Cách nào ứng phó với “đại dịch” bệnh không lây nhiễm?

16-01-2017 09:47 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Nhiều quốc gia trên thế giới đã thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe nhằm hỗ trợ cho công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm (BKLN) và nâng cao sức khỏe cho người dân. Tại Việt Nam, trước gánh nặng bệnh tật và tử vong ngày càng lớn của các BKLN, các chuyên gia đề xuất việc thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

7/10 ca tử vong là do các bệnh không lây

Hiện nay BKLN đang trở thành “đại dịch” không chỉ ở các nước phát triển mà còn cả ở những nước đang phát triển như Việt Nam và là nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong hàng đầu. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nước ta hiện đang phải đối mặt với gánh nặng ngày càng gia tăng của các BKLN. Ước tính cứ trong 10 ca tử vong thì có tới 7 ca tử vong là do BKLN, chủ yếu là các bệnh như tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi mạn tính...

Theo số liệu điều tra quốc gia của Bộ Y tế năm 2015, tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới mặc dù đã giảm, nhưng vẫn còn cao, chiếm 45,3%. Hiện có tới 77% nam giới uống rượu bia và gần một nửa nam giới uống ở mức nguy hại. Các nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy trong năm 2011, tổn thất do hậu quả của sử dụng thuốc lá là 24.680 tỉ đồng. Năm 2012 riêng tổng chi phí trực tiếp cho điều trị 6 bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam (trong đó có 5 bệnh liên quan đến rượu bia) đã lên tới 25.789 tỉ đồng. Như vậy chỉ hai loại tổn thất nêu trên ước tính cũng đã tương đương khoảng 1,4% GDP năm 2012 của Việt Nam.

bệnh tăng huyết ápCác bệnh không lây nhiễm gia tăng gây gánh nặng cho xã hội. Ảnh minh họa.



Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, vấn đề về dinh dưỡng cũng tiểm ẩn những nguy cơ lớn về sức khỏe. Hơn một nửa người trưởng thành Việt Nam ăn thiếu rau, trái cây. Người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Khoảng 1/3 dân số hiện nay thiếu hoạt động thể lực và tỉ lệ thừa cân béo phì tăng từ 12% (2010) lên gần 16% dân số trưởng thành (2015). Đây là những con số đáng báo động cho sức khỏe con người.

Chưa được đầu tư đúng mức

Trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, các BKLN đang là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện, gây thiệt hại lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Bởi lẽ, đa số những căn bệnh này phải điều trị suốt đời làm tăng chi phí y tế, giảm năng suất lao động xã hội, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe cộng đồng.

Mặc dù BKLN chiếm gần 70% gánh nặng bệnh tật và tử vong nhưng theo các chuyên gia, bài toán khó ở đây là vẫn chưa được xác định đúng, ưu tiên đúng mức trong đầu tư, phân bổ kinh phí. Ước tính, trong giai đoạn 2005–2011, ngân sách nhà nước chi cho phòng chống BKLN chỉ chiếm từ 2,5% đến 3,5% tổng chi y tế quốc gia hằng năm. Từ giai đoạn 2012-2015, ngân sách nhà nước cho BKLN chủ yếu từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia y tế, luôn trong tình trạng được phân bổ rất ít và bị cắt giảm liên tục qua các năm. 

Cần có một Quỹ Nâng cao sức khỏe

Mới đây, Đoàn công tác của các cơ quan Liên Hợp Quốc về phòng chống BKLN đã đến làm việc tại Việt Nam đã có các khuyến nghị quan trọng, trong đó nhấn mạnh để có nguồn tài chính bền vững cần xem xét thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe cộng đồng từ nguồn thuế và đóng góp bắt buộc của sản xuất, kinh doanh thuốc lá, rượu bia… Đây cũng là biện pháp đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công và cũng rất phù hợp với chủ chương của Chính phủ Việt Nam thể hiện qua Chính sách quốc gia phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 và Chiến lược quốc gia phòng, chống BKLN giai đoạn 2015-2025.

tiểu đườngẢnh minh họa.

Cụ thể về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam dẫn chứng điển hình Quỹ ThaiHealth ở Thái Lan thành lập từ năm 2001 hoạt động rất có hiệu quả. Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành từ khoản phụ thu được tính bằng 2% giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với 2 sản phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe là thuốc lá và rượu bia. Nguồn quỹ của ThaiHealth bao gồm 30% từ thuốc lá và 70% từ rượu bia, tuy nhiên số tiền Quỹ chi cho phòng, chống tác hại thuốc lá chỉ chiếm khoảng 9%, cho phòng chống rượu bia khoảng 12%, số còn lại chi cho các hoạt động nhằm thực hiện các biện pháp để nâng cao sức khỏe phòng chống các yếu tố nguy cơ khác của BKLN (phòng chống tai nạn giao thông, dinh dưỡng, hoạt động thể lực…). Nhờ đó rất nhiều hoạt động cảnh báo, dự phòng để nâng cao sức khỏe được hưởng lợi từ Quỹ này.

“Sau một thời gian thực hiện mô hình Quỹ nâng cao sức khỏe, đến năm 2010, Thái Lan đã xây dựng 21 văn bản chính sách công, 10 văn bản cấp tỉnh/địa phương, 2 tổ chức mới… và góp phần giúp Thái Lan giảm tỉ lệ hút thuốc chung ở người trưởng thành từ 25.5% (2001) xuống 20.7% (2009), giảm tỉ lệ người hút thuốc lá trong nhà từ 86% (2000) xuống còn 59% (2006); 4.1 triệu người bỏ thuốc thuốc (từ năm 2001 – 2009); Số người sử dụng rượu bia giảm từ 16,2 triệu (2004) xuống còn 14,9 triệu (2007); Tỉ lệ bắt đầu sử dụng rượu bia ở nữ giảm từ 5,6%  xuống còn 1,8%, và ở nam giảm từ 33,5% xuống còn 23,3% (từ 2003-2009); từ năm 2003 đến năm 2010 số tử vong do tai nạn giao thông giảm từ 124,500 xuống còn 70,300 ca”- ông Lâm nói.

WHO cho biết, hiện đã có 21 quốc gia trên thế giới thành lập quỹ Nâng cao sức khỏe cộng đồng với nguồn thu từ thuế hoặc phụ thu thuốc lá và rượu bia như Thái Lan, Estonia, Phần Lan, Slovenia, Mông Cổ, Tonga…; hay từ nguồn ngân sách thường xuyên như Singapore, Australia; Từ đóng góp từ thiện như Quỹ Canada; hoặc từ khoản đóng góp của người tham gia bảo hiểm như Quỹ Thụy Sĩ…

Mô hình này được đánh giá là rất hiệu quả và bền vững do đảm bảo được nguồn tài chính lâu dài và huy động được các ngành, các cấp và đông đảo các tổ chức xã hội, cá nhân tham gia xây dựng và thực hiện các sáng kiến nâng cao sức khỏe trên toàn quốc. Đây cũng là mô hình Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng trong tương lai để triển khai thành công các hoạt động phòng chống các BKLN, phòng chống tác hại của rượu bia và đồ uống có cồn.

Dương Hải
Ý kiến của bạn