Cách ngăn ngừa hôi chân trong mùa hè

SKĐS - Mùa hè ra mồ hôi nhiều cũng là lúc chúng ta cảm thấy phiền toái do hệ lụy này gây ra, điển hình là hôi chân. Dưới đây là cách chăm sóc và ngăn ngừa hôi chân sau một ngày dài.

1. Nguyên nhân gây ra mùi hôi chân

Tiến sĩ Rasya Dixit, bác sĩ da liễu ở Bangalore (Ấn Độ) cho biết, bàn chân của chúng ta có thể bắt đầu có mùi do đổ mồ hôi nhiều, đặc biệt trong mùa hè. Điều này làm tăng mức độ vi khuẩn và nấm xuất hiện tự nhiên trên da, có khả năng dẫn đến mùi hôi chân.

Giày dép kín, chẳng hạn như giày đi học, chơi thể thao hoặc đi làm, có thể làm trầm trọng thêm vấn đề này do tích tụ mồ hôi. Môi trường kín tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm phát triển, khiến chân có nhiều mùi hôi hơn.

Ngoài ra, những người mắc một số bệnh nhất định như bệnh tiểu đường, có thể dễ bị nhiễm trùng da hơn, khiến mùi hôi chân thêm trầm trọng.

Cách ngăn ngừa hôi chân trong mùa hè- Ảnh 1.

Khi nhiệt độ tăng lên có thể gây đổ mồ hôi và khó chịu. Trong thời gian này, cần giữ vệ sinh tốt và loại bỏ hết mồ hôi, bụi bẩn để ngăn ngừa hôi chân.

2. Cách phòng ngừa và loại bỏ hôi chân

Tiến sĩ Dixit gợi ý những lời khuyên hoặc thói quen thiết thực sau đây mà mọi người có thể áp dụng để ngăn ngừa mùi hôi chân trong suốt cả ngày:

- Chọn giày hở mũi: Bất cứ khi nào có thể, hãy chọn những loại giày hở mũi, giúp chân được thông thoáng, giảm tích tụ mồ hôi và mùi hôi sau đó. Tránh xa giày dép làm từ chất liệu nhựa vì chúng có thể làm tăng tiết mồ hôi.

- Thay tất hàng ngày: Nếu cần phải đi giày kín, hãy tập thói quen thay tất hàng ngày để duy trì sự tươi mát cho bàn chân và giảm thiểu mùi hôi. Chọn tất cotton thay vì các loại tất tổng hợp. Chất liệu cotton giúp không khí lưu thông tốt hơn quanh bàn chân, giảm nguy cơ gây mùi.

Cách ngăn ngừa hôi chân trong mùa hè- Ảnh 2.

Thay tất hàng ngày sẽ giúp giảm hôi chân.

- Vệ sinh chân: Sau khi đi làm hoặc hoạt động ngoài trời về, hãy rửa chân bằng xà phòng, tập trung làm sạch và lau khô kỹ lưỡng, đặc biệt là giữa các ngón chân. Thường xuyên cắt tỉa móng chân cũng giúp duy trì vệ sinh bàn chân tổng thể.

- Theo dõi nhiễm nấm: Kiểm tra khoảng trống giữa các ngón chân để tìm dấu hiệu nhiễm nấm, chẳng hạn như cặn trắng. Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

- Phòng ngừa nấm chân: Đối với những người dễ bị nhiễm nấm, bôi bột chống nấm theo toa trước khi đi tất, có thể là biện pháp chủ động ngăn chặn sự phát triển của nấm. Bên cạnh đó, cải thiện mùi hôi chân còn bao gồm sự kết hợp giữa việc lựa chọn giày dép phù hợp, duy trì các biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt và cảnh giác với các bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn.

Mời độc giả xem thêm:

9 bài thuốc trị hôi chân khi trời nồm ẩm, dễ thực hiện tại nhà9 bài thuốc trị hôi chân khi trời nồm ẩm, dễ thực hiện tại nhà

SKĐS - Hôi chân khi đi giày nhiều là điều khó tránh khỏi, nhất là những ngày nóng bức hay nồm ẩm. Một số bài thuốc nam có thể thực hiện tại nhà ứng phó với tình trạng này.


BS. Nguyễn Bích Ngọc
Ý kiến của bạn