Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó phần lớn là các lễ hội dân gian gắn với cộng đồng làng xã và do người dân tự tổ chức hàng năm. Nhưng trong khoảng 8.000 lễ hội này, người ta khó có thể phân loại đâu là lễ những hội văn minh, đâu là những lễ hội còn tồn tại nhiều hủ tục và biến tướng.
Cần gắn với hoàn cảnh xã hội
Với những người ở "vùng sáng", họ rất khó chấp nhận hình ảnh một con lợn bị 4 người ở 4 góc giữ dây buộc chân, đúng giờ Ngọ, sau tiếng trống khai đao, 2 người đàn ông lực lưỡng giơ cao thanh đao chém vào vùng cổ lợn. Trong vài phút, con lợn bị phanh thây, máu me be bét, dòng người xô vào cố quệt được tí máu lợn vào đồng tiền trên tay để có được sự may mắn cả năm. Dù hiện tượng hiến sinh, chém, đập lợn, trâu chỉ có trong các lễ hội làng nhưng ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, những hình ảnh chém, đập gia súc không đẹp mắt đó được truyền đi rất nhanh, không chỉ nhân dân trong nước mà cả bạn bè quốc tế cũng biết đến những hiện tượng này. Không ít người xem đã phải rùng mình, nhắm mắt để không tận mắt chứng kiến hành vi được cho là dã man của con người với động vật.
Hình ảnh nghẹt thở tại Lễ hội Đền Hùng vừa qua khiến nhiều người, trong đó có các em nhỏ phải nhờ đến sự “giải vây” của lực lượng an ninh.
Tất nhiên, chúng ta chưa bao giờ chịu khoanh tay đứng nhìn hiện trạng đáng báo động này. Trên tinh thần kiên quyết loại bỏ hủ tục trong mùa lễ hội 2016, hồi đầu năm, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã có chỉ thị gửi các Sở VH-TT&DL đề nghị tăng cường việc quản lý, tổ chức lễ hội năm 2016, trong đó nhấn mạnh sẽ kiên quyết loại bỏ những hủ tục, những hình ảnh phản cảm trong lễ hội như: lễ hội đền Hùng (Phú Thọ), lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội chùa Hương (Hà Nội), lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), lễ hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), lễ hội Phủ Giầy, đền Trần (Nam Định), lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang), lễ hội xuân núi Bà Đen (Tây Ninh)...
Tại các cuộc tọa đàm gần đây, các nhà khoa học cũng đã thống nhất rằng: Tục hiến sinh luôn có sự biến đổi để phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Do đó, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, giải quyết hài hòa, hợp tình, hợp lý về tục hiến sinh. Cái gì tốt cần giữ lại và phát huy, cái gì không còn phù hợp hoặc cản trở sự phát triển của xã hội thì cần điều chỉnh theo hướng đảm bảo giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa, vừa phù hợp với hoàn cảnh xã hội thời đại ngày nay. Đa số các đại biểu cho rằng, cần có hình thức thích hợp để thay thế các tập tục không còn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội văn minh ngày nay và đề nghị cơ quan quản lý nhà nước giao cho các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương có liên quan tổ chức đối thoại để cộng đồng ở địa phương có hình thức thay đổi phù hợp mà vẫn đảm bảo tính linh thiêng của lễ hội...
Và siết chặt quản lý
Nhiều năm qua, cộng đồng mạng không khỏi giật mình và suy ngẫm khi thấy những bức hình bạo lực trong lễ hội đền Gióng. Theo một nhà nghiên cứu văn hóa, những hoạt động mang tính chất “chân, tay” trong các lễ hội truyền thống xưa thì chỉ mang tính chất tượng trưng, được thể hiện trên tinh thần vui vẻ, không hề có dấu ấn của “tả xung hữu đột” như bây giờ. Việc tấn công, cướp giật đó là sự lợi dụng truyền thống để thỏa mãn lòng tham và cuồng vọng cá nhân và rất phản truyền thống, phản văn hóa.
Dư luận cũng lên án gay gắt và bày tỏ thái độ với hành vi giẫm đạp lên nhau để cướp, giật đồ lễ nhằm lấy may như tại lễ hội đền Gióng (Hà Nội), đền Trần (Nam Định) bao năm qua... Hình ảnh của việc cướp, giật lễ không còn gói gọn trong một lễ hội mà nó có ảnh hưởng rất xấu trong cộng đồng. Do đó, không thể cứ lấy cái gọi là niềm tin, tín ngưỡng là tập tục để duy trì hủ tục lạc hậu và bị biến tướng như hiện nay.
Mới đây nhất, cộng đồng mạng lại được phen "vã mồ hôi" khi chứng kiến cảnh hơn 2,5 triệu người đổ về trong ngày chính hội (16/4) khiến khu di tích Đền Hùng trở nên quá tải. Khi hàng rào được mở, biển người ùa lên núi Nghĩa Lĩnh đã gây nên cảnh chen lấn, hỗn loạn vì ai cũng muốn mình sớm được lễ bái. Nhiều người đã bị ngất, bị giẫm đạp dã man.
Lễ hội là một phần đời sống văn hóa của người dân, đặc biệt, chúng ta cần tôn trọng các lễ hội dân gian truyền thống, gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của lễ hội. Thiết nghĩ, những hoạt động của lễ hội cần có sự chi phối bởi quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng không nên buông lỏng việc tổ chức, quản lí lễ hội vì đó là cách làm để đảm bảo cho người dân tham gia lễ hội được hưởng thụ văn minh, văn hóa, an toàn nhất!