 3.

Các vị trí của tinh hoàn lạc chỗ (trái) và tinh hoàn ẩn (phải)

Cách nhận biết tinh hoàn ẩn

Nhận biết tinh hoàn ẩn không khó, tuy nhiên bố mẹ cần quan tâm lưu ý đến trẻ và phát hiện những bất thường.

Khi gần đủ tháng và chuẩn bị sinh, hai tinh hoàn mới dần di chuyển xuống bìu nhờ ống nối riêng biệt. Khi đó, tinh hoàn của bé trai khi sinh ra và trong 6 tháng đầu đời có thể tự di chuyển rồi nằm ổn định trong bìu, ngoài 6 tháng tuổi, tỷ lệ tinh hoàn di chuyển được về bìu là rất thấp. Do vậy trẻ sinh ra sau 6 tháng không sờ thấy tinh hoàn ở bìu được coi là tinh hoàn ẩn.

Bằng cách nhìn (hoặc sờ) nếu không thấy tinh hoàn nằm trong bìu hoặc bẹn của trẻ. Nếu tinh hoàn nằm vị trí trong sâu, ổ bụng thì không thể sờ thấy. Khoảng 80% tinh hoàn lạc chỗ có thể sờ thấy được, không thể cảm nhận được tinh hoàn khi sờ, tinh hoàn có khả năng nằm tại các vị trí khác.

Những trường hợp không sờ thấy, bác sĩ sẽ siêu âm hoặc chụp X quang ổ bụng (cộng hưởng từ) xác định vị trí tinh hoàn ẩn sâu: lỗ bẹn sâu, ổ bụng… Đây là những phương pháp thăm dò từ thấp tới cao để xác định vị trí chính xác của tinh hoàn ẩn. Ngoài ra, các phương pháp này còn giúp bác sĩ phát hiện sự bất thường khác của tinh hoàn như vôi hóa nhu mô tinh hoàn, u tinh hoàn…

Xét nghiệm nhiễm sắc thể: Xét nghiệm này tùy trường hợp, nhằm phát hiện những trường hợp giới tính không xác định do bộ phận sinh dục ngoài của bé gái nhiều khi phì đại như bộ phận sinh dục ngoài nam giới.

Cần phân biệt với trường hợp không có hay teo tinh hoàn: Tuy tinh hoàn đã đi xuống bìu nhưng vì kích thước rất nhỏ nên không cảm nhận được khi sờ. Trường hợp này bé trai có thể không có khả năng sinh sản. Ngoài ra, một số trường hợp không có tinh hoàn, tinh hoàn chưa và không bao giờ được hình thành.

Điều trị tinh hoàn ẩn

Nguy cơ tiềm ẩn đối với trẻ khi lớn từ bệnh tinh hoàn ẩn là ung thư. Rủi ro sẽ giảm hoặc loại trừ nếu phẫu thuật chuyển tinh hoàn được thực hiện trước 10 tuổi. Bên cạnh đó, khi trẻ lớn sẽ bị tác động về tâm lý ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Do đó, bệnh nhân cần được can thiệp điều trị sớm đưa tinh hoàn xuống bìu, tốt nhất thực hiện khi trẻ được từ 6 đến 12 tháng tuổi, trước tuổi trẻ đi học.

Điều trị thuốc:

Trẻ sơ sinh sẽ được bác sĩ điều trị bằng tiêm hCG. Đây là một loại nội tiết tố của nhau thai, kích thích tinh hoàn lớn lên và di chuyển xuống đúng vị trí trong bìu. Trong một nghiên cứu quốc tế qua 232 trẻ em từ 6 đến 14 tuổi tinh hoàn ẩn, với 440 tinh hoàn bất thường vị trí. hCG đáp ứng chung là 40%, đối với tinh hoàn trong ống bẹn đáp ứng 49%, cao nhất là tinh hoàn gốc bìu chiếm 72% xuống bìu sau điều trị.

Điều trị phẫu thuật:

Có 2 phương pháp phẫu thuật để điều trị ẩn tinh hoàn là mổ mở và phẫu thuật nội soi.

Mổ mở đường bẹn: được áp dụng cho những trường hợp ẩn tinh hoàn sờ thấy. Phẫu thuật viên sẽ phẫu tích đưa tinh hoàn ẩn xuống cố định lại vị trí bình thường ở bìu.

Mổ nội soi ổ bụng: được áp dụng cho những trường hợp ẩn tinh hoàn không sờ thấy nằm ở cao. Phẫu thuật nội soi còn giúp chẩn đoán có tinh hoàn hay không, vị trí ở đâu, hay tinh hoàn bị teo?... Trong trường hợp có tinh hoàn thì có thể phẫu thuật hạ tinh hoàn xuống cố định bìu 1 hoặc 2 thì.

Dự phòng nguy cơ sinh trẻ dị tật tinh hoàn ẩn

Nguyên nhân gây ra tình trạng tinh hoàn ẩn vẫn chưa được biết rõ. Đó có thể là do sự kết hợp của di truyền học, sức khỏe của thai phụ hoặc những yếu tố môi trường khác có khả năng phá vỡ những kích thích tố, thay đổi vật lý và hoạt động thần kinh, ảnh hưởng tới sự phát triển và di chuyển của tinh hoàn. Một số yếu tố nguy cơ làm xuất hiện tình trạng tinh hoàn ẩn ở trẻ sơ sinh nam như:

  • Thiếu cân.
  • Sinh non.
  • Tiền sử gia đình có người bị tình trạng tinh hoàn lạc chỗ hay những vấn đề khác trong quá trình phát triển của bộ phận sinh dục.
  • Mắc các bệnh lý thai nhi ngăn cản tăng trưởng như hội chứng Down hay khiếm khuyết thành bụng.
  • Thai phụ lạm dụng rượu, bia.
  • Thai phụ hút thuốc lá hay thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc.
  • Thai phụ bị béo phì, thừa cân.
  • Thai phụ mắc bệnh tiểu đường loại 1, loại 2 hoặc tiểu đường thai kỳ.
  • Bố mẹ thường xuyên tiếp xúc với một số loại thuốc trừ sâu.

Do vậy bố mẹ cần lưu ý ăn uống, sinh hoạt tránh những nguy cơ dị tật tinh hoàn ẩn của trẻ trước khi lên kế hoạch có thai. Người mẹ cũng cần kiểm tra thường xuyên thời gian thai kỳ để tránh nguy cơ trên.

Mời độc giả xem thêm video dưới đây:

Khuyết tật trẻ em- Nguyên nhân và cách phát hiện sớm, can thiệp sớm - SKĐ


PGS. TS. Nguyễn Đức Chính
Bệnh viện Việt Đức
Ý kiến của bạn