Cách nhận biết, điều trị và phòng ngừa cúm A

14-02-2025 11:39 | Dược

SKĐS - Dịch cúm A đang có diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành đặc biệt là tại Hà Nội. Bệnh có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nếu không được phòng tránh và điều trị kịp thời...

Hiểu đúng về cúm A

Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên. Theo PGS.TS.BS.Trần Thanh Tú (Bệnh viện Nhi TW), các chủng virus cúm A phổ biến là A/H5N1, A/H1N1, A/H3N2, A/H7N9. Trong đó, chủng A/H7N9 và A/H5N1 thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng lây sang người và tạo thành dịch bệnh rất nặng.

Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện đột ngột và dễ nhận biết như: Ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ. Bệnh có thể kèm theo các triệu chứng ở đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy...

Cách nhận biết, điều trị và phòng ngừa cúm A- Ảnh 1.

Các triệu chứng của cúm A gồm ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, sốt, mệt mỏi...

Ở trẻ nhỏ, ban đầu có sốt từ 38 độ trở lên, uể oải, lười vận động, ho. Trẻ cũng có thể nôn, trớ nhiều lần trong ngày, khát nước; đôi khi các triệu chứng này tự hết mà không cần điều trị đặc biệt, giống như nhiễm virus khác. Tuy nhiên, khi bệnh chuyển nặng, trẻ sốt cao trên 39 độ C, bỏ ăn, bỏ bú, lòng bàn tay và gan bàn chân lạnh, trẻ thở nhanh, ngủ li bì... nặng hơn, trẻ có thể sốt cao đến co giật.

Đối với những người có hệ miễn dịch yếu như người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai cần theo dõi kỹ vì trong một số trường hợp biến chứng của cúm A có thể gây tử vong. Mức độ nghiêm trọng của bệnh từ các triệu chứng nhẹ đến viêm phổi nặng, viêm não và nhiễm trùng toàn thân, có thể đe dọa tính mạng.

PGS.TS.BS.Trần Thanh Tú cho biết, virus cúm A có thể lây truyền trực tiếp trong không khí thông qua đường hô hấp, nên ai cũng có có thể mắc cúm A, tuy nhiên một số trường hợp sau cần chú ý có nguy cơ mắc cao và diễn tiến nặng hơn:

- Trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó trẻ em dưới 2 tuổi có nguy cơ nhiễm cao nhất.

- Người lớn trên 65 tuổi, người có bệnh maạn tính: Đái tháo đường, tim mạch, bệnh ở phổi, suy thận, suy gan và suy giảm miễn dịch, giảm nhận thứ, rối loạn thần kinh, động kinh..

- Phụ nữ mang thai, đặc biệt trong 3 tháng giữa hoặc cuối thai kỳ.

Khi cúm A có biến chứng thường để lại hậu quả nghiêm trọng, gồm: Biến chứng viêm phổi thường gặp ở đối tượng trẻ em, người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính, bệnh mạch vành, suy tim, đái tháo đường… Biến chứng nguy hiểm nhất của cúm A là phù não và tổn thương gan trầm trọng, tỷ lệ tử vong cao.

Có nên tiêm vaccine cúm trong thời điểm có dịch?

PGS.TS.BS.Trần Thanh Tú chia sẻ: Tại Bệnh việm Nhi TW trong thời gian gần đây xảy ra tình trạng quá tải, đặc biệt là Trung tâm tiêm chủng. Tình trạng này xảy ra là do tình hình dịch cúm A đang có nhiều biến chứng phức tạp nên các gia đình tập trung đi tiêm chủng ngừa virus cúm A. Tuy nhiên, đây là một hiểu lầm của người dân về tiêm chủng vaccine cúm mùa.

Tại Việt Nam, vaccine cúm mùa được khuyến khích tiêm chủng hàng năm với số lượng 2 mũi liên tiếp cách nhau 1 tháng.

  • Mũi 1 tiêm từ tháng 8 – tháng 9
  • Mũi 2 tiêm từ tháng 9 – tháng 10.

Cả 2 mũi này nên được hoàn thành tiêm chủng trước 1 tháng kể từ thời điểm có nguy cơ lây nhiễm cúm cao nhất là tháng 11- tháng 12.

Cách nhận biết, điều trị và phòng ngừa cúm A- Ảnh 3.

Nên tiêm vaccine cúm mùa đúng thời điểm để mang lại hiệu quả phòng bệnh.

