Cách ngăn ngừa rối loạn tâm thần mùa thi

BS. Lê Công Thiện

BS. Lê Công Thiện

Bs Lê Công Thiện, Phó trưởng bộ môn Tâm thần - ĐH Y Hà Nội. Trưởng phòng Nhi và người già - Viện Sức khỏe Tâm thần- Bv Bạch Mai.

18-05-2018 07:36 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Ở thời điểm mùa thi và tuyển sinh đang cận kề; áp lực học tập, thi cử luôn khiến các em học sinh căng thẳng, dễ gặp các rối loạn tâm thần...

Làm thế nào để phát hiện sớm các biểu hiện liên quan đến sức khỏe tâm thần và cách gì giúp các em học sinh giảm áp lực. Phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với ThS.BS. Lê Công Thiện, Trưởng phòng điều trị Tâm thần Nhi - Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai; Phó trưởng Bộ môn Tâm thần - Trường Đại học Y Hà Nội về vấn đề này.

Cách ngăn ngừa rối loạn tâm thần mùa thiThs.BS. Lê Công Thiện.

Phóng viên (PV): Bác sĩ đánh giá như thế nào về tỷ lệ mắc chứng tâm thần luôn tăng cao trong thời điểm trước và sau khi kỳ thi phổ thông trung học (PTTH) và đại học (ĐH)?

ThS.BS. Lê Công Thiện: Trên thực tế chưa có nghiên cứu đầy đủ về tỷ lệ mắc bệnh tâm thần của học sinh, sinh viên trong thời điểm trước và sau kỳ thi PTTH và ĐH. Tuy nhiên, vấn đề căng thẳng, rối loạn cảm xúc, trầm cảm, loạn thần, rối loạn thích ứng... là những rối loạn thường gặp khi các cháu đến bệnh viện tâm thần để khám bệnh. Theo tôi tỷ lệ rối loạn tâm thần chưa có sự khác biệt quá lớn trong các kỳ thi tuyển, áp lực thi cử khiến cho nhiều học sinh bị stress giống như các kỳ thi thông thường khác. Nhưng phải nói rằng, các kỳ thi quan trọng có vai trò giống như một yếu tố khởi phát, thúc đẩy nhanh hơn các căn bệnh liên quan đến tâm thần ở học sinh.

PV: Xin bác sĩ cho biết, các rối loạn tâm thần liên quan đến mùa thi hay gặp và cách nhận biết?

ThS.BS. Lê Công Thiện: Học và thi cử đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều học sinh, tâm lý ganh đua điểm số, chịu áp lực của gia đình thầy cô, học tập nặng nề cùng với việc phải thức khuya, dậy sớm, học thêm khiến nhiều học sinh luôn rơi vào trạng thái stress đau đầu, hoa mắt, chóng mặt... thậm chí mắc các chứng bệnh về tâm thần. Bệnh nhân thường có các biểu hiện hay gặp như: căng thẳng, ngủ kém, buồn chán... biểu hiện khác biệt so với những trạng thái cảm xúc bình thường trước đây. Thông thường người bệnh có tinh thần xấu và luôn có một nỗi buồn hiện diện, cảm giác chán nản, không có khả năng vui thích với những thứ mà bình thường khiến bản thân vui vẻ. Tâm trạng chán chường này thường đi kèm với những suy nghĩ và cách nhìn tiêu cực. Bệnh nhân thường có một hoặc nhiều các biểu hiện như: tâm trạng buồn rầu, chán nản thường trực, dễ khóc, cảm giác tuyệt vọng, tiêu cực, cảm giác tội lỗi, vô dụng, bất lực và tự trọng thấp, tập trung kém, thiếu năng lượng, mệt mỏi... Nhiều trường hợp có các triệu chứng sinh lý như: ngủ không trọn giấc, thay đổi thói quen khẩu vị ăn uống, thay đổi cân nặng... các triệu chứng thể chất như táo bón, bồn chồn, khó chịu...Nhiều trường hợp ở thái cực có tâm trạng phấn khích, hay khó chịu, nói nhiều, nhiều năng lượng hơn một cách rõ rệt, cư xử hành động không phù hợp, quá mức thân thiết, dễ bị phân tán...

