Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn nhanh khỏi cảm cúm.
Cần nghỉ ngơi ngay khi có dấu hiệu mắc bệnh
Khi bị cảm cúm người bệnh nên nghỉ ngơi, các biểu hiện sớm của bệnh xuất hiện như: mệt mỏi, âm ấm đầu hay mũi bị nghẹt... sẽ trầm trọng hơn nếu người bệnh chủ quan. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, chỉ cần nghỉ ngơi và ăn uống điều độ, cơ thể bạn sẽ tự sản sinh ra kháng thể để chống lại với virus gây bệnh và tiêu diệt nó trước khi phát triển mạnh thêm.
Bệnh nhân bị cảm cúm cần được nghỉ ngơi và thư giãn ở những nơi thoáng khí, tránh gió, tránh nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, không nên cho bệnh nhân nằm phòng máy lạnh vì sẽ khiến bệnh cảm cúm khó thuyên giảm và làm cho các triệu chứng khàn cổ, khàn tiếng trầm trọng thêm.
Thực hiện chỉ định của bác sĩ để giảm những khó chịu
Khi mắc cảm cúm, người bệnh sẽ có các biểu hiện như sốt, ho, đau đầu. Chỉ nên uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ (như paracetamol, thuốc cảm cúm…) và uống vitamin C liều cao. Còn đối với những người bị cảm cúm có tiền sử loét dạ dày - tá tràng không được uống aspirin, APC, vitamin C.
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ
Hằng ngày, người bệnh bị cảm cúm nên nhỏ mũi bằng thuốc sát khuẩn. Cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc áo quần thoáng mát. Có thể tắm bằng các lá thơm đóng kín cửa hoặc trùm vải kín để xông các lá thơm như lá chanh, lá bưởi, lá tía tô, kinh giới, bạc hà, lá sả, tần dày, lá húng chanh, húng quế, ngũ trảo, từ bi, long não, bồ bồ (thuỷ xương bồ) để thông mũi, giải cảm, toát mồ hôi độc ra ngoài và tạo cảm giác dễ chịu, thư giãn cho cơ thể người bệnh. Tuy nhiên, không xông lá thơm liên tục tránh mất nước.
Cần chú ý đến dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng
Khi mắc cảm cúm cần uống nhiều nước ấm, tăng cường ăn uống đủ chất giàu vitamin. Trong cơ thể con người có đến 70% là nước, thông thường bạn cần phải uống khoảng 1,5 – 2 lít nước một ngày, đặc biệt là khi bị cúm thì cơ thể lại càng háo nước hơn nữa. Nếu không được bổ sung nước đầy đủ khi bị bệnh, các cơ quan trong cơ thể sẽ không thể hoạt động hiệu quả, cùng với đó là sự suy yếu của hệ miễn dịch khiến cho virus cúm càng có cơ hội tấn công mạnh mẽ hơn. Do đó, để nhanh chóng khỏi bệnh, hãy cố gắng uống thật nhiều nước, ngay cả khi bạn không thấy khát.
Cần ăn thực phẩm lỏng, nóng, dễ tiêu, uống nhiều nước (oresol, nước quả tươi, cháo giải cảm, nước chanh tươi ấm pha mật ong…), nhất là với người cao tuổi và trẻ em. Vitamin và khoáng chất là hai loại dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Bởi chúng có tác dụng tăng cường khả năng đề kháng của hệ miễn dịch để chống lại mầm bệnh, hơn nữa còn giúp bạn ăn uống ngon miệng hơn. Vì vây, để bổ sung vitamin và khoáng chất, nên ăn nhiều loại hoa quả như cam, bưởi… cũng giúp phòng tránh cúm hiệu quả.
Bị cảm cúm thường sốt sau 7 ngày mà người bệnh vẫn không giảm hoặc tái sốt cần đến cơ sở y tế ngay vì có thể bị bội nhiễm vi khuẩn và các biến chứng nguy hiểm khó lường khác.
Lưu ý đối với người chăm sóc bệnh nhân bị cảm cúm
- Cần đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc với người cảm cúm, nhỏ mũi thuốc sát khuẩn, thường xuyên rửa tay sau và trước khi tiếp xúc với bệnh nhân bằng nước rửa tay diệt khuẩn.
- Đồ dùng của người cảm cúm (như bát, đũa, thìa, cốc, chén…) tốt nhất là nên dùng riêng. Khăn giấy của bệnh nhân cảm cúm đã sử dụng nên để trong túi và xử lý với các loại rác thải khác.
Chú ý bồi dưỡng thêm chất bổ để đảm bảo sức khỏe khi chăm người bệnh cảm cúm, nên ăn thêm gia vị làm ấm cơ thể và có tính kháng khuẩn (như hành, tỏi, gừng…), ăn nhiều rau quả trái cây tươi chứa nhiều vitamin C (chanh, cam, quýt…) để tăng cường sức đề kháng chống lại vi khuẩn gây bệnh cảm cúm.
- Mỗi ngày nên uống 1 ly trà gừng ấm và uống nước ấm để giảm thiểu tối đa nguy cơ bị lây bệnh cảm cúm.
Khi thấy dấu hiệu của bị cảm cúm như: sổ mũi, nhức đầu, đau mình mẩy, mắt đỏ, gai gai rét, phải cách ly, đưa bệnh nhân đi khám, điều trị ngay.