Do đó, việc các gia đình đổ xô đi tiêm chủng cúm mùa tại thời điểm đang có dịch không phải là biện pháp hiệu quả và an toàn nhất. Việc tập trung nơi đông người, không đảm bảo khoảng cách an toàn, không đeo khẩu sang, sát khuẩn tay.... vô tình tạo điều kiện cho virus lây nhiễm chéo và khiến dịch bệnh lây lan rộng hơn. Hơn nữa, vaccine cúm không có hiệu quả ngay lập tức mà phải khoảng 2 - 3 tuần sau khi tiêm, vaccine mới bắt đầu có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi một số loại virus cúm trong mùa cúm.

Biện pháp điều trị cúm A

PGS.TS.BS.Trần Thanh Tú cho hay, nếu có triệu chứng cảm cúm, nên nghỉ ngơi tại nhà, hạn chế lây nhiễm cho người khác, đồng thời cần thực hiện các biện pháp sau:

Chăm sóc tại nhà:

  • Nghỉ ngơi nhiều, uống nhiều nước để bù dịch.
  • Ăn thức ăn dễ tiêu, giàu dinh dưỡng để hỗ trợ phục hồi.
  • Giữ ấm cơ thể, súc miệng bằng nước muối để giảm triệu chứng viêm họng.

Dùng thuốc đúng cách:

- Nên uống oresol để bù nước và điện giải.

- Sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau để điều trị các triệu chứng theo chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc hạ sốt phổ biến như paracetamol hoặcibuprofen... cần sử dụng liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Thuốc xịt mũi như nước muối biển để vệ sinh mũi nhằm làm sạch dịch nhầy ở mũi giúp cho mũi thông thoáng và dễ thở hơn.

- Không tự ý dùng kháng sinh, vì cúm A do virus gây ra, kháng sinh không có tác dụng.

- Nếu có chỉ định của bác sĩ, có thể dùng thuốc kháng virus để rút ngắn thời gian mắc bệnh. Tuyệt đối không nên lạm dụng tamiflu khi không có chỉ định từ chuyên gia.

- Theo dõi triệu chứng và đến cơ sở y tế khi cần.

- Nếu có dấu hiệu sốt cao kéo dài, khó thở, đau tức ngực, hoặc tình trạng không cải thiện sau 3-5 ngày, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền cần đặc biệt chú ý theo dõi sát sao.

Trên thực tế, rất nhiều người dân tự ý mua thuốc kháng virus tamiflu về điều trị cúm. PGS.TS.BS.Trần Thanh Tú nhấn mạnh, đây là một sai lầm khá thường gặp nhưng vẫn còn nhiều người mắc phải. Tamiflu chỉ phát huy tác dụng trong vòng 2 ngày đầu tiên nhiễm cúm. Hiệu quả thuốc giảm dần và không được khuyến nghị sử dụng vào các ngày tiếp theo. Hơn nữa, không phải đối tượng nào cũng dùng được tamiflu. Đặc biệt nhóm trẻ em dưới 1 tuổi, người lớn tuổi, người mắc các bệnh nền... việc lạm dụng tamiflu tràn lan như hiện nay vô tình khiến đẩy giá thành thuốc tăng cao và chưa chắc đã đạt hiệu quả trong điều trị cúm.

Cách sáng suốt là khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi... không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà, mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

Cách nhận biết, điều trị và phòng ngừa cúm A- Ảnh 4.

Không tự ý dùng kháng sinh, kháng virus để điều trị cúm...

Biện pháp phòng tránh cúm

Dịch cúm A có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, đặc biệt vào mùa đông - xuân. Việc phòng tránh và điều trị đúng cách sẽ giúp hạn chế sự lây lan và giảm thiểu nguy cơ biến chứng. 

Để bảo vệ bản thân và gia đình, hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

Tiêm phòng cúm hàng năm đúng lịch:

  • Vaccine cúm giúp tăng cường miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc biến chứng nặng.
  • Tiêm vaccine đặc biệt quan trọng với trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền.

Giữ vệ sinh cá nhân:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
  • Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay.
  • Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người hoặc tiếp xúc với người có dấu hiệu cảm cúm.
  • Vệ sinh tai mũi họng thường xuyên

Tăng cường hệ miễn dịch:

  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, uống đủ nước.
  • Bổ sung vitamin C.
  • Nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, duy trì lối sống lành mạnh.
  • Luyện tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng. 
  • Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác, đặc biệt người có dấu hiệu bị cúm.

Mời độc giả xem thêm video:

Mắc cúm A bội nhiễm bé trai 4 tuổi lên cơn co giật mất ý thức phải cấp cứu SKĐS_v720P

Nguyễn Hà
Ý kiến của bạn