Cách ngăn ngừa rối loạn tâm thần mùa thiGiảm áp lực thi cử cho học sinh, phòng tránh bệnh tâm thần.

PV: Theo bác sĩ, nguyên nhân do đâu khiến tỷ lệ rối loạn tâm thần của các sĩ tử ngày càng cao?

ThS. BS. Lê Công Thiện: Nguyên nhân của vấn đề này do nhiều yếu tố, trong đó việc bố mẹ đặt nhiều kỳ vọng và luôn cho rằng đó là động lực cho con mình cố gắng. Ngoài ra, trong các kỳ thi thì nhịp sống, nếp sinh hoạt của các em cũng thay đổi (ăn, ngủ không đúng giờ như thường lệ và không có thời gian giải trí)... Có những trường hợp bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc do chính bản thân các em tự tạo áp lực cho mình. Các em luôn trong trạng thái học tập căng thẳng, tâm trạng lo sợ thi rớt, sợ thua kém bạn bè. Thậm chí, có em chỉ ngủ 2 - 3 tiếng/ngày, dẫn đến quá trình học tập bị giảm sút. Để đối phó với việc thức đêm, các em lại lạm dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá mà không chú ý đến việc bổ sung dinh dưỡng và năng lượng phù hợp. Nguyên nhân nội sinh cũng làm cho bệnh khởi phát, bởi chứng bệnh vốn đã tiềm ẩn trong cơ thể, khi chịu sự tác động, thay đổi của các yếu tố bên ngoài, căn bệnh mới phát ra ngoài. Hoặc chỉ đơn giản khi cơ thể đang mắc một chứng bệnh gì đó như cảm cúm, suy nhược cơ thể...khi cộng thêm việc ôn thi quá mức sẽ phát bệnh. Sự kỳ vọng quá nhiều của gia đình đã trực tiếp gây sức ép lớn với các thí sinh. Khi không làm thỏa mãn sự kỳ vọng đó, nhiều em rơi vào trạng thái tuyệt vọng, không thể kiểm soát được trạng thái tinh thần và hành vi. Nguy hiểm hơn, có trường hợp vì chán nản nên muốn hủy hoại cơ thể, hậu quả đã có nhiều em tìm đến cái chết bằng cách rạch tay, uống thuốc ngủ...

PV: Vậy theo bác sĩ cần làm gì để giảm bớt tình trạng này?

ThS. BS. Lê Công Thiện: Để giảm bớt được những trường hợp nhập viện vì bệnh này thì việc đầu tiên cần làm là tuyên truyền nhiều về sức khỏe tâm thần để mọi người hiểu rõ về nó. Học sinh, sinh viên cần biết về các phương pháp học tập đúng đắn, biết cách giải tỏa căng thẳng, tránh lo âu, chán chường vì áp lực học hành; từ đó xây dựng thói quen học tập với thời gian sinh hoạt hợp lý (phải đảm bảo giấc ngủ tối thiểu 8 tiếng mỗi ngày).

Cách ngăn ngừa rối loạn tâm thần mùa thiHọc sinh cần có phương pháp học tập khoa học, biết cách giải tỏa căng thẳng... (ảnh minh họa)     Ảnh: T. Minh

Đặc biệt, gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc nhận biết các biểu hiện của con cái để đưa con đi tư vấn tâm lý, điều trị kịp thời. Các vị phụ huynh không nên đặt quá nhiều kỳ vọng hay áp lực lên con cái, quan tâm nhiều hơn đến phương pháp học tập cũng như sức khỏe của con, khi thấy con có dấu hiệu lạ (ngủ lâu hoặc ít ngủ, cáu giận, bực bội, không chịu vệ sinh tắm rửa, ăn uống thất thường...) thì cần theo dõi sát sao, rồi đưa đi kiểm tra sức khỏe sớm. Về phía thầy cô giáo, những người rất gần gũi, tiếp xúc 8 tiếng trong một ngày với các học sinh, nếu thấy các em có biểu hiện bất thường hàng ngày thì các thầy cô phải thông báo ngay cho gia đình.

Hiểu rõ nguy cơ mắc bệnh tâm thần và thực hiện các biện pháp phòng bệnh tâm thần là cách tốt nhất đối với các bậc phụ huynh và các sĩ tử trong mùa thi.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!


Hoàng Hà (thực hiện)
Ý kiến của bạn