Cách nhận biết và phòng, trị cảm lạnh, cảm cúm

21-10-2018 06:44 | Đời sống
google news

SKĐS - Khi thời tiết giá lạnh, nhiều người thường gặp phải những vấn đề về sức khỏe như các bệnh về hô hấp, nhiễm khuẩn...

Khi thời tiết giá lạnh, nhiều người thường gặp phải những vấn đề về sức khỏe như các bệnh về hô hấp, nhiễm khuẩn... Đây cũng là thời cơ để cảm lạnh và cúm song hành vào mùa. Nhưng các triệu chứng của cảm cúm thông thường và cảm lạnh hay khiến chúng ta bị nhẫm lẫn, dẫn đến việc điều trị trở nên khó khăn. Vậy làm thế nào để biết bạn đang mắc bệnh cảm cúm hay cảm lạnh, bởi có nhiều bệnh nhiễm trùng thường xuất hiện triệu chứng giống cúm, cần phải loại trừ căn nguyên gây bệnh để chẩn đoán và điều trị đúng mới hiệu quả.

Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm

Cúm bao giờ cũng có sốt

Dấu hiệu của bệnh cúm là sốt. Với bệnh cúm, sốt sẽ rất cao, tuy nhiên nếu chỉ bị cảm lạnh, những dấu hiệu ban đầu sẽ không sốt. Nhưng sốt còn là triệu chứng của rất nhiều căn bệnh khác như viêm đường hô hấp (họng, amidan, viêm tai giữa, phế quản phổi..., nhiễm khuẩn đường tiết niệu... Nếu chỉ phân biệt giữa cảm lạnh và cảm cúm thì sốt thường xuất hiện ở bệnh cúm nhiều hơn.

Cúm thường làm cho cơ thể đau nhức

Nhức mỏi là dấu hiệu khác liên quan đến cúm, nếu xuất hiện sốt cao kèm đau đầu, hãy lập tức nghĩ ngay đến bệnh cúm. Người bệnh cần đề phòng lây lan cho người khác vì bệnh cúm rất dễ lây do tiếp xúc thông thường. Ở người bị cảm lạnh, đau nhức cơ thể rất ít khi xảy ra, nếu có sẽ xuất hiện ngay lập tức chứ không phải sau một vài ngày và dai dẳng như bệnh cúm.

Cảm giác ớn lạnh báo hiệu bệnh cúm

Đây là điểm đặc trưng để phân biệt giữa cảm cúm và cảm lạnh. Nếu thấy ớn lạnh thì đó là triệu chứng của cúm bởi ớn lạnh là kết quả của một cơn sốt. Mà sốt lại không liên quan đến cảm lạnh. Các chuyên gia y tế khuyến cáo nếu thấy ớn lạnh, kèm theo sốt cao cần đến ngay cơ sở y tế để tìm nguyên nhân gây bệnh.

Cần giữ ấm cơ thể để phòng ngừa bệnh trong mùa rét.

Mệt mỏi là do cúm

Hãy lắng nghe cơ thể bạn để biết được mình đang mắc căn bệnh gì, nếu đột nhiên bạn cảm thấy đau nhức mình mẩy, kèm theo các dấu hiệu mệt mỏi hãy nghĩ đến bệnh cúm nhiều hơn.

Các triệu chứng dồn dập, đột ngột hãy ưu tiên cúm

Nếu các triệu chứng vừa nói ở trên như lạnh, ho, sốt tấn công cơ thể đột ngột và dồn dập với mức độ nặng tăng nhanh, đó là bệnh cúm. Thậm chí có thể đây là loại cúm gây tử vong cao như các chủng H1.

Cảm lạnh sẽ bị hắt hơi

Các triệu chứng như hắt hơi, nói bằng giọng mũi do nghẹt mũi thì đích thị đó là khi bạn bị cảm lạnh. Cảm lạnh thường khiến nước mũi chảy nhiều hơn, bị nặng nước mũi sẽ có màu xanh hoặc vàng do mũi đã bị nhiễm trùng. Đó là khi bạn đã mắc cảm lạnh sâu.

Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi hãy nghĩ đến cảm lạnh

Đây là một trong số ít các triệu chứng khó phân biệt nhất giữa 2 loại bệnh, tuy nhiên nếu chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi hãy nghĩ đến cảm lạnh đầu tiên, tuy nhiên những triệu chứng này cũng có khi xuất hiện ở cảm cúm.

Có cảm giác khó chịu, bứt rứt - chỉ là cảm lạnh

Khi cơ thể cảm thấy không thoải mái, khó chịu với tình trạng hắt hơi, chảy nước mũi, nặng có thể đau họng - đó chỉ là cảm lạnh, khi đó bạn vẫn có thể làm các công việc ưa thích bình thường. Nhưng nếu bị cúm, người bệnh sẽ kèm theo mệt mỏi, sốt và không muốn làm bất cứ việc gì.

