Cứ 35 giây lại có 1 trẻ chết do viêm phổi
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (NKHHCT) là bệnh thường gặp ở trẻ em, mỗi năm trung bình 1 trẻ có thể mắc từ 5 – 8 đợt NKHHCT. Nguyên nhân gây bệnh có thể do virus (70 – 80%), vi khuẩn (20%), nấm, ký sinh trùng….
Có nhiều yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ mắc NKHHCT như tuổi, giới, thời tiết, môi trường, bệnh tật…Những trẻ tuổi càng nhỏ càng dễ mắc bệnh, trẻ sống trong môi trường ô nhiễm, khói bụi thuốc lá, than tổ ong có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn các bé sống trong môi trường trong lành. Đa số các trường hợp NKHHCT có thể tự khỏi nhưng 1 số trường hợp bệnh của trẻ có thể tiến triển thành viêm phổi.
Viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Theo báo cáo mới nhất năm 2013 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Unicef, 14% trẻ tử vong trên toàn thế giới là do viêm phổi, 99% tử vong này xảy ra ở các nước trung bình và thấp. Mỗi năm trung bình khoảng 935.000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong do viêm phổi, nhiều hơn tỷ lệ HIV/AIDS, sốt rét, sởi cộng lại. Ước tính mỗi ngày có khoảng 2500 trẻ tử vong trên thế giới là do viêm phổi, nghĩa là cứ 35 giây lại có 1 trẻ chết do viêm phổi, chưa bệnh lý nào có tỷ lệ tử vong cao như vậy. Viêm phổi đã gây nên gánh nặng kinh tế cho gia đình, xã hội và các chính phủ.
Ở Việt Nam, số trường hợp bị mắc viêm phổi vẫn đứng thứ 9 trên thế giới. Đối với nước ta, viêm phổi vẫn là 1 vấn đề quan trọng dù đã có chương trình phòng chống viêm phổi.
Làm thế nào có thể nhận biết 1 trẻ đã bị NKHHCT, viêm phổi?
Một trẻ có các triệu chứng như ho dưới 30 ngày, hắt hơi, sổ mũi, sốt, khò khè là co thể đã mắc NKHHCT.
Khi thấy trẻ có biểu hiện thở nhanh, có thể trẻ đã mắc viêm phổi
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi: Thở nhanh khi nhịp thở > 60 lần/ phút
- Trẻ từ 2 tháng đến 12 tháng tuổi: Thở nhanh khi nhịp thở > 50 lần/ phút
- Trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi: Thở nhanh khi nhịp thở > 40 lần/ phút
Trẻ phải được đưa đến cơ sở y tế khám ngay lập tức nếu có các dấu hiệu như khò khè, bú kém, nôn tất cả mọi thứ, không uống được, li bì, co giật, thở co lõm lồng ngực.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Vậy phòng bệnh viêm phổi như thế nào?
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vì trong sữa mẹ có rất nhiều kháng thể sẽ giúp sức đề kháng của trẻ tốt hơn.
- Dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý cho trẻ giúp tăng cường sức miễn dịch.
- Vệ sinh sạch sẽ, giữ ấm khi trời lạnh, tránh xa khói, bụi ô nhiễm môi trường.
- Tiêm phòng đầy đủ vacxin: phế cầu, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, quai bị, rubella …theo chương trình tiêm chủng mở rộng của bộ y tế.