Canh măng luôn xuất hiện trong các mâm cỗ, bàn tiệc của người Việt, đặc biệt trong mâm cỗ Tết. Canh măng thường được nấu từ măng khô đã chế biến rất kỹ hòa quyện cùng với vị béo ngậy thơm ngon của thịt ngan hoặc gà già. Thông dụng nhất là món canh măng sườn mọc hoặc canh măng móng giò thường được sử dụng trong mâm cỗ Tết Nguyên đán của các gia đình.
1. Canh măng móng giò chứa nhiều thành phần dưỡng chất tốt cho sức khỏe
Món ăn này không những thể hiện sự cầu kỳ, tỉ mỉ của gia đình mà còn giữ vai trò điều hòa vị cho mâm cỗ Tết vốn rất nhiều đạm, thừa thịt, thiếu rau. Món canh măng trong những ngày Tết còn có tác dụng điều hòa âm dương, bồi bổ khí huyết, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh.
Canh măng móng giò là món ăn bổ sung khá nhiều dưỡng chất cho cơ thể. Theo y học cổ truyền, chân giò heo rất giàu dinh dưỡng, chứa canxi, sắt và nhiều vitamin có tác dụng bổ máu, thông sữa, bổ thận, bổ tỳ vị, giải nhiệt, giúp người bệnh phục hồi sức khỏe sau mổ, bệnh nặng. Nhờ lượng collagen dồi dào trong móng giò giúp làn da căng bóng.
Ngoài thành phần dinh dưỡng có trong chân giò nấu kèm thì măng cũng là nguyên liệu chứa nhiều vi chất có lợi cho sức khỏe. Trong măng có nhiều thành phần như protein, carbohydrate, acid amin, đường, chất béo, chất xơ,... và cũng chứa nhiều vitamin thiết yếu như vitamin A, C, E, và B giúp tăng cường miễn dịch. Măng có nhiều chất xơ làm giảm hấp thu cholesterol vào máu hỗ trợ giảm mỡ máu, giảm cân, tốt cho tim mạch và nhuận tràng. Măng khô và móng giò được ninh nhừ vừa bổ dưỡng, ngon miệng, dễ tiêu, trừ đờm.
Theo ThS.BS. Trần Thị Minh Nguyệt - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, măng là thực phẩm có vị ngọt, hơi đắng, chứa nhiều dinh dưỡng và giàu chất xơ; là thực phẩm giúp giảm cân, giảm mỡ máu, trị táo bón, hỗ trợ tiêu hóa. Đây là thực phẩm được ưa dùng vào dịp Tết, do có tác dụng chống ngấy khi ăn thức ăn nhiều mỡ.
Măng có nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu và khoáng chất như selen, kali rất có lợi cho tim. Cùng với đó, lượng carbohydrate và đường thấp khiến măng trở thành thực phẩm lý tưởng giúp phòng ngừa các bệnh tim mạch. Nhờ khả năng đào thải cholesterol dư thừa nên canh măng cũng có khả năng thanh lọc động mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Hơn nữa, canh măng cũng chứa hàm lượng chất béo rất thấp do đó đây là món ăn rất tốt cho những người ăn kiêng. Đặc biệt, trong măng chứa thành phần phytosterol và một lượng lớn chất xơ, được xem như một loại thuốc tự nhiên có tác dụng làm giảm cholesterol.
Là một loại thực phẩm rất giàu chất xơ, măng không chỉ giúp làm giảm lượng cholesterol và cải thiện sức khỏe tim mạch mà còn duy trì hoạt động của đường ruột. Măng là một món ăn lý tưởng nếu bạn đang thực hiện chế độ ăn kiêng để giảm cân.
2. Chế biến măng khô thế nào cho an toàn?
Để có được một nồi canh măng cũng khá cầu kỳ và mất nhiều thời gian, do đó, từ sau ngày 23 tháng Chạp, các bà nội trợ thường sơ chế và chế biến một lượng măng nhiều, đủ để ăn trong suốt dịp Tết. Tuy nhiên, món ăn này phải có bí quyết nấu riêng để chuẩn vị ngon cũng như loại bỏ các độc tố gây hại có trong măng.
