Nguyễn Văn Toàn (Hà Nội)
Bệnh gút có nhiều nguyên nhân, trong đó nồng độ axit uric trong máu tăng cao là nguyên nhân chính. Bệnh có thể xảy ra do một số lý do: di truyền, chế độ ăn uống, sự bài tiết axit uric của thận. Chế độ ăn uống chiếm khoảng 12% nguyên nhân của bệnh gút: Sử dụng nhiều thức uống có cồn. Đồ uống có hàm lượng đường cao. Thức ăn có chứa nhiều đạm (thịt bò, hải sản). Axit uric là một sản phẩm phụ tạo ra do sự tồn đọng của purin, có thể thấy trong tạng động vật: gan, não, thận, lách và cá trích, cá thu. Purin cũng có trong tất cả các loại thịt, cá và gia cầm. Thông thường, axit uric bị phân hủy trong máu và thải ra ngoài qua nước tiểu. Nhưng đôi khi cơ thể tạo quá nhiều axit uric hoặc thải axit ra quá ít. Hậu quả là axit uric trong máu tăng lên, tích lũy và lắng đọng thành những tinh thể sắc nhọn hình kim tại các khớp gây ra triệu chứng đau đớn, viêm sưng khớp trong bệnh gút.
Hiện chưa có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa sự khởi phát và tái phát của các cơn gút. Bác sĩ sẽ cho bạn dùng một số thuốc giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm thiểu độ nặng của các cơn tái phát sau này. Việc duy trì nồng độ axit uric ổn định ở giới hạn bình thường là cách ngăn ngừa bệnh gút lâu dài và hiệu quả nhất. Ngoài ra, việc thay đổi lối sống (chế độ ăn khoa học, hạn chế uống rượu bia, duy trì cân nặng hợp lý, năng tập luyện...) rất hữu ích để hỗ trợ điều trị bệnh gút hiệu quả.
BS. Trương Hoàng