Cách nào ứng phó với thiên tai ngày càng dị thường?

20-09-2024 12:28 | Xã hội
google news

SKĐS - Không thể giảm thiểu được bão lũ nhưng có thể giảm thiểu tổn hại của thiên tai lũ quét, sạt lở đất, ngập úng... nhờ các biện pháp phòng chống bền vững như dự báo, cảnh báo sớm, điều tiết lũ trên hồ chứa và kỹ năng ứng phó thảm họa.

Mùa mưa bão, người dân nên dự trữ loại thực phẩm nào để đảm bảo sức khỏe?Mùa mưa bão, người dân nên dự trữ loại thực phẩm nào để đảm bảo sức khỏe?

SKĐS - Khi tích trữ thực phẩm trong mùa mưa bão, người dân nên ưu tiên mua thực phẩm tươi, khô và nước uống có thời hạn bảo quản dài ngày cũng như cần bảo quản thực phẩm đúng cách.

Thiên tai ngày càng dị thường, ứng phó thế nào?

Trong khi cả nước chung tay góp sức cùng đồng bào các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão thì dải đất miền Trung căng mình ứng phó với cơn bão số 4. May mắn bão số 4 có cường độ không lớn nên sức tàn phá không khủng khiếp như bão số 3.

Là quốc gia nằm ở vị trí đặc biệt, bình quân mỗi năm Việt Nam gánh chịu trực tiếp từ 5-7 cơn bão và hàng chục trận lũ, lụt cùng các hình thái thiên tai khác, gây nhiều thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, trong 20 năm trở lại đây, tình hình thiên tai diễn ra không theo quy luật, dị thường và rất khốc liệt. Đặc biệt, mưa bão, lũ lụt xảy ra với cường độ rất mạnh, trên phạm vi rộng, để lại hậu quả nặng nề trong đời sống và sản xuất của người dân.

Cách nào ứng phó với thiên tai ngày càng dị thường?- Ảnh 2.

Thiên tai, bão lũ ngày càng khốc liệt, dị thường.

Ví như năm 2020, thiên tai đã làm 356 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế hơn 35.181 tỷ đồng. Mùa mưa bão năm 2022, cả nước đã có 175 người chết, mất tích, tổng thiệt hại gần 19.500 tỷ đồng. Mới đây, cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã làm 329 người chết và mất tích, gần 2.000 trường hợp bị thương, tổng thiệt hại về tài sản khoảng 50.000 tỷ đồng… Những số liệu nêu trên cho thấy, diễn biến của thiên tai vô cùng thảm khốc dù ngành chức năng đã dự báo trước tình hình và có thời gian chuẩn bị, ứng phó.

PGS.TS Vũ Thanh Ca, giảng viên Đại học Tài nguyên môi trường cho rằng, thiên tai luôn có sức mạnh vượt xa sức ứng phó của con người, vì vậy người ta chỉ có thể chống thiên tai tới một mức độ nhất định và phải tìm cách thích ứng với nó. Kinh nghiệm phòng chống thiên tai của một quốc gia thường chịu ảnh hưởng rất nặng nề của thiên tai như Nhật Bản là kinh nghiệm rất thích hợp để chúng ta học tập.

Năm 2011, trận động đất ngoài khơi Honshu của Nhật Bản đã tạo ra sóng thần cao hơn 40m gây ra thảm họa hạt nhân ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Nhật Bản muốn xây dựng đê ngăn sóng thần với các trận sóng thần có tần suất lặp lại tương tự trận sóng thần đã xảy ra song không khả thi vì tiêu tốn một số tiền rất lớn, vượt quá khả năng kinh tế quốc gia.

Do vậy, họ đã hoàn thiện một phương châm ứng phó với thiên tai đang được áp dụng phổ biến trên thế giới là áp dụng giải pháp cứng và giải pháp mềm; trong đó đầu tư cho giải pháp cứng ở mức độ vừa phải và tăng cường đầu tư cho giải pháp mềm một cách toàn diện để nó giúp giải pháp cứng trở nên hiệu quả.

Giải pháp cứng phòng chống thiên tai là các giải pháp đầu tư vào hạ tầng vật lý, như nâng cấp đường sá, đê điều, xây dựng các công trình thoát lũ, chống sạt lở đất... Giải pháp mềm bao gồm các giải pháp thay đổi kế hoạch sử dụng đất, đầu tư vào nghiên cứu khoa học về thiên tai, hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai, phương án chuẩn bị ứng phó thiên tai, sơ tán, cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ trước và sau thiên tai, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thiên tai, xóa đói giảm nghèo để nâng cao năng lực tự ứng phó với thiên tai...

Là quốc gia chịu nhiều thiên tai, điều kiện kinh tế của nước ta, các giải pháp cứng chỉ được và chỉ nên được đầu tư ở mức độ vừa phải. Giải pháp mềm cần được chú trọng vì nó cần chi phí thấp hơn nhiều so với giải pháp cứng nhưng hiệu quả rất lớn.

