Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk hôm qua thông báo địa phương này mới ghi nhận bệnh nhi 9 tuổi mắc bệnh Whitmore. Đây là ca đầu tiên trong năm nay, địa phương này phát hiện ra.
Theo các bác sĩ, đây là bệnh không mới, cũng không lây từ người qua người, khó gây thành dịch. Tuy nhiên, bệnh khó phát hiện, khó chẩn đoán, dễ bị nhầm sang các bệnh lý khác, tỷ lệ tử vong cao.
Do đặc điểm dịch tễ, bệnh thường gia tăng vào mùa mưa (từ tháng 7-11).
Bệnh Whitmore (hay còn gọi là Melioidosis) là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra.
Vi khuẩn này tồn tại tự nhiên trong đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước và lây truyền chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn.
Tại Việt Nam, Whitmore được mô tả lần đầu tiên vào năm 1925 tại TP. HCM, sau đó là Hà Nội, Huế. Vi khuẩn B. pseudomallei khi vào cơ thể sẽ thâm nhập vào các bộ phận, thường gặp ở phổi. Bên cạnh đó là các cơ quan nội tạng như gan, thận, tim, cơ, da các tuyến tiêu hóa…
Theo Bộ Y tế, bệnh Whitmore gặp ở tất cả các độ tuổi, cả ở nam và nữ, gặp nhiều hơn ở người có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất, nước. Bệnh dễ bị mắc ở những người có các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh thận, phổi, suy giảm miễn dịch…
Việc chẩn đoán xác định ca bệnh Whitmore theo hướng dẫn của Bộ Y tế dựa vào các ca bệnh có biểu hiện lâm sàng nghi ngờ và xét nghiệm nuôi cấy phân lập được vi khuẩn B. pseudomallei.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh Whitmore
Bệnh Whitmore có biểu hiện, triệu chứng đa dạng bao gồm: Sốt, với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài; suy hô hấp; loét da; viêm đường tiết niệu; viêm phổi; áp xe ở gan, lách; nhiễm trùng huyết; suy đa phủ tạng...
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai, ở trẻ em, bệnh thường có biểu hiện là áp xe tuyến mang tai (dễ nhầm với quai bị), sốt kéo dài, chỉ một số ít có biểu hiện viêm màng não, viêm phổi, áp xe gan, tổn thương thần kinh...
Nhưng ở người lớn bệnh cảnh lâm sàng khá phức tạp thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như nhiễm trùng huyết tụ cầu, lao phổi, áp xe cơ, bệnh hệ thống,..
Bệnh khó chẩn đoán, phát hiện, theo BS Cường, ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán bệnh Whitmore, việc điều trị cũng không hề đơn giản.
Bệnh nhân phải dùng kháng sinh tấn công liều cao, kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa.
"Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe bệnh nhân suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng" - ông nói.
Ngoài ra, việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là một trong là những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỷ lệ tử vong do Whitmore còn cao, lên tới 40%.
Cách suy nghĩ về bệnh Whitmore do khuẩn "ăn thịt người" phải được hiểu đúng là do vi khuẩn có thể làm hoại tử và chết các mô trong cơ thể, ở da thì viêm loét hay áp xe, ở phổi thì gây viêm phổi, trong máu thì gây nhiễm trùng máu,…
(Theo Bệnh viện Nhi đồng TP HCM)
Tuy nhiên, BS Cường cũng cho hay, dù là một bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao nhưng nay đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị nên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì thế người dân không nên quá hoang mang.
Phòng bệnh Whitmore ra sao?
Để chủ động phòng bệnh Whitmore, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện:
- Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng.
- Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.
- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
- Những người có bệnh mạn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei và điều trị kịp thời.
Cùng quan điểm trên, BS. Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Tp. Hồ Chí Minh cho biết, bệnh Whitmore rất khó phát hiện, dễ nhầm lẫn với những bệnh khác. Các đối tượng mắc các bệnh nền như đái tháo đường, các bệnh về gan, thận, suy giảm miễn dịch... có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những đối tượng khác.
Hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh nên biện pháp phòng bệnh duy nhất đó là đảm bảo vệ sinh bằng các phương pháp đơn giản như hạn chế tiếp xúc với đất, nước ô nhiễm đặc biệt là khi có các vết thương hở; khi tiếp xúc với đất, nước ô nhiễm phải có găng tay hoặc ủng bảo vệ, rửa sạch tay, chân ngay khi tiếp xúc với nước hay đất ô nhiễm; đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; thực hiện ăn chín uống sôi...
Bác sĩ Khanh cũng khuyến cáo: "Ngay khi phát hiện các vết thương nhiễm trùng và hoại tử bất thường trên cơ thể cần nghĩ ngay tới nguy cơ mắc bệnh Whitmore và cần tới bệnh viện để được thăm khám và xét nghiệm chẩn đoán bệnh sớm nhất. Việc chẩn đoán đúng bệnh, điều trị đúng thuốc kháng sinh mới mang lại hiệu quả trong việc điều trị, tránh tái phát nhiều lần về sau".