Điều trị khác nhau

Đối với bệnh cúm, không có thuốc đặc trị bệnh bởi cúm là do virut gây ra, nó sẽ tự khỏi sau 5-7 ngày với các loại cúm thường. Hiện nay việc điều trị thuốc cho người bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng. Khi bệnh cúm biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng lan rộng rất nguy hiểm đến tính mạng như chủng virut H1N1, H5N1 hiện nay. Còn ở người cảm lạnh, ban đầu có thể điều trị bằng những thuốc thông mũi, viêm họng. Tuy nhiên tùy thuộc vào dấu hiệu của bệnh bác sĩ sẽ cho chỉ định cụ thể để bạn thoát khỏi tình trạng cảm lạnh hay cảm cúm mắc phải.

Cách trị cảm lạnh

Nồi nước xông giải cảm (xông hơi): lá xông gồm lá sả, lá bưởi, lá hương nhu, kinh giới, ngải cứu... Ða số những loại lá này đều có chứa các tinh dầu cay, nóng. Cách làm: Rửa sạch các loại lá, bỏ vào nồi đậy kín, đun cho nước sôi khoảng 5-10 phút, không nên để sôi quá 15 phút vì sẽ làm các chất tinh dầu (thành phần tác dụng chính trong một nồi xông) bay hơi hết. Nhấc xuống để trước mặt người bệnh đang ngồi, trên có trùm một cái mền để giữ hơi. Trong lúc xông, người bệnh nên thở chậm và sâu vì tác dụng chủ yếu khi xông là tác dụng qua đường hô hấp... Mồ hôi sẽ ra từ từ, bắt đầu từ trán, cổ, gáy, sau đó đến lưng, ngực, bụng. Nên ngừng xông khi thấy trong mình đã nhẹ bớt, hết cảm giác sợ lạnh, sợ gió. Dùng khăn khô lau mồ hôi, thay quần áo khô rồi nằm nghỉ. Lưu ý khi xông: Chỉ nên cho mồ hôi ra từ từ, rươm rướm trên da. Không nên xông nhiều lần vì có thể gây ra nhiều mồ hôi dẫn tới cơ thể mất nước.

Trường hợp nào không nên xông? Khi bị cảm sốt và ra mồ hôi nhiều, khi cơ thể quá yếu: Theo YHCT, khi cơ thể quá suy nhược là tình trạng dương khí yếu. Nếu bị cảm mà xông ra nhiều mồ hôi sẽ càng làm thoát khí dương ra ngoài, khiến cơ thể suy kiệt hơn.

Cháo giải cảm

Sau khi xông nên ăn cháo nóng. Đơn giản nhất là một tô cháo trắng nấu loãng, thêm một ít rau thơm như tía tô, kinh giới, quế hoặc vài lát gừng tươi hay củ hành, tiêu. Ăn khi cháo còn nóng và trong lúc ăn nên “tranh thủ” hít hơi nóng bốc lên từ tô cháo càng nhiều càng tốt, bởi vì lúc này, tô cháo còn có tác dụng như một nồi xông nhỏ. Thường cảm sẽ khỏi nhanh trong vài ba ngày.

Phòng bệnh là ưu tiên số 1

Khi nói đến cảm lạnh, cảm cúm, phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh. Và một trong những phương cách rẻ nhất và hiệu quả nhất là rửa tay bằng xà phòng. Mặc đủ ấm, nhất là với những người đang bị nhiễm trùng đường hô hấp hoặc bị viêm phổi hay viêm phế quản không khí lạnh sẽ kích thích cơn ho. Khi đã bị cảm lạnh, tùy sức khỏe mỗi người mà cân nhắc tập thể dục. Nói chung, nếu các triệu chứng từ cổ lên và không quá nghiêm trọng, ví dụ đau họng, chảy nước mũi hoặc đau đầu nhẹ, tập thể dục vừa phải sẽ góp phần tăng cường hệ miễn dịch. Ngược lại, nếu toàn thân cảm thấy không khỏe, đặc biệt là dưới vùng cổ như tắc nghẽn ngực, nhức mỏi cơ bắp, sốt..., lời khuyên là nên nghỉ ngơi, tránh tập thể dục vì tập luyện cường độ mạnh lúc này, bệnh có thể kéo dài và gây nguy hiểm. Trường hợp này chính là lúc chúng ta cần “lắng nghe cơ thể mình”.


BS. Đỗ Minh Hiền
Ý kiến của bạn