Cách nào khuyến khích điện mặt trời mái nhà?

08-12-2023 13:05 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo chuyên gia, điện mặt trời mái nhà là hướng đi đúng đắn mà nhiều nước phát triển trên thế giới cũng lựa chọn. Nhà nước cần có cơ chế để khởi động lại loại hình năng lượng này.

Người dân sử dụng điện dưới 710 kWh sẽ trả ít tiền hơn khi áp biểu giá điện 5 bậcNgười dân sử dụng điện dưới 710 kWh sẽ trả ít tiền hơn khi áp biểu giá điện 5 bậc

SKĐS - Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023, báo chí đã đặt câu hỏi tới Bộ Công Thương liên quan đến việc đề xuất biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc.

Điện thừa được bán với giá 0 đồng

Bộ Công thương đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Quy định này dành cho nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà tự dùng, không bán cho tổ chức, cá nhân khác và có nối lưới hoặc không với hệ thống điện quốc gia. Theo đó, người dân đầu tư điện mặt trời mái nhà liên kết với lưới, có thể chọn phát hoặc không phát lượng dư vào hệ thống điện.

Trường hợp chọn phát điện dư thừa vào hệ thống, Nhà nước sẽ ghi nhận sản lượng và không thanh toán, tức giá 0 đồng. Đổi lại hệ thống điện trên được bám lưới để vận hành ổn định. Việc này, theo Bộ Công Thương sẽ tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho người dân. Tuy nhiên các nhà đầu tư cần tính toán nhu cầu công suất lắp đặt phù hợp, hạn chế tối đa điện dư thừa phát liên lưới, do sẽ không được thanh toán.

Cách nào khuyến khích điện mặt trời mái nhà?- Ảnh 2.

Điện mặt trời mái nhà là hướng đi đúng đắn mà nhiều nước phát triển trên thế giới cũng lựa chọn.

Thông thường hộ gia đình nhỏ, công ty nhỏ có thể cần 40-50 triệu đồng cho một hệ thống năng lượng mặt trời 1-3 kW với giàn pin 10-30 m2. Chi phí có thể tăng gấp đôi nếu đầu tư hệ thống tương tự nhưng có lắp đặt thiết bị lưu trữ. Nhà đầu tư không bán điện dư vào lưới quốc gia, họ sẽ phải tự lắp đặt thiết bị hạn chế việc phát điện vào hệ thống, theo dự thảo nghị định.

"Nhà nước khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà để tự dùng, tức không bán, phát điện vào hệ thống", dự thảo nêu. Điện mặt trời mái nhà không liên kết lưới điện sẽ được khuyến khích phát triển không giới hạn. Nhà đầu tư phải tuân thủ các quy định về xây dựng, môi trường.

Theo Bộ Công Thương, phát triển điện mặt trời mái nhà tự dùng sẽ giảm áp lực cho ngành điện. Bởi, cơ cấu nguồn điện này theo Quy hoạch điện VIII là 2.600 MW tới năm 2030. Do đó, khi tổng công suất điện mặt trời vượt mốc này sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn, vận hành an toàn của hệ thống điện. Tuy nhiên, người dân sẽ phải đầu tư thêm hệ thống lưu trữ điện, tăng chi phí đầu tư ban đầu khi điện mặt trời mái nhà tự dùng không đấu nối với lưới.

Bù lại, Bộ Công Thương đề xuất một số chính sách ưu tiên phát triển điện mặt trời tự dùng. Theo đó, chủ đầu tư không phải xin phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư hay lập dự án theo Luật Điện lực, Đầu tư. Song họ vẫn phải tuân thủ các quy định về xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy. Các dự án lắp đặt cũng được hưởng chính sách ưu đãi thuế, phí, lệ phí. Các cơ quan nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà.

Cách nào khuyến khích phát triển điện mặt trời?

