Bệnh viêm cầu thận cấp là một trong những bệnh phổ biến ở thận, tỷ lệ nam giới mắc bệnh thường cao hơn so với phụ nữ. Bệnh xuất hiện sau viêm họng hoặc sau nhiễm khuẩn ngoài da do liên cầu khuẩn. Nếu không được điều trị, chăm sóc đúng, bệnh có thể tiến triển thành viêm cầu thận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Diễn biến của bệnh
Viêm cầu thận cấp tính hay còn gọi là viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu khuẩn là tình trạng viêm lan tỏa không mưng mủ tất cả các cầu thận của hai thận. Bệnh xuất hiện sau viêm họng hoặc sau nhiễm khuẩn ngoài da do liên cầu khuẩn tan máu bêta nhóm A, xảy ra sau nhiễm liên cầu từ 10-15 ngày. Ở nước ta có 60% người bệnh viêm cầu thận cấp xảy ra sau nhiễm khuẩn ngoài da do liên cầu và 40% người bệnh viêm cầu thận cấp xảy ra sau nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như viêm họng.
Ngoài ra, viêm cầu thận cấp có thể do tụ cầu, phế cầu và virut nhưng rất hiếm gặp. Bệnh có thể diễn ra một cách thầm lặng, người bệnh không biết mình bị bệnh, không có triệu chứng lâm sàng, chỉ có hồng cầu niệu vi thể và protein niệu được phát hiện khi đến kiểm tra máu, nước tiểu tại cơ sở y tế. Nhưng bệnh cũng có thể phát triển hết sức rầm rộ.
Hình ảnh viêm cầu thận cấp.
Dấu hiệu nhận biết
Triệu chứng chủ yếu của viêm cầu thận cấp tính như phù, tiểu ra máu đại thể, tăng huyết áp, suy tim, tiểu ít... Phù rất thường gặp là dấu hiệu lâm sàng đầu tiên, người bệnh có cảm giác nặng mặt, nề hai mí mắt, phù hai chân. Phù trước xương chày chạy quanh mắt cá, phù mềm, ấn lõm rõ. Thường phù nhiều về sáng, số lượng nước tiểu ít và sẫm màu, phù càng nhiều thì số lượng nước tiểu càng ít. Phù thường gặp trong 10 ngày đầu và giảm đi nhanh chóng khi người bệnh tiểu nhiều. Tiểu ra máu đại thể, tiểu ra máu toàn bãi, nước tiểu như nước rửa thịt hoặc như nước luộc rau dền, không đông, mỗi ngày đi tiểu ra máu toàn bãi từ 1-2 lần, không thường xuyên, xuất hiện trong tuần đầu và không ảnh hưởng đến tình trạng chung của cơ thể.
Tăng huyết áp là một triệu chứng lâm sàng thường gặp, huyết áp dao động: ở trẻ em là 140/90mmHg, người lớn là 160/90mmHg. Suy tim thường kèm với tăng huyết áp kịch phát, do tăng khối lượng tuần hoàn đột ngột và cũng có thể do bệnh lý cơ tim trong viêm cầu thận cấp tính. Tình trạng thiểu niệu bao giờ cũng có, khối lượng nước tiểu dưới 500ml/ngày, thường gặp trong tuần đầu của bệnh và kéo dài trong 3-4 ngày. Không tăng urê và creatinin máu hoặc là tăng không đáng kể. Tình trạng thiểu niệu có thể tái phát trở lại trong 2-3 tuần đầu. Một số trường hợp suy thận cấp tính, thiểu niệu, vô niệu kéo dài tăng urê, creatinin máu. Nếu viêm cầu thận cấp tái diễn nhiều đợt là một dấu hiệu xấu nguy cơ có thể dẫn đến viêm cầu thận tiến triển nhanh, viêm cầu thận mạn... Ngoài những triệu chứng trên còn có một số triệu chứng khác như sốt nhẹ 37,5-38,5oC, đau tức vùng thận, có thể có cơn đau quặn thận, đau bụng, bụng trướng nhẹ, buồn nôn, đi lỏng... Tuy lâm sàng biểu hiện trầm trọng nhưng sau điều trị đại bộ phận người bệnh hồi phục hoàn toàn, hết các triệu chứng lâm sàng, tỷ lệ hồi phục đạt 95%.
Phù chân là một trong những biểu hiện của viêm cầu thận cấp.
Chăm sóc đúng cách
Để tránh mắc bệnh viêm cầu thận cấp, nên vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt. Tránh tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi có biểu hiện của nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng da hay các biểu hiện của viêm cầu thận nên tới các cơ sở y tế khám, đặc biệt cần nghỉ ngơi, cách ly theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Bệnh viêm cầu thận cấp có đặc điểm là tổn thương viêm lan tỏa cầu thận dẫn đến đi tiểu ra máu và đạm (albumin). Vì thế, người bệnh cần được nghỉ ngơi và chế độ ăn nhạt. Khi bệnh đã ổn định, có thể ăn mỗi bữa ăn chính gồm: 1 bát cơm hoặc bún, mỳ, phở hoặc bánh mỳ; 50g thịt nạc hoặc tôm, cá, trứng; 2 thìa canh dầu thực vật để chế biến, 1 cốc sữa bột toàn phần/ngày. Chế độ ăn cần nhiều rau, củ, trái cây, rau quả 300-400g/ngày. Tuy nhiên, nếu bị tăng kali trong máu hoặc tiểu ít thì hạn chế các loại rau quả.
Đặc biệt, người bệnh cần giảm sử dụng muối và các loại gia vị như muối, muối tiêu, các loại tương ớt, tương đen, tương chao, các loại mắm, cá khô, mắm, thức ăn đóng hộp, chế biến sẵn. Khi người bệnh đã trở về bình thường hoàn toàn có thể ăn theo nhu cầu nhưng vẫn cần ăn nhạt hơn người bình thường.