Cách nào tránh ngộ độc rượu bia trong ngày Tết?

23-01-2017 16:05 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Liên tiếp đã có những bệnh nhân ngộ độc rượu tử vong trong những ngày giáp Tết Nguyên đán. Vậy làm thế nào để phòng tránh ngộ độc rượu bia trong những ngày Tết đến xuân về?

Chén rượu mang họa cho sức khỏe

Đã từ lâu, rượu, bia được coi là đồ uống không thể thiếu trong mỗi dịp liên hoan, cưới hỏi,... đặc biệt là khi Tết đến, xuân về. Trong những ngày này lượng rượu, bia tiêu thụ nhiều hơn, cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng tăng cao hơn. Các bác sĩ tại khoa Cấp cứu của các BV Việt Đức, BV Bạch Mai, BV ĐH Y Hà Nội... cho biết, đến hẹn lại lên, những ngày trước, trong và sau Tết, nhóm bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, nhóm bệnh nhân bị chấn thương liên quan đến sử dụng rượu bia tăng hơn so với các dịp khác.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm.

Nguy cơ càng tăng với hậu quả khó lường nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa Methanol (hàm lượng Methanol vượt ngưỡng trên 0,05% do có thể mù mắt và tử vong cao). Đã có những trường hợp tử vong khi sử dụng rượu chứa Methanol, rượu ngâm thảo mộc (lá, rễ, hạt cây), động vật (mật, phủ tạng, bộ phận khác) chứa độc tố tự nhiên.

Uống rượu lâu ngày dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, ỉa chảy do tổn thương gan và ruột; da, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu; thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan; nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần…

Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.

ngộ độc rượuẢnh minh họa.

Hãy uống có chừng mực

Để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, phòng chống tác hại của việc lạm dụng, sử dụng rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng: Không nên uống quá nhiều rượu do lạm dụng rượu có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ về thể chất, sức khoẻ  tâm thần của người sử dụng từ nhẹ đến nặng tuỳ theo mức độ sử dụng.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày đối với nam, 1 đơn vị cồn/ngày với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần.

Bên cạnh đó không sử dụng rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các loại rượu trôi nổi trên thị trường hoặc rượu do người lạ ở nơi khác mang tới vì đã có hiện tượng dùng cồn công nghiệp Methanol để pha thành rượu bán với giá rẻ cho người dân.

Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.

Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

Chú ý, khi người uống rượu có các biểu hiện về thần kinh như đau đầu, chóng mặt, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý, điều trị kịp thời.

Tết vui tươi, Xuân lành mạnh. Hãy uống có chừng mực và chỉ dùng rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Theo ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là có rối loạn ý thức, cần phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu cao và nằm nghiêng sang một bên. Tốt nhất là nằm nghiêng sang bên phải có tác dụng dẫn lưu đờm giãi ra ngoài, hạn chế nguy cơ hít vào phổi đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân nôn. Tư thế này còn gọi là tư thế nghiêng an toàn. Cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng... nhằm tránh hạ đường huyết.

Nếu bệnh nhân không tỉnh, nói ú ớ không rõ từ hoặc có dấu hiệu nặng không biết, thở nhanh và thở sâu, tím tái, chân tay lạnh… thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn sau đó nhanh chóng gọi người đến hỗ trợ, gọi xe cấp cứu tới xử lý và đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Nếu bệnh nhân tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị... cần phải đưa tới bệnh viện khám. Với cả hai trường hợp chúng ta phải ủ ấm cho bệnh nhân, đặc biệt là trời rét. Tuyệt đối không cho người bệnh tự điều khiển xe cộ hay lao động… dễ gây ra các tai nạn đáng tiếc.

D.Hải
Ý kiến của bạn