(SKDS) - Theo Trung tâm Sức khỏe môi trường California Mỹ (CEH), phơi nhiễm chì có thể gây ra hàng loạt vấn đề về sức khỏe như kém phát triển trí tuệ, bất thường về hành vi, ung thư, đột quỵ, tăng huyết áp, thiếu máu, chậm dậy thì, bệnh về thận... Để tránh ngộ độc chì, chúng ta cần biết chì có ở đâu? Nhận biết dấu hiệu ngộ độc như thế nào?
Chì có ở đâu?
Chì được sử dụng trong một số ngành công nghiệp hóa dầu, chì có trong xăng, sơn, bột màu, trong các cơ sở luyện, tái chế biến chì, chì dùng trong công nghiệp sản xuất đồ gia dụng, làm bóng sản phẩm...; trong mỹ phẩm, son môi, chì kẻ mắt...; thuốc cam có chứa chì. Chì có thể hấp thu vào cơ thể hằng ngày nếu ta không cẩn thận vì chì có trong rất nhiều đồ gia dụng, dụng cụ có hoa văn như bát, đĩa, tách, ly, nhất là chất liệu nhựa, plastic. Khi tiếp xúc với các loại thức ăn, nước uống nóng có tính axit, chì trong các hoa văn bị thôi ra, ngấm vào thức ăn và chúng ta ăn phải chì. Chì còn có trong các đường dẫn nước cũ bằng kim loại, thùng chứa nước bằng thiếc.
Đồ chơi của trẻ (nhất là trẻ lại hay ngậm, cắn đồ chơi), đặc biệt ở những vùng gần khu khai thác, chế biến chì thì nguồn nước thải bị nhiễm chì. Khi dùng nước đó để sinh hoạt, tưới rau củ thì rau củ cũng bị nhiễm chì... Tuy nhiên, thực tế thường gặp nhiễm chì trong các trường hợp: làm việc ở môi trường xăng dầu, người làm nghề lái xe, chế biến, khai thác, đúc chì. Và gần đây, trẻ em bị nhiễm độc chì do dùng thuốc cam trôi nổi, chế biến không đúng quy cách.
Biểu hiện ngộ độc chì
Gồm ngộ độc cấp tính và mạn tính.
Biểu hiện khi ngộ độc chì cấp: bệnh nhân bị kiệt sức, nôn mửa, co giật và rất dễ bị chẩn đoán nhầm. Để xác định chắc chắn, cần chụp cộng hưởng từ não, phân tích chì trong máu...
Biểu hiện ngộ độc chì mạn: răng bị đen xỉn, hay kêu đau tê ở đầu ngón chân, ngón tay, mỏi cơ bắp, đau đầu, buồn nôn, suy nhược, thiếu máu, có khi tăng huyết áp, đau bụng; thay đổi tâm trạng, giảm trí nhớ... Nếu trẻ em bị nhiễm độc chì từ nhỏ sẽ chậm biết đi, hay cáu kỉnh, quấy khóc, đau bụng, tiêu chảy, thiếu máu, dễ lên cơn co giật hoặc co giật thường xuyên. Trường hợp nặng gây suy thận có khi dẫn đến tử vong. Đa số trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm dậy thì.
Phòng ngừa ngộ độc chì
Không dùng mỹ phẩm, dược phẩm trôi nổi, nhất là thuốc cam cho trẻ không được cấp phép; không dùng đồ gia dụng bằng nhựa, plastic có nhiều hoa văn để đựng thức ăn nóng có axit; nhắc trẻ em không ngậm, cắn đồ chơi; người làm việc tiếp xúc chì cần có quần áo bảo hộ; đường ống nước nên dùng ống nhựa thay cho ống kim loại, không đựng chứa nước vào thùng thiếc, không tận dụng thùng đựng sơn, bột màu để đựng nước hoặc thức ăn. Khi nghi ngờ nhiễm độc chì, cần đi khám điều trị sớm tránh biến chứng đáng tiếc.
BS. Kim Anh