Giải pháp khả thi ứng phó với thiên tai

PGS.TS Vũ Thành Ca cho biết, trong cơn bão số 3 vừa qua, các cơ quan chức năng đã có giải pháp khá tốt để phòng chống bão. Công tác dự báo thời tiết được thực hiện với chất lượng cao và bản tin dự báo trong trận bão vừa qua khá chính xác. Tuy vậy, trong bão vẫn còn một số người thiệt mạng do không tuân thủ tốt những khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Đặc biệt, tại thành phố Hà Nội, trong khi các cơ quan chức năng đã khuyến cáo người dân ở trong nhà khi có bão và chỉ ra ngoài khi có những việc cực kỳ cấp bách nhưng đường phố vẫn có khá nhiều người tham gia giao thông, dẫn tới một số người chết do cây đổ. Tại Quảng Ninh, một số người dân vẫn ở lại coi lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển nên bị sóng cuốn trôi và mất tích. Đặc biệt, như đã nêu ở trên, số người ở miền núi bị thiệt mạng, nhà cửa, tài sản bị tàn phá do lũ, lũ quét rất lớn.

Để giảm thiểu những thiệt hại này trong tương lai, cần gia tăng tần suất các bản tin bão, đặc biệt trên các kênh phát thanh truyền hình quốc gia. Cần nhấn mạnh về mưa lớn và khả năng xảy ra lũ, lũ quét và sạt lở đất cũng như khuyến cáo về giải pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất.

PGS.TS Vũ Thành Ca cho rằng một vấn đề nữa để ứng phó với thiên tai là quy trình vận hành chống lũ liên hồ. Nếu không làm tốt được công tác vận hành liên hồ chứa thủy điện sẽ gây ra áp lực rất lớn lên các con sông, khiến nước dâng nhanh bất ngờ không kịp trở tay, gây thiệt hại người và tài sản.

Quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ và mùa cạn khác nhau. Trong mỗi thời kỳ, căn cứ vào dự báo lũ thượng nguồn các hồ và dự báo lũ tại khu vực hạ du quan trọng (với sông Hồng là Hà Nội) thì chế độ xả đón lũ tới mực nước được quy định trong quy trình vận hành liên hồ chứa.

Tuy nhiên, có một vấn đề ở đây là quy trình vận hành chống lũ liên hồ của một số hồ thủy điện chưa được rõ ràng. Thí dụ, theo Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hồng thì trong thời kỳ lũ muộn từ 22/8 tới 15/9, hồ Thác Bà được phép tích dần đến mực nước dâng bình thường. Trong quá trình tích nước, nếu Tổng cục Khí tượng Thủy văn dự báo có khả năng xảy ra lũ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai xem xét quyết định việc vận hành điều tiết để hạ dần mực nước các hồ nhưng tối đa không thấp hơn giá trị mực nước quy định của hồ là 57m.

Trên thực tế thì quy trình vận hành hồ Thác Bà ban hành theo Quyết định số 4629/QĐ-BCT ngày 14/12/2018 của Bộ Công thương về việc phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Thác Bà lại không quy định về việc hồ phải xả nước để đón lũ khi có lũ muộn. Vì vậy, trước bão hồ đã tự xả lũ và giảm mực nước xuống còn 57,4m. Tuy nhiên, do lũ sông chảy về quá lớn nên hồ thủy điện Thác Bà đã xảy ra tình trạng mực nước trong hồ vượt mực nước với chu kỳ lặp lại 1.000 năm, dẫn tới nguy cơ phải phá đập phụ để bảo vệ an toàn hồ đập.

Như vậy ta đã không có phương án dự phòng trong trường hợp bão và lượng mưa cực đoan, nhất là toàn bộ các hồ đập trên hệ thống sông chính và chi lưu của sông Hồng đều đồng thời cùng đột ngột tăng lượng nước.

"Trong ví dụ trên, cần chú ý thêm là quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Thác Bà ban hành trước quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hồng và về mặt nguyên tắc cần phải sửa và ban hành lại, nhưng tới nay vẫn chưa ban hành lại", PGS.TS Vũ Thành Ca cho biết,

Như vậy, để hạn chế thiệt hại cần phải rà soát, phân tích rất kỹ những sai sót để phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

Không chỉ riêng cơn bão Yagi năm nay kích hoạt nhiều vụ lũ quét sạt lở đất mà nhiều năm trước chúng ta đã phải hứng chịu rất nhiều sự kiện cực đoan như vậy. Một trong những giải pháp để phòng ngừa nguy cơ này là xây dựng các quy trình ứng phó và tài liệu phổ biến về các nguy cơ thiệt hại do thiên tai bão lũ, các dấu hiệu nhận biết lũ, lũ quét, sạt lở đất và giải pháp phòng tránh đưa tận tay người dân.

Mẹo xử lý thực phẩm trong tủ lạnh bị mất điện do mưa bãoMẹo xử lý thực phẩm trong tủ lạnh bị mất điện do mưa bão

SKĐS - Sau cơn bão hoặc lũ lụt, mọi người cần kiểm tra lại tất cả thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh, nhất là tủ lạnh bị mất điện để quyết định nên giữ lại hoặc loại bỏ những gì.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Ba yếu tố khiến bão số 4 “nhỏ nhưng có võ”, ban bố rủi ro thiên tai cấp 3 tại các tỉnh miền Trung.


Tô Hội
Ý kiến của bạn