Đặc điểm bệnh hen phế quản
HPQ là một bệnh miễn dịch dị ứng biểu hiện ở đường hô hấp. Tỉ lệ mắc ngày một tăng. Nguyên nhân gây bệnh là do miễn dịch dị ứng, cơ thể phản ứng lại với các yếu tố dị nguyên làm cho đường hô hấp, trong đó có phế quản bị co thắt, tiết dịch, xuất tiết gây hẹp lòng phế quản, cản trở luồng khí ra, vào phổi, làm cho bệnh nhân khó thở.
Có 4 triệu chứng chính của bệnh là ho, khò khè, khó thở và nặng ngực. Các triệu chứng này thường xảy ra về đêm, gần sáng, khi thời tiết thay đổi, khi gió mùa, mưa, khi người bệnh hít phải các chất gây dị ứng như bụi, khói, phấn hoa, mùi lạ, hoặc khi ăn phải các dị nguyên đường tiêu hóa như tôm, cua, cá…Từ trẻ em đến người già đều có thể mắc bệnh, nhưng thường là trẻ từ 2 tuổi trở lên. Trẻ dưới 2 tuổi ít mắc. Nam nữ đều có thể mắc bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn. Nhưng đối với trẻ em do mới mắc nên việc chữa trị có thể lui được bệnh,trẻ dưới 12 tuổi bị HPQ nếu được chữa trị tốt có thể khỏi được hoàn toàn. Trẻ trên 12 tuổi và người lớn mắc HPQ thường mang bệnh suốt đời.
Người bệnh hen phế quản cần tránh các yếu tố gây khởi phát cơn hen.
Biến chứng của bệnh HPQ gây khó thở, trường hợp khó thở nặng dẫn đến cơ thể bị thiếu oxy, gây nguy hiểm tính mạng. Vì vậy đối với bệnh HPQ trong cơn cấp phải được chữa ngay và triệt để. Về lâu dài nếu bệnh không được chữa trị sẽ làm cho chức năng của phổi ngày càng kém, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, người bệnh thường phải thức giấc về đêm vì khó thở, ban ngày người bệnh ho nhiều, ảnh hưởng đến công việc, người bệnh không làm được việc nặng, thậm chí bệnh còn làm suy giảm đời sống tình dục...
Điều trị như thế nào?
Có hai giai đoạn điều trị. Giai đoạn một khi bệnh nhân lên cơn hen cấp với các triệu chứng như khó thở, người mệt mỏi, nói khó, đi lại khó khăn, người bệnh nằm không nằm được mà phải ngồi để thở… thì phải dùng thuốc cắt cơn giúp bệnh nhân thở tốt như nhóm thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn loại kích thích beta 2 giao cảm, thuốc kháng cholinergic (ventolin, bricanyl).
Vì HPQ là bệnh mạn tính kéo dài nên sau khi cắt được cơn, người bệnh phải được điều trị ở giai đoạn tiếp theo là giai đoạn phòng bệnh, phòng lên cơn hen cấp hay còn gọi là điều trị kiểm soát bệnh. Việc điều trị kiểm soát bệnh phải kéo dài. Tùy theo mức độ bệnh nặng hay nhẹ mà thầy thuốc sẽ cho bệnh nhân dùng một, hai hoặc thậm chí 3 loại thuốc giúp kiểm soát bệnh, phòng lên cơn hen cấp.
Các thuốc phòng bệnh chủ yếu dùng dạng hít, xịt kết hợp giữa một thuốc cường beta 2 tác dụng kéo dài với một thuốc giãn phế quản dạng hít (symbicort, seretide). Bệnh nhân nên được điều trị lâu dài tại một cơ sở khám chữa bệnh nào đó để được theo dõi thường xuyên giống như các bệnh mạn tính không lây nhiễm khác. Nếu người bệnh được điều trị kiểm soát bệnh tốt thì mặc dù họ mang bệnh HPQ nhưng vẫn có thể học tập, sinh hoạt, lao động, thậm chí chơi thể thao như những người bình thường. Hiện nay, ở nước ta đã có Dự án phòng chống bệnh HPQ giúp điều trị tốt cho bệnh nhân HPQ kể cả khi ngoài cơn cấp, khi bệnh nhân về gia đình và cộng đồng vẫn được điều trị và quản lý suốt đời.
Người dân nếu bị HPQ nên đến phòng quản lý bệnh được đặt tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, bệnh viện lao và bệnh phổi, tùy từng địa phương để được các thầy thuốc tư vấn điều trị và phòng bệnh. Hiện nay, tại một số tỉnh bệnh nhân còn được cấp phát thuốc miễn phí, được bảo hiểm y tế chi trả các thuốc điều trị cũng như dự phòng bệnh. Hiện Dự án đang được triển khai đến tuyến huyện và trong một vài năm tới sẽ được triển khai xuống tuyến xã.
Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ là một biện pháp phòng bệnh hen phế quản.
Cách phòng bệnh
Phòng bệnh tiên phát (có nghĩa là dự phòng bệnh HPQ khi chưa mắc bệnh): Hạn chế mổ đẻ, cần khuyến khích các bà mẹ sinh tự nhiên. Các bà mẹ mang thai cần hạn chế tiếp xúc với các loại khói, đặc biệt là khói thuốc lá, thuốc lào, khói từ nhà máy, xí nghiệp… Hạn chế sử dụng kháng sinh. Các nghiên cứu cho thấy những trẻ dùng càng nhiều kháng sinh trong những năm đầu đời tỉ lệ mắc HPQ cao hơn hẳn. Nuôi con bằng sữa mẹ, những trẻ được bú sữa mẹ ít bị HPQ hơn so với những trẻ nuôi bằng sữa bò.
Phòng bệnh thứ phát (nếu chẳng may mắc bệnh người bệnh cần tránh xa các yếu tố dị nguyên làm khởi phát cơn hen) như: Tránh các loại khói (khói thuốc lá, thuốc lào, khói hương, khói bụi…); thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, chống bụi, nhất là bụi nhà, giường chiếu, ga trải giường cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, rèm cửa, giá sách… tránh thắp hương ở chỗ ngủ; Tránh các con côn trùng như gián, tránh lông thú, không cho vật nuôi như chó, mèo vào nhà, phòng ngủ, không ôm ấp vật nuôi. Trẻ em không nên chơi thú nhồi bông, thú nhồi bông cũng có thể gây khởi phát cơn hen...