BS. Trần Thị Minh Nguyệt gợi ý, để đảm bảo an toàn khi chế biến măng khô, bạn nên rửa sạch bụi bẩn, sau đó cho măng khô vào ngâm nước trong 6 - 8 giờ cho măng nở mềm. Cần thay nước ngâm măng vài lần để loại bỏ vị đắng.
Bạn nên luộc kỹ măng trước khi chế biến món canh măng. Sau đó chắt bỏ nước và thay nước mới. Luộc và xả măng nhiều lần đến khi nước luộc trong, không còn mùi khó chịu. Trong khi luộc cần để mở nắp để độc tố bay hơi.
Sau khi luộc xong, xé măng thành sợi nhỏ để chuẩn bị chế biến các món ăn. Nếu không sử dụng ngay, có thể gói kín lại và bảo quản 1 tuần trong ngăn mát tủ lạnh.
Nên rửa sạch bụi bẩn trước khi ngâm măng khô với nước ấm sạch trong 3 ngày và mỗi ngày đều phải thay nước mới. Ngày cuối cùng lấy măng ra và ngâm tiếp trong nước gạo để làm sạch lại và khử bớt độc rồi mới đem luộc.
Khi luộc măng nên thêm 1 nắm lá rau ngót để các độc tố được thải hết ra ngoài. Đối với các loại măng độc, nên ngâm bằng nước vôi trong, khi luộc, nên mở vung cho chất độc bay hơi.
3. Cách nấu canh măng móng giò ngon chuẩn vị
Sơ chế: Măng khô sơ chế sạch như trên, thái miếng vừa ăn với măng lưỡi lợn hoặc xé nhỏ với măng nứa, ướp chút muối cho mềm. Móng giò cạo sạch ngâm với nước muối loãng sau đó rửa nước lã cho sạch. Đun nước sôi cùng 1 thìa muối hạt, cho móng giò vào luộc sơ cho nổi hết bọt bẩn. Rửa sạch lại với nước, để ráo.
Chế biến: Móng giò ướp chút gia vị 15 phút cho ngấm. Đổ nước lạnh vào đun kỹ nhỏ lửa tầm 30-40 phút hoặc cho vào nồi ủ cho chín mềm. Múc ra từng phần để riêng.
Phi thơm hành khô, xào măng với 1 thìa bột canh để măng thấm đều gia vị. Sau đó, cho nước dùng (nước ninh xương, nước luộc gà) vào nồi măng, nấu vừa chín. Chia măng từng phần tương đương với lượng móng giò.
Khi nấu, cho 1 phần móng giò và 1 phần măng vào đun tiếp khoảng 15-20 phút đến khi vị béo ngậy của móng giò hòa quyện vào măng và các nguyên liệu chín mềm, măng vẫn giữ được độ giòn ngon và hơi dẻo. Lúc này có thể thêm nấm hương, mộc nhĩ đã ngâm nở, nêm nước mắm, mì chính cho vừa miệng, đun thêm chừng 2-3 phút cho ngấm gia vị là được. Múc canh ra bát, cho hành hoa lên trên, trang trí thêm dọc hành chẻ, rau mùi và thưởng thức.
Món canh măng móng giò với hương vị hòa quyện rất đặc trưng. Miếng măng thấm vị ngọt từ xương, quyện với vị béo ngậy của móng giò, dậy mùi thơm của măng, nấm, mộc nhĩ tạo nên món ăn vô cùng hấp dẫn trong dịp Tết. Canh càng được đun lại càng ngấm, hương vị đậm đà.
Tuy nhiên, chất xơ trong măng khó tiêu hóa hơn so với các loại rau xanh khác. Các bác sĩ khuyến cáo, những người bị đau dạ dày mạn tính, người bệnh gout, bệnh thận, vừa bị gãy xương hay mới ốm dậy không nên ăn canh măng. Người cao tuổi khó nhai nuốt, hệ thống tiêu hóa suy giảm hoặc những người đã từng mổ, cắt dạ dày chỉ ăn với liều lượng vừa phải. Đặc biệt, canh măng không nên để qua đêm vì có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bị táo bón nên ăn 5 thực phẩm này để cải thiện tiêu hóa.