1. Kem trộn là gì?
Kem trộn là loại kem được "chế tác" từ nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau, với các thành phần tự chế điển hình như vitamin E, aspirin, corticoid (cortibion), kháng sinh... Trong đó thành phần gây hại nhất chính là corticoid.
Có được một làn da trắng mịn màng là điều mà bạn gái nào cũng muốn có. Chính vì thế mà các bạn tìm đến những sản phẩm làm trắng da. Tuy nhiên, những sản phẩm giúp trắng da an toàn, lành tính thường không giúp da trắng lên nhanh trong một thời gian ngắn. Các sản phẩm mỹ này chỉ có thể giúp da sáng lên từ từ, cần sử dụng trong một thời gian dài thì mới thấy da sáng và đồng đều màu, đồng thời da khỏe hơn.
Việc cải thiện màu da chậm cũng như chi phí cộng lại không nhỏ nên nhiều bạn không đủ kiên nhẫn để sử dụng những loại mỹ phẩm chính hãng, an toàn đã nghe theo những lời quảng cáo: "Kem trắng da bật tone ngay tức thì"; "nâng đến hai, ba tone da"; "da trắng mịn không tì vết, làm trắng ngay cả da đen lì"; "trị mụn hết dứt điểm trong vài ngày" hay "nám và tàn nhang nhanh chóng biến mất"…
Từ những lời quảng cáo này mà nhiều chị em sẵn sàng mua những loại mỹ phẩm được rao bán trên mạng không cần biết về nguồn gốc, thành phần hay thương hiệu của sản phẩm này từ đâu, mà chúng ta hay gọi đó là kem trộn.
2. Mỏng da, nổi mụn do bôi kem trộn
Chị Hoàng Thị Huyền (40 tuổi, Hà Nội), bị tàn nhang và nám da, khiến cho chị nhìn như già trước tuổi. Nghe đồng nghiệp mách một loại kem có thể giúp điều trị nám, tàn nhang và làm sáng da nhanh chóng, nên chị đã mua về dùng. Quả nhiên chỉ sau 1 tuần sử dụng, da chị đã có biến chuyển. Đến tuần thứ 2, chị không còn nhận ra làn da thâm sạm của mình trước đó... Cứ thế, chị Huyền bôi kem đều đặn hằng ngày.
Thế nhưng có lần chị đi công tác, quên mang theo kem để dùng, thì da nổi mẩn ngứa, nốt mụn ngay. Việc này khiến cho chị phải dùng kem bôi một cách thường xuyên hơn. Cho đến khi tình trạng da mỏng, ửng đỏ, nổi mụn nước... chị phải đi khám và được bác sĩ chẩn đoán: Da chị bị nhiễm corticoid giai đoạn 3. Chị phải mất tới 6 tháng sau đó để điều trị, khá tốn kém nhưng da vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.
Corticoid dùng ở nồng độ cao có tác dụng tẩy trắng da. Bởi vậy các "hãng kem trộn" thường lợi dụng tính năng này của corticoid trộn với nồng độ cao vào sản phẩm để bán. Có một điều mà chúng ta không thể phủ nhận, đó là khi mới bắt đầu thoa kem trộn làm trắng da thì những vết mụn thâm sẽ nhanh chóng biến mất. Giai đoạn này làn da sáng mịn và căng như mọng nước, rất đẹp… Người tiêu dùng thấy trắng da nhanh chóng lại càng thích thú dùng nhiều hơn, thậm chí giới thiệu cho bạn bè, đồng nghiệp cùng dùng.
Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng nếu ngừng sản phẩm thì da sẽ bắt đầu nổi mụn, da sạm lại… nên người dùng sẽ có nhu cầu tiếp tục sử dụng, lâu dần da sẽ mỏng hơn, yếu đi, dễ bị lộ các mạch máu dưới da. Da trở nên nhạy cảm, dễ bị dị ứng, ngứa, nổi các mụn nước nhỏ li ti… Đây là biểu hiện của tình trạng da bắt đầu yếu dần đi, kèm theo đó là các mô biểu bì sẽ không tốt như trước nữa.
Ngoài tác dụng phụ tại chỗ, nếu sử dụng corticoid trong kem trộn lâu ngày thì sẽ có thể khiến cho cơ thể bị béo phì, mặt tròn hơn, teo cơ, tích nước, suy tuyến thượng thận. Corticoid có thể gây loãng xương, tăng huyết áp, loét dạ dày, giảm sự đề kháng dẫn đến dễ mắc bệnh lao, bệnh nấm...
