Hà Nội

Cách nhận biết động mạch chủ bất thường

03-04-2018 15:26 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Khi nói đến các bệnh tim mạch, người bệnh thường để ý nhiều hơn đến bệnh mạch vành hay mạch não, mạch phổi... mà chưa có những quan tâm đúng mức đến các bệnh lý ở động mạch chủ (ĐMC), trong khi đây là bệnh có tỉ lệ tử vong rất cao.

Những dấu hiệu âm thầm của bệnh có thể được nhận biết sớm hơn sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong điều trị.

Động mạch chủ (ĐMC) được chia ra thành ĐMC ngực và ĐMC bụng. ĐMC ngực lại chia ra thêm thành các đoạn ĐMC lên, quai ĐMC và ĐMC xuống. ĐMC bụng bao gồm đoạn ĐMC trên thận và dưới thận. Quai ĐMC cho ra tất cả các nhánh động mạch cánh tay đầu.

Phình ĐMC là căn bệnh rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao.

Phình ĐMC là căn bệnh rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao.

Chức năng của động mạch chủ

ĐMC có 3 lớp: lớp mỏng bên trong gọi là lớp áo trong, lớp dày ở giữa gọi là lớp áo giữa và một lớp mỏng bên ngoài gọi là lớp áo ngoài. Sức mạnh của ĐMC nằm ở lớp áo giữa, được tạo nên từ những lớp mỏng là tổ chức chun giãn quấn lại với nhau. Chính vì thế, mặc dù mỏng như vậy nhưng thành của ĐMC có thể chịu đựng áp lực mà không bị vỡ. Khác với cấu trúc của các động mạch nhỏ hơn, lớp áo giữa của ĐMC bao gồm nhiều lớp các sợi chun đã làm cho ĐMC không chỉ có sức căng mà còn có thể phồng lên chun giãn. Chức năng này đóng vai trò sống còn của hệ thống tuần hoàn. Lớp nội mạc của lớp áo trong ĐMC mỏng, mềm mại và rất dễ bị tổn thương. Lớp áo ngoài chứa thành phần chủ yếu là chất tạo keo và có nhiều mạch máu nhỏ nuôi dưỡng cho một nửa ngoài của thành ĐMC, bao gồm một phần lớn lớp áo giữa.

Duy trì tuần hoàn máu: ĐMC là động mạch lớn nhất của cơ thể, xuất phát từ tim và chia thành nhiều nhánh để đưa máu đến nuôi các cơ quan trong cơ thể. Khi tâm thất trái co bóp làm ĐMC phồng lên bởi áp lực của máu được bơm ra từ tâm thất trái. Bằng cách đó, một phần năng lượng động lực học được sinh ra bởi sự co bóp của tâm thất trái được biến đổi thành năng lượng tiềm tàng dự trữ ở thành ĐMC. Sau đó, trong thời kỳ tâm trương, năng lượng dự trữ này được chuyển đổi trở lại thành năng lượng động lực học khi thành ĐMC co lại và đẩy máu ở trong lòng ĐMC ở xa vào trong các động mạch ngoại biên. Do vậy, ĐMC đóng vai trò chủ yếu trong việc duy trì sự tuần hoàn của máu trong thời kỳ tâm trương sau khi chúng được đẩy vào trong ĐMC bởi tâm thất trái trong thời kỳ tâm thu.

Thăm khám cho bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng.

Thăm khám cho bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng.

Khi ĐMC bất thường

Mặc dù có sức mạnh nhất trong hệ thống mạch máu nhưng khi ĐMC có những bất thường như phình, giãn thì rất nguy hiểm, đe doạ đến tính mạng.

Khả năng chun giãn của ĐMC đóng góp chủ yếu vào việc duy trì chức năng bình thường của nó. Tuy nhiên, tính chun giãn và căng phồng lên của ĐMC giảm đi cùng với tuổi tác. Sự thay đổi này xuất hiện ở những người bình thường. Mất khả năng chun giãn và giãn nở làm tăng áp lực mạch thường thấy ở người lớn tuổi và kéo theo là ĐMC dần dần giãn ra. Mất sự chun giãn với tuổi tác sẽ tiến triển nhanh hơn ở người có bệnh tăng huyết áp, tăng cholesterol máu hay bệnh động mạch vành so với những người bình thường. Ngược lại, ở những vận động viên, tính chun giãn của ĐMC cao hơn những ngời cùng lứa tuổi khác.

