Tuy nhân xuất hiện trong tuyến giáp ở bất cứ lứa tuổi nào nhưng bệnh chủ yếu là phụ nữ. Một số nghiên cứu cho thấy đến tuổi 60, khoảng một nửa dân số bị nhân tuyến giáp nhưng 90% trường hợp nhân giáp lành tính, không chuyển sang ung thư, chỉ 5-10% các trường hợp nhân giáp ác tính.
Nguyên nhân gây nhân tuyến giáp và yếu tố nguy cơ
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở vùng cổ trước. Tuyến giáp có nhiệm vụ tiết ra hormone cung cấp cho sự phát triển của cơ thể.
Nhân tuyến giáp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, hầu hết không rõ nguyên nhân. Một số yếu tố nguy cơ của nhân tuyến giáp là:
- Gia đình: Thường gặp ở người có anh chị em, cha mẹ mắc bệnh bướu giáp.
- Nữ giới thường gặp hơn nam giới.
- Có yếu tố phơi nhiễm phóng xạ: chụp X-quang, CT-scan vùng cổ, xạ trị vùng cổ…
- Chế độ ăn thiếu iod.
Một số loại nhân tuyến giáp thường gặp
- Nhân keo: Đây là sự phát triển quá mức của các mô tuyến giáp bình thường, nhưng tăng trưởng này là lành tính. Chúng có thể phát triển lớn hơn, nhưng không phát triển xâm lấn ra ngoài bao tuyến giáp.
- U nang tuyến giáp: Đây là tổ chức nang trong đó có chứa dịch hoặc dịch lẫn tổ chức đặc của tuyến giáp.
- Các nốt viêm: Những nốt này phát triển là kết quả của viêm mạn tính lâu dài, có thể gây đau hoặc không.
- Bướu giáp đa nhân: Đôi khi tuyến giáp phát triển tạo thành nhiều nốt, tuy nhiên những trường hợp này phần lớn là lành tính.
- Cường giáp: Tuyến giáp phát triển bất thường làm sản xuất hormone nhiều hơn bình thường mà không quan tâm đến các cơ chế kiểm soát bình thường của cơ thể, điều này tạo nên bệnh gọi là cường giáp. Bệnh cường giáp có thể ảnh hưởng đến tim làm tim đập nhanh, hoặc ngừng tim đột ngột, cao huyết áp, loãng xương và các vấn đề sức khỏe khác.
- Ung thư tuyến giáp: Gặp khoảng 5% tỷ lệ bướu giáp nhân.
Biểu hiện của nhân tuyến giáp
Đa số bệnh nhân phát hiện nhân giáp là khi đi khám sức khỏe tổng quát siêu âm tuyến giáp. Những nhân giáp nhỏ lành tính thường không có triệu chứng trên lâm sàng.
Với những nhân to thì bệnh nhân có thể thấy cổ to ra, khó thở, nuốt nghẹn, thay đổi giọng nói hay khàn tiếng…
Những nhân giáp có đi kèm sự bất thường của hormone tuyến giáp (cường giáp hay suy giáp) thường có các triệu chứng toàn thân như: hồi hộp, run tay, tăng tiết mồ hôi, giảm cân, mất ngủ,…
Cách tốt nhất để phát hiện nhân tuyến giáp là thăm khám vùng cổ bao gồm sờ tuyến giáp và siêu âm tuyến giáp giúp phát hiện các nhân giáp không sờ thấy được. Người bệnh còn được xét nghiệm hormone tuyến giáp (Thyroxine, hoặc T4) và hormone kích thích tuyến giáp (TSH) trong máu để xác định tuyến giáp có hoạt động bình thường hay không.
Trong một số trường hợp không thể xác định nhân tuyến giáp là ung thư (tỷ lệ ác tính rất thấp) bằng khám lâm sàng và xét nghiệm máu thì cần đến các xét nghiệm đặc biệt như siêu âm và chọc tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ.
Xét nghiệm máu giúp các bác sĩ kiểm tra có sự bất thường của hormone tuyến giáp qua các xét nghiệm về TSH, FT3, FT4.
Siêu âm giúp bác sĩ thấy được hình ảnh tổng quan về hình dạng, kích thước, vị trí của nhân giáp. Dựa vào các hình ảnh để phân tầng nguy cơ của nhân tuyến giáp, các dấu hiệu gợi ý ác tính của nhân.
Chọc hút nhân giáp bằng kim nhỏ (FNA tuyến giáp) để lấy tế bào nhân giáp làm giải phẫu bệnh. Bác sĩ sẽ dùng 1 bơm tiêm dưới hướng dẫn của siêu âm để chọc hút ra mô tuyến giáp. Các mô này sẽ được gửi tới phòng xét nghiệm cho bác sĩ giải phẫu bệnh nhìn dưới kính hiển vi để xác định bản chất của mô giáp này.
Điều trị nhân tuyến giáp
Tùy từng người, tùy từng loại nhân giáp… để bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị nội ngoại khoa tối ưu nhất cho bệnh nhân.
Nếu nhân giáp lành tính không có sự thay đổi bất thường hormone các bác sĩ sẽ chỉ định theo dõi định kỳ. Đối với những nhân giáp nhỏ, yếu tố nguy cơ thấp, bác sĩ có thể hẹn bệnh nhân tái khám theo dõi định kỳ mỗi 6-12 tháng.
Những nhân giáp to, có triệu chứng chèn ép, phình to vùng cổ gây mất thẩm mỹ thì phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp là phương pháp điều trị tốt nhất. Đốt nhân giáp bằng sóng cao tần (RFA tuyến giáp dưới hướng dẫn siêu âm. Khi đốt nhân giáp bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ không để lại sẹo, có ý nghĩa nhiều về mặt thẩm mỹ cho bệnh nhân.
Đôi khi có những nhân giáp có yếu tố nguy cơ cao, kết quả FNA không chắc chắn thì phẫu thuật là lựa chọn vừa điều trị vừa chẩn đoán chính xác nhất.
Đối với nhân giáp kèm sự thay đổi hormone tuyến giáp (cường giáp hay suy giáp) thì việc điều trị nội khoa là chủ yếu. Nếu nhân giáp lớn, điều trị nội khoa nhiều lần thất bại thì sẽ chỉ định phẫu thuật cắt tuyến giáp.
Đối với nhân giáp là ung thư sẽ được phẫu thuật. Cắt tuyến giáp loại bỏ nhân ung thư kèm nạo vét hạch cổ. Tùy thuộc vào kích thước nhân, kết quả FNA nhân giáp mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp cắt bán phần hay cắt toàn phần tuyến giáp. Sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ được hẹn tái khám để theo dõi, đánh giá kết quả điều trị xem có cần xạ trị tuyến giáp sau mổ hay không.
Tóm lại: Nhân tuyến giáp là tình trạng mô tuyến giáp phát triển bất thường. Nhân tuyến giáp rất phổ biến, đa phần lành tính và có thể điều trị hiệu quả. Người có nhân tuyến giáp hầu hết không có triệu chứng, tình cờ bệnh được phát hiện khi khám sức khỏe tổng quát, khám những bệnh khác không liên quan thông qua chụp CT-Scanner, siêu âm vùng cổ hoặc xét nghiệm chức năng tuyến giáp bất thường. Vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ là vô cùng quan trọng. Nếu soi gương thấy vùng cổ có khối to hoặc nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.
Lưu ý sử dụng thuốc sau khi phẫu thuật tuyến giáp | SKĐS