Những lĩnh vực nào tuyển sinh kém nhất?
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, thống kê số liệu tuyển sinh 3 năm gần đây cho thấy phần lớn cơ sở đào tạo đã tuyển được số lượng đạt tỷ lệ cao so với chỉ tiêu. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số trường tuyển sinh khó khăn, nhất là ở một số lĩnh vực và ngành đào tạo. Các cơ sở đào tạo tuyển kém chủ yếu thuộc nhóm trường tư thục chưa có đủ uy tín, thương hiệu mạnh và một số trường công lập, phân hiệu trường công lập không có lợi thế về địa điểm hoặc lĩnh vực đào tạo. Thống kê cũng cho thấy trừ một số trường hợp ngoại lệ thì phần lớn trường tuyển kém trong đợt 1 năm 2022 cũng tuyển kém trong 2 năm gần đây.
Đặc biệt, trong 3 năm liên tục có 4 lĩnh vực đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất: nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội.
Danh sách ngành tuyển kém có sự thay đổi hàng năm nhưng chủ yếu là những ngành hẹp hoặc ngành mới thí điểm đào tạo với chỉ tiêu thấp và ít nơi đào tạo. Một số ngành truyền thống có vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế đất nước, có quy mô tuyển sinh lớn hơn nhưng cũng luôn đạt chỉ tiêu rất thấp.
Các trường cần tăng cường hoạt động định hướng nghề nghiệp, tư vấn tuyển sinh cho học sinh phổ thông
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), hầu hết ngành tuyển sinh kém là những ngành hẹp, ngành mới đào tạo thí điểm hoặc một số ngành truyền thống nhưng thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.
Phân tích một số nguyên nhân của việc tuyển sinh kém so với chỉ tiêu đề ra, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo trong tuyển sinh ngày càng mạnh mẽ. Số lượng và chất lượng tuyển sinh khẳng định thương hiệu, uy tín, yếu tố thành công cốt lõi trong chiến lược phát triển của mỗi cơ sở đào tạo. Xu hướng phân cực khá rõ rệt, các trường mạnh ngày càng mở rộng quy mô và thu hút thí sinh tốt hơn, ngược lại các trường đang tuyển kém thì càng kém đi.
Bên cạnh đó, một số ngành đang tuyển tốt trong các năm trước được cơ sở đào tạo gia tăng mạnh chỉ tiêu, nhất là một số trường đại học tư thục, giành thị phần của trường khác. Một số cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu quá lớn so với khả năng thu hút thí sinh, dẫn tới kết quả tuyển sinh không như kỳ vọng.
Ngoài ra, do bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi, nhất là của thị trường lao động, cùng với sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ, dẫn tới xu hướng chọn trường và chọn ngành có dịch chuyển mạnh trong những năm gần đây.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch trong tuyển sinh buộc các cơ sở đào tạo phải nỗ lực đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo và dịch vụ hỗ trợ người học, đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo. Các trường cần tăng cường hoạt động định hướng nghề nghiệp, tư vấn ngành nghề, tư vấn tuyển sinh cho học sinh phổ thông, đặc biệt chú trọng truyền thông về cơ hội việc làm và triển vọng phát triển nghề nghiệp đối với những ngành nghề khó tuyển sinh nhưng thiết yếu đối với sự phát triển của đất nước.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất cơ chế Nhà nước đầu tư, đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người học đối với các ngành thiết yếu nhưng khó tuyển sinh, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục mở rộng chính sách ưu đãi tín dụng đối với sinh viên.
Theo Báo cáo về Tuyển sinh và đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm năm 2022 của Bộ GD&ĐT công bố mới đây, hơn 467.400 thí sinh trúng tuyển đã nhập học, đạt tỷ lệ 81,17%. Trong đó, các thí sinh trúng tuyển các ngành lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý nhiều nhất với 26%, tương đương hơn 121.500 em.
Tiếp theo, thí sinh nhập học lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin với 13%, tương đương hơn 60.700 em; các lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật, Nhân văn cùng chiếm 9% thí sinh nhập học; các lĩnh vực Sức khỏe, Khoa học xã hội và hành vi cùng chiếm 6%; lĩnh vực Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên 5%. Các lĩnh vực còn lại, số thí sinh trúng tuyển dao động từ dưới 1-4%.