Về mặt mô học, thành ĐMC ở người cao tuổi có biểu hiện các sợi chun bị đứt gãy kèm theo với tăng sợi tạo keo dẫn đến làm tăng tỉ lệ sợi tạo keo so với sợi chun, góp phần làm mất tính giãn nở. Sự giảm dòng máu ở các mạch máu nuôi thành ĐMC sẽ làm thành ĐMC cứng hơn với những biến đổi về mô học và có thể đây là một nguyên nhân gây ra những biến đổi thoái hoá theo tuổi tác.

Khi khả năng giãn nở của ĐMC mất đi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ chế hoạt động của tâm thất trái với sự tăng lên đáng kể áp lực tâm thu thất trái, sức căng thành tim, áp lực cuối tâm trương và thể tích nhát bóp.

Hơn nữa, giảm sự giãn nở của ĐMC làm tăng sự tiêu thụ oxy của cơ tim để duy trì thể tích nhát bóp ổn định. Cùng với thời gian, sự thay đổi tính giãn nở của ĐMC theo tuổi tác có thể gây ra những thay đổi quan trọng về chức năng tâm thất trái...

Sự suy yếu của một đoạn thành động mạch dẫn đến đường kính lòng động mạch tăng lên so với bình thường. Khi ĐMC bụng giãn to ra thì ta có thể dễ dàng sờ thấy một khối đập theo nhịp tim ở bụng, đặc biệt là ở những người gầy. Nghe có thể thấy tiếng thổi ở ĐMC khi co hẹp ĐMC hay hẹp các nhánh của nó. Các bệnh lý ở gốc ĐMC có thể ảnh hưởng đến van ĐMC gây ra các tiếng thổi mà ta có thể phát hiện được khi nghe. Tiếng thổi do hở van ĐMC thứ phát do gốc ĐMC giãn to ra thường nghe thấy rõ nhất ở dọc theo bờ phải xương ức.

Điều trị thế nào?

Phình động mạch có thể điều trị nếu được chẩn đoán sớm, trước khi động mạch phình bị vỡ. Khi động mạch phình bị vỡ và không được cấp cứu ngay lập tức, bệnh nhân có thể tử vong.

Chụp Xquang ngực là một thăm dò có giá trị và đơn giản để đánh giá ĐMC. Có nhiều phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp chẩn đoán bệnh ĐMC, bao gồm chụp ĐMC với thuốc cản quang, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, siêu âm qua thành ngực và siêu âm qua thực quản. Mục tiêu của điều trị những bất thường ở ĐMC là ngăn ngừa biến chứng vỡ túi phình động mạch. Tùy thuộc vào kích thước, hình dạng và tốc độ phát triển, bác sĩ sẽ đưa ra những chỉ định điều trị thích hợp như dùng thuốc, phẫu thuật…

Phương pháp điều trị bệnh phụ thuộc vào kích thước động mạch phình và nguy cơ vỡ phình động mạch. Nếu động mạch phình nhỏ (đường kính nhỏ hơn 4cm) thì không cần chữa trị nhưng phải kiểm tra mỗi 6 tháng đến 1 năm và siêu âm để theo dõi khối phình động mạch có đang lớn lên hay không. Khối phình khoảng 4 - 5cm có nhiều cách điều trị khác nhau: bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật; một số khác sẽ tiến hành theo dõi mức độ tiến triển của bệnh. Với những động mạch phình có đường kính lớn hơn 5cm, bác sĩ sẽ kiến nghị phẫu thuật để đưa mạch máu nhân tạo bằng lưới sợi tổng hợp vào bên trong của khối phình. Nhiệm vụ của mạch nhân tạo là giúp giữ vững tránh khối phình bị vỡ. Điều bạn cần lưu tâm là duy trì khám sức khỏe định kỳ. Bệnh ở ĐMC đôi khi khó nhận biết do không có biểu biện rõ ràng, thậm chí trong vài trường hợp không có triệu chứng điển hình.


BS. Trần Văn Khanh
Ý kiến của bạn