Theo chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình, trên thực tế, điện mặt trời mái nhà đã được phát triển khá mạnh thời điểm trước năm 2020. Tuy nhiên, một số chính sách trước đây do thiếu chặt chẽ đã bị lợi dụng, làm méo mó mô hình điện mặt trời mái nhà. Thế nhưng, với nguồn vốn đầu tư không hề nhỏ (dao động trong khoảng 16 - 20 triệu đồng/kWp và với mỗi hộ dân nếu tiêu thụ điện với hoá đơn trên 1 triệu đồng/tháng thì ít nhất cũng cần đầu tư một hệ thống điện mặt trời tối thiểu từ 3-5kWp phải mất khoảng 5-7 năm mới hoàn vốn),

Bởi vậy, nếu không tiếp tục cơ chế bán điện lên lưới, cũng cần tính tới cơ chế khuyến khích đầu tư và tiêu thụ trong một khu vực gồm các gia đình lân cận (làng, xã, khu phố) để giảm áp lực về vốn đấu tư cũng như tránh lãng phí nguồn điện sạch đã sản xuất ra những lại bỏ đi, không được sử dụng.

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho rằng, thực tế thời gian qua, việc thiếu hụt nguồn điện có nguyên nhân của việc tất cả các ngành kinh tế đều phụ thuộc vào việc sử dụng điện lưới quốc gia. Trong khi nhiều khu vực có thể sử dụng một phần nguồn năng lượng tái tạo được đầu tư tại chỗ. 

Vấn đề quan trọng vẫn là cần có cơ chế để triển nguồn điện tại chỗ, cụ thể là điện mặt trời nối lưới đi kèm với các quy định rõ ràng theo hướng hỗ trợ, khuyến khích có lợi cho các bên để giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia. Để khuyến khích phát triển điện mặt trời, chuyên gia đề xuất nên có quy định đối với những trung tâm tiêu thụ điện lớn phải đảm bảo tự đáp ứng được 30%-40% nhu cầu điện được sản xuất tại chỗ, để giảm gánh nặng của lưới điện quốc gia. Nhà nước cũng phải có cơ chế chính sách để hỗ trợ, khuyến khích và thậm chí có thể ra những quy định hết sức tốt đối với cơ sở sản xuất đáp ứng được tiêu chuẩn này.

GS Trần Đình Long, Hội Điện lực Việt Nam, nhận định: Thời gian gần đây, vấn đề phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam nói chung xảy ra một số chuyện liên quan đến trình tự thủ tục, đặc biệt là các dự án quy mô lớn. Tuy nhiên, đây là loại hình năng lượng cần được khuyến khích và ủng hộ. Có 3 nguyên nhân quan trọng. Thứ nhất, nó không cạnh tranh tài nguyên mà còn tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có. Thứ hai, các tòa nhà được lắp pin năng lượng sẽ giảm hấp thụ nhiệt nên nhu cầu làm mát cũng giảm, từ đó giảm nhu cầu sử dụng điện cho các thiết bị làm mát. Thứ ba, loại hình điện này thường phân tán trên diện tích rộng và quy mô nhỏ nên không gây áp lực lên hệ thống lưới điện và truyền tải; ngành điện không phải tốn chi phí đầu tư hạ tầng.

"Điện mặt trời mái nhà là hướng đi đúng đắn mà nhiều nước phát triển trên thế giới cũng lựa chọn. Nhà nước cần có cơ chế để khởi động lại loại hình năng lượng này", GS Long nói.

Việt Nam hiện có khoảng 200 MW hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt trong 3 năm qua. Tại tờ trình gửi Chính phủ hồi giữa năm, Bộ Công Thương từng đưa ra 3 mô hình phát triển nguồn điện này. Cụ thể, điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác; điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà xưởng và hệ thống điện tái tạo không liên kết lưới điện quốc gia. Bộ này khẳng định, chỉ khuyến khích điện mái nhà tự dùng tại công sở, nhà ở.

Chính phủ thảo luận về đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Cấp, thoát nướcChính phủ thảo luận về đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Cấp, thoát nước

SKĐS - Sáng 17/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2023 để thảo luận về các đề nghị xây dựng luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Cấp, thoát nước; Luật Điện lực (sửa đổi).

Xem thêm video đang được quan tâm:

Cứu đôi chân người bệnh thoát khỏi tình trạng hoại tử, nguy cơ phải cắt cụt / | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn