Hà Nội

Cách ngăn ngừa nguy cơ tổn thương thận khi uống thuốc

16-08-2019 15:33 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Ngay nay, tỷ lệ người mắc bệnh mạn tính như: đái tháo đường, tim mạch… ngày càng gia tăng khiến người bệnh phải dùng nhiều loại thuốc điều trị hơn.

Điều này đồng nghĩa với khả năng gây hại cho chức năng của thận. Ước tính khoảng 20% trường hợp suy thận cấp là do thuốc và con số này sẽ còn tiếp tục gia tăng khi dân số già cùng với tỷ lệ mắc nhiều bệnh khác nhau tăng lên.

Thận loại bỏ chất thải, chất lỏng dư thừa trong cơ thể bằng cách lọc máu và tạo ra nước tiểu. Nó cũng cân bằng điện giải và tạo ra các hormon ảnh hưởng đến huyết áp, xương khớp... Khi một loại thuốc nào đó ảnh hưởng đến thận sẽ làm giảm chức năng của thận.

Các triệu chứng nhiễm độc thận có thể khác nhau tùy theo từng người. Các dấu hiệu có thể bao gồm: giảm lượng nước tiểu, sưng ở chân, bàn chân hoặc mắt cá chân do giữ nước, mệt mỏi, buồn nôn, nhầm lẫn, khó thở và/hoặc đau ở ngực...

Cảnh giác với một số thuốc có thể làm tổn thương thận.

Cảnh giác với một số thuốc có thể làm tổn thương thận.

Các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến thận

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Các NSAID được kê đơn như ketoprofen, ibuprofen, naproxen... có thể làm thu hẹp các mạch máu dẫn đến thận.

Kháng sinh: Các loại kháng sinh khác nhau có thể gây hại cho thận theo những cách khác nhau. Các aminoglycoside như tobramycin có thể gây độc tính trong các tế bào ống thận. Sulfonamides có thể tạo ra các tinh thể không hòa tan trong nước tiểu, do đó ngăn chặn dòng chảy của nước tiểu. Vancomycin có thể gây sưng và viêm thận.

Thuốc kháng virut: Thuốc kháng virut như acyclovir, valaciclovir... được sử dụng để điều trị Herpes, thủy đậu và bệnh zona, mụn rộp... có thể dẫn đến sưng và viêm thận và cũng có thể tạo ra những tinh thể khó tan.

Thuốc điều trị HIV: Tenofovir, atazanavir cũng có thể gây độc tính trong các tế bào ống thận, đây là những chất đặc biệt dễ làm thận bị tổn thương do số lượng lớn chất độc mà thận phải tiếp xúc.

Thuốc lợi tiểu: Hydrochlorothiazide và furosemideđược sử dụng để điều trị tăng huyết áp và phù, có thể gây mất nước và cũng có thể dẫn đến sưng và viêm thận.

Cách ngăn ngừa nguy cơ tổn thương thận khi uống thuốc

Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc. Khi được bác sĩ kê đơn, người bệnh cần tuân thủ điều trị hoặc uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất (đối với các thuốc không kê đơn trị bệnh thông thường).

Tránh dùng các thuốc gây độc thận trong thời gian dài. Việc sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào ngay cả thảo dược cũng phải theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Hãy chắc chắn rằng bạn không dùng thuốc thường xuyên hoặc nhiều hơn mức cần thiết vì đây là nguyên nhân phổ biến gây độc tính.

Uống nước đủ để các độc tố được đào thải ra ngoài. Mất nước là một yếu tố nguy cơ được biết đến đối với suy thận vì nó có thể khiến thuốc khó đào thải hơn.

Tránh dùng NSAID khi mang thai. Nhiễm trùng thận là phổ biến hơn trong khi mang thai và điều này có thể dẫn đến cân nặng khi sinh thấp hơn hoặc sinh non.

Tránh uống rượu trong khi dùng thuốc, đặc biệt là các thuốc có thể gây độc cho thận vì nó có thể dẫn đến mất nước, tăng huyết áp và bệnh gan khiến bạn có nguy cơ bị rối loạn chức năng thận.

Nếu bạn bị tăng huyết áp, tiểu đường và tất nhiên là bệnh thận thì bạn càng cần phải lưu tâm đặc biệt khi uống bất kỳ loại thuốc nào và cần phải báo ngay với bác sĩ điều trị. Nếu bạn đang dùng thuốc có thể gây ảnh hưởng cho thận, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm, đánh giá chức năng thận để có thể xác định và điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp cho bạn.

1/3 trường hợp suy thận do thuốc có thể phòng ngừa nếu được theo dõi thích hợp. Các chuyên gia cho rằng sau khi đánh giá ban đầu về chức năng thận, các bác sĩ nên theo dõi thường xuyên về quá trình sử dụng thuốc ở bệnh nhân đặc biệt là những bệnh nhân phải sử dụng thuốc lâu dài và những bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ đối với chức năng thận bị suy yếu. Nếu có dấu hiệu suy thận, bác sĩ nên xem lại các loại thuốc bệnh nhân đang dùng để xác định loại thuốc nào gây ra vấn đề để có giải pháp khắc phục phù hợp.


DS. Trịnh Thị Khánh
Ý kiến của bạn