Vì sao bệnh tiểu đường hay gây các biến chứng tim mạch?
Các nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân mắc tiểu đường khoảng 5 năm thông thường sẽ bắt đầu xuất hiện các biểu hiện về bệnh tim mạch đi kèm. Sự kết hợp của tiểu đường và tim mạch làm cho tỉ lệ tử vong ở người bệnh tăng lên gấp 3 lần so với người bệnh tim mạch đơn thuần.
Bệnh nhân tiểu đường type 2 rất dễ bị xơ vữa động mạch và các tổn thương này thường lan tỏa tới nhiều vùng như động mạch vành, động mạch thận, động mạch não và động mạch tứ chi… gây khó khăn trong điều trị. Ở những bệnh nhân này, thành động mạch sẽ mất đi tính co giãn; các mảng xơ vữa giòn và dễ vỡ, gây tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến biến chứng nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy thận mạn tính.
Theo ghi nhận cho thấy những người bị tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 4 lần so với người bình thường. Tỷ lệ bệnh nhân tiểu đường bị nhồi máu cơ tim tăng từ 45% lên đến 75% trong vòng 10 năm qua.
Bệnh tiểu đường liên quan đến rối loạn chuyển hóa nên làm gia tăng xơ vữa động mạch và huyết khối động mạch.
Các các kết luận đều cho rằng, người bệnh tiểu đường sẽ bị tăng xơ vữa động mạch và bệnh động mạch vành mạn. Nguy cơ suy tim và hội chứng động mạch vành cấp của bệnh nhân tiểu đường cũng gia tăng. Nguyên nhân là do bệnh tiểu đường làm cho tiến trình xơ vữa mạch máu xảy ra sớm và nặng hơn.
Bản chất của bệnh tiểu đường liên quan đến rối loạn chuyển hóa bao gồm: tăng đường huyết, rối loạn lipid máu và đề kháng insuline. Do đó làm rối loạn chức năng nội mạc, tế bào cơ trơn và tiểu cầu. Hậu quả là gia tăng xơ vữa động mạch và huyết khối động mạch.
Biến chứng tim mạch thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường
Các yếu tố khiến cho bệnh nhân tiểu đường mắc nguy cơ biến chứng tim mạch gồm:
- Người bệnh tiểu đường không kiểm soát tốt đường máu;
- Tăng huyết áp;
- Rối loạn lipid máu;
- Lười vận động;
- Béo phì;
- Hút thuốc lá và uống nhiều bia rượu;
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch….
Dưới đây là một số biến chứng tim mạch thường gặp.
- Biến chứng mạch vành
Khi đó, hiện tượng xơ vữa xảy ra trên các động mạch cấp máu cho tim sẽ dẫn đến: cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim… Tuy nhiên, biểu hiện lâm sàng của các bệnh này trên bệnh nhân tiểu đường thường không rõ ràng, khó nhận biết. Đôi khi chỉ phát hiện nhờ tình cờ đi khám bệnh.
- Biến chứng mạch máu não
Tình trạng xơ vữa xảy ra ở mạch máu não sẽ gây ra tai biến mạch máu não, biểu hiện bằng nhồi máu não hoặc xuất huyết não… Khi đó, người bệnh sẽ có triệu chứng lâm sàng đột ngột bằng liệt một nửa người, méo miệng, có thể kèm theo rối loạn ý thức ở các mức độ khác nhau.
- Biến chứng mạch máu chi dưới
Khi tình trạng xơ vữa xảy ra ở động mạch chi dưới, bệnh nhân sẽ thường gặp các trường hợp như là hẹp, tắc động mạch chi dưới,… Khi đó, người bệnh sẽ có triệu chứng cảm thấy đau, mỏi chân hay chuột rút khi đi bộ.
Sau khi nghỉ ngơi, các dấu hiệu sẽ biến mất, bệnh nhân có thể tiếp tục đi được cho đến khi xuất hiện lại các triệu chứng đau.
Phòng ngừa biến chứng tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường
Cần làm gì để phòng ngừa biến chứng tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường? Các nhà khoa học khuyến cáo bệnh nhân cần được phát hiện sớm và điều trị các yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch bao gồm:
- Cần kiểm soát đường huyết, tùy theo lứa tuổi và tình trạng bệnh lý kết hợp. Nhìn chung phải đảm bảo lượng đường máu lúc đói ≤7,0-7,5 mmol/l , sau ăn 2 h≤ 10 mmol/l và HbA1C ≤6,5-7%.
Đây là vấn đề mấu chốt nhất, nếu không kiểm soát tốt được đường máu, sẽ không thể khống chế được các biến chứng của đái tháo đường.
- Cần kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu.
- Cần thay đổi khẩu phần ăn, giảm cân, phòng tránh béo phì.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, điều độ: giảm ăn muối, tinh bột, chất béo, đạm, tăng ăn rau xanh và các thực phẩm tươi sống,…
- Kiểm soát căng thẳng, ngủ đủ giấc: Hormone tiết ra khi căng thẳng làm tăng huyết áp và khó kiểm soát đường máu.
- Cần hạn chế rượu bia, giảm và dừng hút thuốc.
- Tăng cường vận động thể lực, tốt nhất nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày mỗi tuần. Cách thức tập thể dục phụ thuộc vào từng cá nhân cụ thể, cần tập cho ra mồ hôi.
- Sử dụng nhật ký, sổ theo dõi hoặc biểu đồ để theo dõi chỉ số huyết áp, đường máu, nếu chỉ số cao bất thường phải liên hệ với bác sĩ ngay.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần được truyền thông để nắm rõ các triệu chứng sớm của biến chứng tim mạch và đi khám kịp thời khi có bất cứ triệu chứng nghi ngờ có liên quan đến biến chứng tim mạch.
Việc thăm khám định kỳ có vai trò rất quan trọng đối với tầm soát, phát hiện và điều trị sớm các biến chứng tim mạch.
Mời độc giả xem thêm video:
Hai Loại Rau Giúp Thanh Nhiệt, Giải Độc |SKĐS