Việc dùng kem trộn sẽ khiến cho da bị mỏng đi, nhiễm độc và bị lên mụn rất nhiều khi ngừng dùng kem.
3. Cách nhận biết kem trộn
- Tên sản phẩm: Tên của kem trộn thường nửa tiếng Việt, nửa tiếng Anh, có kèm theo dòng chữ: white body, white doctor, top pure, top white… và thành phần thường quảng cáo là thảo dược, gia truyền, đông y…; điều quan trọng nhất là xuất xứ sản phẩm không rõ ràng.
- Chất kem: Hiện nay kem trộn có mặt trong các sản phẩm từ sữa rửa mặt, serum (tinh chất), nước hoa hồng, kem dưỡng… Để nhận biết chúng ta có thể phân biệt màu sắc. Thông thương kem trộn hay có màu vàng vàng hoặc trắng đục.
- Công dụng: Nếu một sản phẩm nào mà được quảng cáo là có thể thể trị được mụn, trị nám, tàn nhang, dưỡng ẩm, dưỡng trắng, chống nắng, trị thâm, se khít lỗ chân lông… nhanh chóng, thì chúng ta cần cảnh giác. Không có một loại mỹ phẩm an toàn nào lại có cùng nhiều công dụng và tác dụng nhanh được.
- Review sản phẩm: Ở các trang mạng bán kem trộn sẽ thấy "khoe" các thành tích như nhiều đại lý, nhiều giải thưởng, nhiều chứng nhận, tem chống hàng giả… cùng nhiều bằng chứng, comment về sản phẩm mang lại hiệu quả nhanh chóng…
- Nguồn gốc sản phẩm: Dù kem trộn có được giới thiệu xuất xứ từ các quốc gia nổi tiếng với các hãng mỹ phẩm như Hàn, Pháp, Mỹ,… hoặc phân phối độc quyền về Việt Nam, nhưng chúng ta có thể dễ dàng tra thông tin đó trên mạng. Vì thế trước khi mua và sử dụng sản phẩm nào, đều cần phải kiểm tra nguồn gốc xuất xứ.
- Mùi hương: Đa phần kem trộn có mùi gắt, nặng mùi...
- Mẫu mã: Bao bì kem trộn khá thủ công, nhãn mác in ấn sơ sài. Tỉ lệ thành phần không rõ ràng, không có mã vạch, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy phép lưu hành của Bộ Y tế.
- Thử phản ứng corticoid: Do kem trộn có thành phần chính là corticoid, để thử, lấy một ít kem bôi lên vùng da bất kỳ (thường là mu bàn tay). Ngay lập tức chỗ thoa kem sẽ có cảm giác dày lên và rất ngứa. Gãi mạnh có thể trầy, chảy máu hoặc chảy dịch vàng. Sau một ngày, vùng da đó sẽ hết và lành ngay. Để tiếp 2-3 ngày sau và không bôi kem sẽ thấy tình trạng da ngứa trở lại.
- Để kem ngoài không khí: Do kem trộn được sản xuất bằng tỉ lệ ngẫu nhiên, nên không thể hòa tan với nhau, nếu để ngoài không khí với nhiệt độ thường, không đậy nắp 24 giờ thì sẽ bị ứ đọng, vón lại, nước nổi trên bề mặt...
Cách nhận biết mỹ phẩm bằng nước sạch
Dùng một ly nước sạch, bỏ một ít sản phẩm kem vào cốc nước rồi dùng đũa khuấy đều khoảng 20 giây:
- Nếu kem bám quanh thành ly nước thì trong đó dễ có dầu động vật, sẽ giúp da đẹp lên nhanh nhưng khi không sử dụng thì da bị xấu và sưng nề...
- Nếu kem nổi trên nước là loại kem chứa nhiều dầu khoáng, dễ gây tắc bít lỗ chân lông và lão hóa da.
- Nếu kem chìm dưới đáy cốc, là loại chứa nhiều kim loại nặng, rất kỳ nguy hiểm và độc hại.
- Nếu kem tan trong nước là loại không kim loại, không dầu, dễ dàng thẩm thấu và có thể dùng được.
Mời độc giả xem thêm video:
Ăn nhiều đồ ngọt ảnh hưởng thế nào đến làn da của bạn?